Thương hiệu quốc gia Việt Nam: Tự hào và khát vọng
Ngày 20/4 hằng năm được chọn là Ngày Thương hiệu Việt Nam – một dịp đặc biệt không chỉ để nhìn lại hành trình phát triển của thương hiệu quốc gia Việt Nam mà còn là thời điểm để khơi dậy niềm tự hào và tinh thần trách nhiệm trong mỗi tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân… Trong bối cảnh toàn cầu hóa cạnh tranh gay gắt, giá trị thương hiệu không chỉ là con số kinh tế mà còn là tấm gương phản chiếu vị thế và uy tín của một quốc gia trên trường quốc tế
Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam: Vươn lên mạnh mẽ
Trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục ghi dấu ấn tích cực trên bản đồ kinh tế thế giới với tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia đầy ấn tượng. Theo Báo cáo của Brand Finance – tổ chức định giá thương hiệu hàng đầu thế giới – năm 2024, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt mốc 507 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2023, giúp Việt Nam tăng thêm một bậc, xếp hạng 32 trên toàn cầu.
Top 10 thương hiệu giá trị năm 2024. (Nguồn:Tctctt) |
Tốc độ tăng trưởng bền vững của giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam những năm qua không phải là điều ngẫu nhiên, mà là kết quả của sự điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, cải cách thể chế mạnh mẽ, và đặc biệt là nỗ lực trong công tác xây dựng thương hiệu ở cấp quốc gia do Bộ Công Thương chủ trì triển khai thông qua Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value).
Điểm đặc biệt của thương hiệu quốc gia Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh kinh tế, uy tín thể chế và giá trị văn hóa dân tộc. Đây chính là nền tảng để hình ảnh quốc gia trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư, đối tác và người tiêu dùng toàn cầu.
Vai trò của Bộ Công Thương và Chương trình Thương hiệu quốc gia
Từ năm 2003 đến nay, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã trở thành trụ cột trong chiến lược nâng tầm vị thế hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế. Thương hiệu quốc gia là chương trình của Chính phủ giao Bộ Công Thương trực tiếp chủ trì, chương trình không chỉ là công cụ chọn lọc và tôn vinh những sản phẩm tiêu biểu mà còn đóng vai trò dẫn dắt trong tư duy xây dựng và phát triển thương hiệu bài bản theo chuẩn quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chụp ảnh cùng đại diện các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024. |
Trong năm 2024, theo kết quả công bố, đã có 126 doanh nghiệp với 321 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Đây không chỉ là con số mà là minh chứng sống động cho sự lan tỏa của tư duy làm thương hiệu chuyên nghiệp trong cộng đồng doanh nghiệp Việt. Những doanh nghiệp này đã không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng và duy trì sự bền vững – các tiêu chí cốt lõi của Chương trình Thương hiệu quốc gia.
Bộ Công Thương không chỉ dừng lại ở việc xét chọn thương hiệu mà còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp: Từ truyền thông, tư vấn chiến lược thương hiệu, đến mở rộng thị trường xuất khẩu và khẳng định chỗ đứng ở các thị trường trọng điểm…
Thương hiệu – sức mạnh mềm của quốc gia
Trong nền kinh tế toàn cầu và hội nhập, nơi mà chất lượng sản phẩm và giá thành đã không còn là lợi thế duy nhất, giá trị thương hiệu trở thành một "sức mạnh mềm" cực kỳ quan trọng. Một thương hiệu quốc gia mạnh sẽ nâng đỡ hàng hóa, dịch vụ và hình ảnh doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn bất cứ công cụ marketing nào.
Chính vì vậy, nhiều quốc gia phát triển đã coi việc xây dựng thương hiệu quốc gia là một phần trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn. Họ đầu tư ngân sách quốc gia cho các chương trình nhận diện hình ảnh, quảng bá quốc gia, hỗ trợ thương hiệu trong nước vươn ra thế giới. Từ Hàn Quốc với hình ảnh "Korea Premium" đến Nhật Bản với "Cool Japan", hay Đức với "Made in Germany" – tất cả đều chứng minh rằng thương hiệu quốc gia là một tài sản quốc gia.
Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Việc liên tục được cải thiện thứ hạng thương hiệu cho thấy cộng đồng quốc tế ngày càng ghi nhận Việt Nam là một quốc gia ổn định, đáng tin cậy và có năng lực sản xuất, sáng tạo, đổi mới. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn góp phần định hình vị thế, tăng cường ảnh hưởng mềm và củng cố niềm tin quốc tế vào Việt Nam.
Đằng sau giá trị thương hiệu quốc gia là những nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp, những người sáng lập, những công nhân trên dây chuyền sản xuất, những chuyên gia nghiên cứu và từng người tiêu dùng Việt Nam. Mỗi sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam ra thế giới đều chứa đựng sự tâm huyết, sáng tạo và khát vọng vươn lên.
Tự hào vì Việt Nam đang có những thương hiệu được quốc tế ghi nhận. Nhưng tự hào ấy cần đi cùng với trách nhiệm gìn giữ và nâng tầm thương hiệu.
Trách nhiệm trước tiên là của doanh nghiệp: Phải coi thương hiệu là tài sản sống còn, là cam kết với khách hang và là biểu tượng của quốc gia. Đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, minh bạch thông tin và hướng đến phát triển bền vững – đó là những bước đi không thể thiếu để doanh nghiệp Việt tiếp tục khẳng định mình.
Trách nhiệm xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với mỗi tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Ảnh: TCKTVN |
Trách nhiệm tiếp theo là của các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về môi trường kinh doanh, khung pháp lý, và chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Song song với đó, cần đẩy mạnh truyền thông quốc gia, quảng bá sản phẩm và hình ảnh đất nước một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Cuối cùng, trách nhiệm thuộc về mỗi người dân Việt Nam – những người tiêu dùng thông minh, những người chia sẻ giá trị thương hiệu Việt bằng hành động cụ thể: ưu tiên dùng hàng Việt, lan tỏa câu chuyện Việt, và cùng nhau bảo vệ uy tín quốc gia trong từng sản phẩm và dịch vụ...
Giá trị thương hiệu không chỉ là thước đo kinh tế, mà còn là niềm kiêu hãnh của một dân tộc. Từ những thương hiệu truyền thống đến các startup công nghệ, từ bàn tay lao động đến chiến lược quốc gia – tất cả đều là mảnh ghép tạo nên hình ảnh một Việt Nam năng động, đáng tin cậy và giàu bản sắc. |