Thu hẹp đà giảm, nhiều doanh nghiệp gỗ có đơn hàng đến hết quý I/2024
Đơn hàng quay trở lại
Chuyên sản xuất các mặt hàng sofa xuất khẩu sang thị trường Mỹ, bà Dương Thị Tú Trinh – Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Thiện (Bình Dương)- cho biết, nếu như từ đầu năm đến tháng 7 vừa qua công ty hoạt động cầm chừng, nhiều thời điểm phải cắt giảm công nhân thì nay đã tuyển lại lao động, hoạt động đạt 50 - 60% công suất. Người lao động đã làm đủ ngày công trong tháng và bình quân Công ty xuất khẩu khoảng 100 container hàng/tháng.
“Bước sang quý IV/2023, tình hình đơn hàng của doanh nghiệp tăng trở lại với mức từ 20 – 25% so với 3 quý trước. Hiện, doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng đến hết quý I/2024”, bà Trinh thông tin.
Đánh giá về những tín hiệu cho thấy thị trường đang sáng trở lại, ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, cho biết mặc dù chưa trở lại được như những năm trước, tuy nhiên trong quý III/2023, thị trường xuất khẩu gỗ đã dần phục hồi. Do đó, dự báo năm 2024 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi. Hiện Công ty đã nhận được một số đơn hàng cho vụ mới, cũng đã có khách hỏi báo giá, mẫu đã có.
“Thị trường đã bắt đáy và theo quy luật khi chạm đáy rồi sẽ từ từ lên. Đến nay, chúng tôi đang tiếp xúc với một số khách và tình hình đơn hàng 2024 khá khả thi. Đây là tin mừng cho ngành gỗ. Đến năm 2024 xuất khẩu gỗ sẽ phục hồi trở lại”, ông Huỳnh Quang Thanh cho biết.
Nhiều doanh nghiệp gỗ đã có đơn hàng đến hết quý I/2024 |
Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đánh giá, thị trường thế giới giảm sút đã tác động tới tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, bước qua quý III/2023 thị trường đã có những tín hiệu tích cực. Các đơn hàng xuất khẩu của mặt hàng gỗ và thủ công mỹ nghệ có dấu hiệu hồi phục. Có những doanh nghiệp đơn hàng đã đạt trên 50% công suất nhà máy và xu hướng này đang tăng lên dần. Đặc biệt, theo thông lệ hàng năm, quý IV/2023 và quý I/2024 sẽ là cao điểm của ngành xuất khẩu gỗ, do đó ông Mạnh dự báo kim ngạch xuất khẩu sẽ hồi phục trở lại trong thời gian tới.
“Hy vọng cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm 2024 đơn hàng sẽ trở lại trạng thái như cũ. Đây là điểm sáng.”, ông Mạnh nói.
Vẫn đối mặt nhiều thách thức
Mặc dù có những điểm sáng, song theo ông Mạnh, các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang phải đối mặt nhiều thách thức khi đơn hàng hiện nay phải cạnh tranh hơn và yêu cầu về mẫu mã, chất lượng lại cao hơn rất nhiều. Chẳng hạn khách hàng yêu cầu nguyên liệu gỗ, phụ liệu phải tái chế, nhưng chất lượng phải cao hơn. Đây là một áp lực đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Mạnh cho rằng, chính những khó khăn này cũng là cơ hội để doanh nghiệp tự làm mới mình, từ chỗ làm những đơn hàng truyền thống, chuyển hướng đến các sản phẩm mang tính bảo vệ môi trường, đa dạng về mẫu mã… thì mới có thể cạnh tranh và làm chủ thị trường, để Việt Nam trở lại thời kỳ huy hoàng về xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ.
Cùng với tái cấu trúc sản xuất, việc thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm giúp doanh nghiệp kết nối được nhiều khách hàng |
Theo xu thế thị trường, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ phải nâng cao năng lực bằng cách công nghiệp hóa, nhiều công đoạn làm bằng máy, năng suất cao hơn. Cụ thể, nếu như trước đây, khách hàng chỉ yêu cầu chứng chỉ với một khâu như từ khâu nguyên liệu đến sản xuất thì nay yêu cầu hết tất cả các khâu trong toàn chuỗi cung ứng, từ khâu xác định nguồn gốc nguyên liệu đến sản xuất trong nhà máy, cho đến đầu ra, hệ thống tiêu thụ và đến tận tay khách hàng. Do đó, các doanh nghiệp phải đảm bảo giảm chi phí từ khâu đầu vào, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố môi trường.
Cũng theo ông Mạnh, hiện có nhiều doanh nghiệp, làng nghề đã nắm bắt và chuyển đổi theo hướng sản phẩm thân thiện với môi trường, tuy nhiên để đáp ứng được yêu cầu của thế giới, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Đặc biệt, phải chú trọng đổi mới công nghệ, hoàn thiện hệ thống quản trị sản xuất, nâng cao tính hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, đẩy mạnh sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
“Trong thời gian tới, tập trung vào tiêu chí giá tốt, phù hợp với thị hiếu, sản phẩm đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt… là một trong những giải pháp hàng đầu để gia tăng đơn hàng”, ông Mạnh nhận định.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 10 đạt 1,2 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam ước đạt 10,8 tỷ USD, giảm 19,9% so với cùng kỳ năm 2022. |