Thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp Phần Lan tại Việt Nam 17 doanh nghiệp được vinh danh nhờ đóng góp vào thúc đẩy bình đẳng giới Mời tham dự Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu xanh 2024 |
Doanh nghiệp đang đối mặt xâm phạm bảo hộ sở hữu trí tuệ
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương bên lề Hội thảo "Tài nguyên nhãn hiệu: Tối đa hoá giá trị và bảo vệ quyền lợi" được tổ chức vào ngày 28/11, tại Hà Nội, ông Lưu Minh Hải - Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Công nghệ mới Nhật Hải, đơn vị sở hữu sản phẩm Nano Curcumin mang nhãn hiệu Oic New - cho biết: Doanh nghiệp đã từng đối mặt với việc bị xâm hại quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) nhiều lần. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.
Hội thảo Tài nguyên nhãn hiệu: Tối đa hóa giá trị và bảo vệ quyền lợi được tổ chức vào ngày 28/11. Ảnh: NH |
Không chỉ tại Việt Nam, theo ông Chia Eu Jin Walter - Trưởng đại diện Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore (Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế - INTA) - cho rằng: Không chỉ các thương hiệu nhỏ, rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới cũng đang đối mặt với tình trạng bị làm giả, làm nhái, bị xâm phạm quyền SHTT.
Theo các chuyên gia, việc hàng hoá bị làm giả, làm nhái, vi phạm SHTT sẽ làm giảm uy tín của các thương hiệu, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến quay lưng lại với sản phẩm. Bên cạnh đó, với lợi thế về giá nên hàng giả và hàng nhái khiến những hàng hóa chính hãng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp chân chính.
Phát biểu tại sự kiện, ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết: Thời gian qua, chúng ta vẫn liên tục phải chứng kiến những bài học đắt giá về việc doanh nghiệp Việt Nam bị tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp, thương hiệu, thậm chí là bị lợi dụng và chiếm đoạt các thành quả sáng tạo cả ở trong lẫn ngoài nước.
Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ của thương mại điện tử và hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề bảo hộ SHTT lại càng trở nên phức tạp khi sự phát triển của khoa học - công nghệ vừa giúp phát huy và lan tỏa mạnh mẽ những mặt tích cực nhưng đồng thời cũng khuếch đại gấp nhiều lần các vấn đề nổi cộm về SHTT mà doanh nghiệp phải đối mặt.
“Các hành vi xâm phạm quyền STTT đang diễn ra ngày càng nhanh chóng hơn, tinh vi hơn với quy mô rộng lớn hơn, vượt qua cả ranh giới về địa lý và lãnh thổ quốc gia, thay đổi hình thức từ môi trường kinh doanh truyền thống lên môi trường thương mại điện tử và internet” - ông Lương Minh Huân khẳng định và cho rằng: Việc quản lý, bảo vệ tài sản SHTT và nâng cao giá trị nhãn hiệu và thương hiệu các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng trở thành yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ảnh S.T |
Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu
Những năm vừa qua, trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và sự bùng nổ của thương mại điện tử đã trở thành xu thế phát triển khách quan của mọi quốc gia, quyền SHTT đã và đang trở thành công cụ chủ lực giúp doanh nghiệp thiết lập thế độc quyền và hợp pháp hóa khả năng khai thác giá trị từ các thành quả sáng tạo, định vị thương hiệu, xây dựng uy tín, nhằm mở rộng thị phần cũng như bảo vệ doanh nghiệp trước các hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh tại thị trường trong nước và quốc tế. Đây cũng chính là những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Với việc đã ký kết 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), trong đó, có nhiều FTA thế hệ mới, quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đã mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tiếp cận thị trường quốc tế nhưng cũng đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay cả ở thị trường trong nước, vấn đề bảo hộ và quản lý tài sản SHTT đã ngày càng nhận được sự quan tâm của các bên liên quan, nhất là cộng đồng doanh nghiệp.
Cùng với nhu cầu của doanh nghiệp, theo ông Lương Minh Huân, hệ thống pháp luật về SHTT ở Việt Nam cũng đã được xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ngày càng hoàn thiện, qua đó, tạo nền tảng pháp lý cơ bản để điều chỉnh, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo; khai thác và bảo vệ các tài sản trí tuệ đồng thời khuyến khích cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
Doanh nghiệp Việt Nam cũng được đánh giá đã có ý thức hơn trong việc xây dựng thương hiệu, ngày càng nhiều các thương hiệu Việt Nam ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế như: Vinfast, Vinamilk, FPT, Viettel, Trung Nguyên…
Số lượng thương hiệu quốc gia được tăng lên đáng kể, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 190 doanh nghiệp đạt có sản phẩm thương hiệu quốc gia năm 2024, điều đó đã cho thấy những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo dựng vị trí vững chắc tại thị trường trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc - Chủ tịch Hội SHTT Việt Nam, trong thời đại phát triển như vũ bão của các công nghệ tiên tiến, điển hình là AI, đã khiến doanh nghiệp đứng trước những cơ hội, song đồng thời cũng làm cho tài sản trí tuệ của doanh nghiệp dễ bị xâm hại hơn.
Tài sản trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động và phát triển của doanh nghiệp, trong đó, nhãn hiệu luôn được khẳng định là một tài sản quý giá, không thể thiếu trong việc xây dựng hình ảnh và danh tiếng sản phẩm, dịch vụ, là yếu tố quan trọng kết nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời là cơ sở để hình thành và nâng cao uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động hơn với việc bảo hộ SHTT.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tự bảo vệ thông qua SHTT, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc cho rằng, việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến SHTT, bao gồm cả dịch vụ xác lập quyền và thực thi quyền ở cả các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, cũng cần thay đổi về cả nội dung và cách thức tiến hành.