Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tăng trưởng GRDP thấp
Theo số liệu công bố của Tổng Cục thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) tỉnh Thừa Thiên Huế quý I/2024 ước đạt 4,28%, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ 6,91%, đứng thứ 9/12 tỉnh, thành vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và chưa đạt như kỳ vọng đề ra.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn (Ảnh: HM) |
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I ước tăng 1,2% so với cùng kỳ, trong đó: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 5,8%. Một số sản phẩm có sản lượng tăng so với cùng kỳ như: Tôm đông lạnh tăng 8,5%; xi măng tăng 10,8%; sợi các loại tăng 12%; quần áo lót tăng 4,7%; đá xây dựng tăng 20,8%; dăm gỗ tăng 30,5%;... Bên cạnh đó, một số sản phẩm có sản lượng giảm như: Bia giảm 4,6% so với cùng kỳ; men frit giảm 6,6%; điện sản xuất giảm 33,9%; điện thương phẩm giảm 0,6%,...; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 250,6 triệu USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 215 triệu USD, tăng 54,2% so với cùng kỳ.
Trong quý I, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 13.252 tỷ đồng, tăng 11%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 5.259 tỷ đồng, bằng 15,4% kế hoạch, tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách ước đạt 2.751 tỷ đồng, bằng 23,3% dự toán và tăng 16,6% so với cùng kỳ; chi ngân sách nhà nước ước đạt 2.543 tỷ đồng, bằng 16% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển 700 tỷ đồng, bằng 12% dự toán; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 3,9% so với cùng kỳ…
Ngoài ra, một số dự án công nghiệp chưa thể vận hành hoặc sản xuất như kỳ vọng, điển hình như Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế dự kiến năm 2024 sản xuất 1.000 chiếc, nhưng quý I chỉ sản xuất được 70 chiếc; nhà máy xử lý rác Phú Sơn doanh thu quý I/2024 chỉ đạt 20 tỷ đồng…
Đẩy mạnh hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn
Theo kế hoạch, mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 của tỉnh Thừa Thiên Huế là 8,5% - 9,5%. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu này sẽ là thách thức rất lớn đối với tỉnh trong quý II và 6 tháng cuối năm.
Nhiều cơ sở sản xuất, công nghiệp nông thôn được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công (Ảnh: NT) |
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Trong đó, tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả 4 Tổ công tác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn. Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp để trực tiếp chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và quyết định nhiều nội dung quan trọng trên các ngành, lĩnh vực; nhất là vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách.
Nhiều giải pháp căn cơ cũng được vạch ra, đáng chú ý là quan tâm đến việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để thu hút đầu tư vào những lĩnh vực lớn, có thế mạnh; tập trung theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm sớm đi vào hoạt động tạo năng lực mới, đặc biệt là các dự án sản xuất công nghiệp. Hỗ trợ để sớm triển khai các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư, đã lựa chọn được nhà đầu tư. Đồng thời, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách, tập trung các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh… Tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách.
Cụ thể, Sở Kế hoạch Đầu tư Thừa Thiên Huế thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thuê mặt bằng sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có đơn vị kinh doanh hạ tầng; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; lãi suất vay vốn ban đầu; chữ ký số công cộng; hỗ trợ chi phí hóa đơn điện tử; hỗ trợ chỉ dẫn địa lý sản phẩm…
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cũng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nguồn vốn khuyến công trung ương, địa phương. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị… với số tiền hàng tỷ đồng để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Trần Đức Minh - Chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn. Đến nay các chính sách đang dần có hiệu quả cho doanh nghiệp. Cụ thể, hỗ trợ hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các lớp đào tạo chuyên sâu, bài bản về điều hành doanh nghiệp, hỗ trợ về công tác sở hữu trí tuệ, hỗ trợ trong lĩnh vực khuyến công… giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, khẳng định thương hiệu, vị thế, vai trò của mình trên thị trường. “Các chính sách hỗ trợ hiện nay đang dần đi vào cuộc sống, thực chất và thiết thực hơn, thủ tục thực hiện ngày càng dễ dàng, dễ hiểu và quan trọng hơn, là cơ quan quản lý nhà nước đi tìm doanh nghiệp để hỗ trợ với phương châm “cầm tay chỉ việc” với các mô hình phù hợp, sâu sát với doanh nghiệp chứ không phải doanh nghiệp đi tìm các chính sách như trước đây nữa”, Chủ tịch Hội doanh nhân Trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế Trần Đức Minh cho biết thêm.
Từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên Huế cấp mới cho 13 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3.527 tỷ đồng (trong đó, có 6 dự án FDI với tổng vốn 30,2 triệu USD). Trong địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp cấp mới 7 dự án đầu tư với vốn đăng ký 2.411 tỷ đồng; ngoài địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp cấp 06 dự án với vốn đăng ký hơn 1.116 tỷ đồng; có 202 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.164 tỷ đồng, tăng 3% về lượng và giảm 5% về vốn so với cùng kỳ. |