Mở 'cánh cửa' cho sản phẩm OCOP vào siêu thị, chuỗi bán lẻ, sàn thương mại điện tử Sản phẩm OCOP chưa “trưởng thành” khó vào siêu thị |
Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về sản phẩm OCOP
Chương trình OCOP được cho là một trong những lời giải của mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, trong nội ngành nông nghiệp, cơ cấu chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế so sánh, gắn với thị trường tiêu thụ và ứng dụng khoa học công nghệ. Một số ngành hàng, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và thị trường tiêu thụ thuận lợi tăng nhanh cả về diện tích, năng suất, chất lượng và tỷ trọng đóng góp cho tăng trưởng, xuất khẩu. Không chỉ có vậy, OCOP còn khởi xướng cho nông sản Việt tiếp cận các thị trường khó tính ở nước ngoài.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện chương trình OCOP, nhiều địa phương và chủ thể đã bỏ qua khâu sáng tạo, tham gia OCOP theo kiểu “phong trào” dẫn đến nhiều sản phẩm trùng lặp, tương đồng nhau. Từ đó, làm giảm đi tính cạnh tranh của OCOP, đẩy người tiêu dùng vào “thế khó” khi phải đưa ra sự lựa chọn giữa các mặt hàng OCOP với nhau.
Hội chợ xúc tiến thương mại là kênh quảng bá sản phẩm OCOP thành công nhất (Ảnh: QH) |
Tại Thanh Hóa, tính đến hết tháng 7/2024, toàn tỉnh có 522 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 4 sản phẩm đang đề xuất Hội đồng thẩm định Trung ương đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao, có 23 sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, trong những con số ấn tượng trên có rất nhiều sản phẩm OCOP tương đồng, giống nhau như: Nem chua, giò, mật ong…
Anh Bùi Văn Thuận, trú tại phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa cho hay: “Tôi có việc phải ra Hà Nội, trước khi đi muốn tìm hiểu một số đặc sản của quê hương để làm quà, nhưng khi gõ nem OCOP tại Thanh Hóa thì đã hiển thị ra một loạt trang, quảng cáo về nem OCOP nên không biết nên mua loại nào mới ngon”.
Không chỉ anh Thuận, mà hầu hết như những người tiêu dùng đều gặp khó khi tìm mua các sản phẩm OCOP tương đồng. Để có thể lựa chọn OCOP “ngon”, họ chỉ còn cách xem sản phẩm nào có mẫu mã, bao bì bắt mắt thì lựa chọn, vì họ cho rằng tất cả các sản phẩm đều được công nhận OCOP chắc chắn chất lượng sẽ tốt. Giống như chia sẻ của chị Bùi Lan Phương trú tại xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh khi phải tự chọn lựa các sản phẩm OCOP mật ong. “Đều là mật ong OCOP, nên chắc chắn chất lượng sẽ tương đồng, nên khi xem qua một lượt, tôi thấy cái nào mẫu mã đẹp thì lựa chọn”.
Thực tế, sản phẩm hàng hóa muốn tiêu thụ được thì phải được người tiêu dùng biết đến. Ở góc độ maketting, nhiều sản phẩm OCOP sẽ rất khó cạnh tranh với các nông sản khác, chưa nói tới hàng hóa nhập khẩu cùng chủng loại bởi không nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm OCOP. Một phần do OCOP còn “mới” đối với người dân, nên sự nhận diện sản phẩm OCOP của người tiêu dùng rất… hồn nhiên.
Bà Lương Thị Toán, trú tại thôn Thanh Xuân, xã Thanh Kỳ (huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi nghe trên truyền thông có nói về các sản phẩm OCOP nhưng chưa thực sự nhìn thấy ngoài đời. Có lẽ ở vùng sâu, vùng xa nên sản phẩm OCOP chưa mang lên đây để bán”.
Không chỉ người tiêu dùng ở huyện miền núi Như Thanh mà người dân ở thành phố cũng chưa có nhiều người biết đến sản phẩm OCOP. Bà Nguyễn Thị Minh, người dân phường Điện Biên, TP Thanh Hóa khẳng định: “Tôi không biết sản phẩm OCOP là gì cả”. Thậm chí, ngay cả một chủ cửa hàng tạp hóa như chị Nguyễn Thị Út Hương, ở phường Quảng Thắng, TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cũng ngơ ngác khi được hỏi về sản phẩm OCOP. “Mình mới nghe nói, cũng chẳng hiểu nó là gì nên không quan tâm”.
OCOP Giò lụa Sải vàng chất lượng tốt, nhưng khó phát triển do phải cạnh tranh với các sản phẩm tương đồng (Ảnh: QH) |
Ngoài ra, một số sản phẩm OCOP hình thành trên bệnh thành tích, dẫn đến “chết yểu” sau khi được công nhận. Để có sản phẩm được chứng nhận OCOP, hiện nay, một số địa phương đã tìm cách để sản phẩm “thương hiệu” của địa phương được công nhận mà chưa tìm hiểu kỹ về năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dẫn đến tình trạng sản phẩm đã được chứng nhận nhưng vẫn phải loay hoay đi bán dạo trên phố như những sản phẩm thường.
Tìm điểm riêng để OCOP phát triển
Sau gần 6 năm triển khai Chương trình OCOP, việc một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa nhận diện được sản phẩm OCOP là kết quả rất đáng tiếc. Bởi để định vị thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường nông sản, các cấp, các ngành, các địa phương đã đầu tư nhiều kinh phí, công sức lẫn tâm huyết; nhất là trong khâu tiêu thụ, rất nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP đã được tổ chức từ Trung ương tới địa phương.
Chia sẻ về giải pháp nâng tầm sản phẩm OCOP sau khi được công nhận, ông Bùi Công Anh, Phó Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho rằng, giá trị của sản phẩm phải thường xuyên được làm mới, được cải tiến. Hôm nay, chúng ta thấy nó đã tốt rồi nhưng ngày mai chưa chắc nó còn tốt, bởi ngày mai sẽ có những sản phẩm ở phía sau tốt hơn, chiếm ưu thế và lấn át thị trường.
“Nhu cầu sử dụng của người dân mỗi thời điểm luôn khác nhau, chính vì thế OCOP phải luôn cải tiến, thay đổi để phù hợp với xu thế. Có như thế thì người tiêu dùng mới thấy được cái mới, cái hấp dẫn của sản phẩm và không rời bỏ sản phẩm”, ông Bùi Công Anh chia sẻ.
Chủ thể OCOP cần sáng tạo để tăng khả năng cạnh tranh, đưa sản phẩm ra thị trường lớn. (Ảnh: HM) |
Cũng theo ông Bùi Công Anh, ngoài việc chủ thể OCOP làm tốt khâu sản xuất thì vai trò “tiếp thị” của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương có ý nghĩa rất quan trọng. Lãnh đạo các địa phương, các cơ quan chuyên môn không chỉ đơn thuần đứng ra tổ chức một hội chợ, một cuộc triển lãm, mà thông qua các sự kiện này cần nắm bắt tín hiệu thị trường phản ứng với các sản phẩm OCOP của địa phương mình như thế nào, từ đó sẽ định vị giúp người nông dân tạo ra sản phẩm OCOP. Quảng bá, giới thiệu sản phẩm chính là tiếp cận thị trường, lắng nghe tiếng nói thị trường, sau đó phản hồi lại cho người sản xuất.
Bên cạnh đó, để OCOP có thể phát triển vững mạnh, chủ thể và chính quyền địa phương cần xây dựng và phát triển sản phẩm gắn với câu chuyện văn hóa vùng miền. Để từ đó tạo nên nét riêng biệt giữa các sản phẩm tương đồng. Giống như bưởi Diễn với bưởi Phúc Trạch, đều là bưởi tiến vua, nhưng hai sản phẩm này vẫn tìm được điểm riêng để phát triển bền vững vì đằng sau đấy là cả một câu chuyện văn hóa vùng miền.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển ông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, ngoài việc chủ thể OCOP làm tốt khâu sản xuất thì vai trò “tiếp thị” của các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương rất quan trọng. Lãnh đạo các địa phương, các cơ quan chuyên môn không chỉ đơn thuần đứng ra tổ chức một hội chợ, một cuộc triển lãm, mà thông qua các sự kiện này cần nắm bắt tín hiệu thị trường phản ứng với các sản phẩm OCOP của địa phương. Từ đó sẽ định vị giúp người nông dân tạo ra sản phẩm OCOP theo thị yếu của người tiêu dùng. |