Mang sản phẩm OCOP tới gần hơn người tiêu dùng
Trong năm 2020, các sản phẩm OCOP Hà Tĩnh được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đợt 1 và đợt 2 là 118 sản phẩm (đợt 1 là 35 sản phẩm; đợt 2 là 83 sản phẩm) trong đó có 87 sản phẩm được đánh giá đạt từ 50 điểm trở lên. Cùng với đó Hà Tĩnh triển khai thêm các điểm bán sản phẩm OCOP để thúc đẩy kết nối và tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Những sản phẩm được xếp hạng, đạt sao khi thương mại hóa sẽ có thể tìm được “chỗ đứng” vững chắc trên thị trường.
Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 16 cửa hàng giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP đặc sản của Hà Tĩnh |
Chị Nguyễn Thị Bích Việt (phường Hà Huy Tập, TP. Hà Tĩnh) cho hay, hơn một năm nay qua mạng xã hội chị biết đến các sản phẩm OCOP, nên thường xuyên ghé cửa hàng để mua các thực phẩm cho gia đình. Các sản phẩm từ hải sản, đồ dùng cho gia đình đều rất yên tâm, vì tất cả đều được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra…
HTX chế biến thủy hải sản Chiến Thắng (thị xã Kỳ Anh) đã khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP vào đầu năm 2021. Bà Đặng Thị Luận - chủ cửa hàng cho biết, sau hơn 4 tháng đi vào hoạt động, doanh số bán hàng khá ổn định, bình quân 200 triệu đồng/tháng. Thế nhưng theo bà Luận vẫn còn một số tồn tại, như việc có đủ số lượng các mặt hàng còn khó do khâu vận chuyển từ cơ sở sản xuất đến cửa hàng không kịp nhất là trong những dịp lễ tết, thêm một nguyên nhân là các cơ sở sản xuất hầu như quy mô còn nhỏ nên việc đáp ứng một lúc số lượng lớn còn gặp khó. Đó cũng là tình trạng chung của 16 điểm cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh.
Tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy phát triển sản, xuất kinh doanh trong thực hiện chương trình OCOP” vừa qua tại Hà Tĩnh, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, khó khăn nhất hiện nay đó là công tác vận chuyển, dịch vụ để phân phối hàng hóa từ nhà sản xuất đến các cửa hàng tiêu thụ. Vì chưa có đơn vị làm trung gian, thu mua, phân phối nên mỗi cửa hàng phải tự đặt hàng trực tiếp từ nhà sản xuất, dẫn đến chi phí vận chuyển cao, hàng hóa đến không kịp thời. Do vậy, để hóa giải khó khăn này, cần phải có một đơn vị trung gian đứng ra làm công tác vận chuyển hàng hóa, sản phẩm, ít nhất mỗi ngày 1 chuyến hàng với đủ các mặt hàng đến và đi giữa các cửa hàng.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Bùi Thị Nga - phụ trách cửa hàng nông sản an toàn của Hội Nông dân - đề xuất: Hội Nông dân đang có kế hoạch thành lập đại lý chuyên làm nhiệm vụ kết nối, phân phối các sản phẩm từ nhà sản xuất đến các cửa hàng OCOP trên toàn tỉnh. Bước đầu, việc đầu tư phương tiện vận chuyển, kho bảo quản hàng hóa cần có sự hỗ trợ, đầu tư của tỉnh”. Thêm một điểm hạn chế tại hầu hết các điểm bán hàng OCOP, số lượng, chủng loại hàng hóa các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP còn chưa phong phú, đa dạng để thu hút đông đảo người tiêu dùng và khách du lịch. Trong thời gian tới, sẽ đẩy mạnh kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua việc mở thêm nhiều điểm bán hàng OCOP, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử....
Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công Thương - cũng cho biết, Hà Tĩnh là 1 trong số ít các tỉnh ban hành quy chế quản lý điểm giới thiệu, bán sản phẩm tham gia chương trình OCOP nhằm quản lý hệ thống phân phối sản phẩm OCOP đảm bảo tính đồng bộ, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Để hệ thống này phát huy hiệu quả, ngoài chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tỉnh cần tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn lực tập trung các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ hoạt động tiêu thụ để giảm chi phí trung gian trong vận chuyển, phân phối sản phẩm OCOP.
Cửa hàng OCOP - cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng
Sản phẩm nhung hươu Chiến Sơn của Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn đã đạt chuẩn OCOP 4 sao năm 2019. Ông Trần Đình Chiến - Giám đốc công ty - chia sẻ, hiện đây mới chỉ là một kênh bán hàng mang tính thời vụ, chưa đảm bảo bền vững. Để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP một cách chuyên nghiệp, bền vững, cần có điểm giới thiệu, bán sản phẩm, đặc biệt phải có bộ nhận diện thương hiệu cửa hàng OCOP. Điểm bán hàng OCOP phải được cơ quan quản lý nhà nước công nhận và cấp phép, giám sát. Điều này cũng giúp người tiêu dùng biết được điểm bán và mua đúng hàng hóa là sản phẩm OCOP.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Tĩnh xác định tiếp tục đưa Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế nông thôn gắn với Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới |
Đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 16 của hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, về biển hiệu, cách thức bố trí trong cửa hàng cũng đang “mỗi nơi mỗi kiểu”, chưa có mẫu thống nhất. Điểm bán hàng OCOP của Công ty CP Ced Central tại số 02, đường Vũ Quang (TP. Hà Tĩnh). Đây là điểm trưng bày, bán sản phẩm OCOP có qui mô lớn nhất tỉnh, theo 3 vùng miền tương ứng với các sản phẩm.
Ông Trần Quốc Huy - Giám đốc công ty - cho biết, năm 2019 để ra đời trung tâm này, đơn vị phải thuê mặt bằng và đầu tư cải tạo, sửa chữa gần 4 tỷ đồng. Việc thiết kế biển hiệu cửa hàng OCOP do công ty tự làm, chưa có mẫu thống nhất qui định nào. Cũng theo ông Huy, cần sớm xây dựng bộ nhận diện thương hiệu cửa hàng OCOP Hà Tĩnh để có sự chuyên nghiệp trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, cần sự phối hợp với các đơn vị lữ hành du lịch, các địa phương khi tổ chức hội nghị, hội thảo, lễ hội, cần có “tour” kết nối dẫn khách tham quan tại các cửa hàng OCOP...
Chỉ trong 2 năm thực hiện Chương trình OCOP, Hà Tĩnh đã hình thành 300 ý tưởng sản phẩm, trong đó có 152 sản phẩm đánh giá phân hạng đạt 3 sao, 7 sản phẩm đạt 4 sao. Điều quan tâm nhất hiện nay đối với các cơ sở sản xuất đó là việc làm sao để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, cũng như quản lý thương hiệu, tránh làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Việc quản lý điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, Hà Tĩnh không chỉ làm gia tăng kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ mà còn đảm bảo cho người tiêu dùng sử dụng đúng sản phẩm mang thương hiệu OCOP Hà Tĩnh.
Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh - cho biết thêm, vừa qua Sở và Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp xây dựng, tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý điểm giới thiệu, bán sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tỉnh Hà Tĩnh. Quy chế hiện đang được cơ quan chuyên môn thẩm định lần cuối trước khi trình UBND tỉnh ban hành. Quy chế quy định khá đầy đủ về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng như tiêu chuẩn điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP, qui mô, chất lượng sản phẩm, hàng hóa… Trong đó, các điểm, cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP phải tạo được điểm nhấn, nhận diện thương hiệu OCOP. Đặc biệt, hàng hóa là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn phải dán tem OCOP và đảm bảo chất lượng theo đúng sản phẩm đã được chứng nhận, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành.
Ông Đặng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh: Hà Tĩnh luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh và Chương trình OCOP là một trong những mục tiêu quan trọng được Hà Tĩnh ưu tiên hàng đầu. Tỉnh đã triển khai thực hiện bài bản và có định hướng rõ ràng. Đồng thời coi đây là sinh kế để nông thôn Hà Tĩnh phát triển bền vững, sớm thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, phát triển sản phẩm OCOP thống nhất trong cả nước, phấn đấu đưa OCOP thành thương hiệu “quốc dân”. |