Nguồn cung trong nước dư thừa, Việt Nam vẫn nhập khẩu gần 180.000 tấn thịt gà Nhập khẩu thịt gấp 20 lần xuất khẩu thịt |
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, gà sống nhập khẩu vào Việt Nam dùng để giết mổ là 6.603 tấn thịt, tăng 100,8%; thịt gia cầm qua giết mổ nhập khẩu về Việt Nam là 24.662,1 tấn, tăng 9,6% so với năm 2021. Thị trường Việt Nam nhập khẩu sản phẩm gia cầm chủ yếu là Mỹ (41,5%), Brazil (22,1%), Hàn Quốc (18,1%), Ba Lan (11,6%).
Ảnh minh họa |
Về thị trường nhập khẩu, trong tháng 2/2023, Hàn Quốc là thị trường cung cấp thịt gà lớn nhất cho Việt Nam với lượng nhập khẩu đạt hơn 6 nghìn tấn và trị giá đạt hơn 7,6 triệu USD, tăng 136,9% về lượng và tăng 127,9% về trị giá so với tháng trước.
Lũy kế hai tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thịt gà từ thị trường Hàn Quốc đạt 8,5 nghìn tấn, trị giá đạt gần 11 triệu USD, giảm 24,2% về lượng và giảm 21,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đứng thứ 2 là thị trường Hoa Kỳ, với lượng nhập khẩu thịt gà đạt hơn 4,2 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 4,2 triệu USD, giảm 34,4% về lượng và giảm 36,5% về trị giá so với tháng trước. Lũy kế hai tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thịt gà từ thị trường Hoa Kỳ đạt 10,6 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 10,9 triệu USD, giảm 55,5% về lượng và giảm 57,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Đứng thứ 3 là thị trường Brazil, với lượng nhập khẩu đạt gần 4,5 nghìn tấn và trị giá đạt hơn 3,8 triệu USD, tăng 92,4% về lượng và tăng 53,3% về trị giá so với tháng trước. Lũy kế hai tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thịt gà từ thị trường Brazil đạt 6,8 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 6,3 triệu USD, giảm 25,9% về lượng và giảm 37,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Ba Lan đứng thứ 4, với lượng nhập khẩu đạt hơn 976 tấn, trị giá đạt hơn 1,3 triệu USD, tăng 9,9% về lượng và tăng 29,4% trị giá so với tháng trước. Lũy kế hai tháng đầu năm 2023, nhập khẩu thịt gà từ thị trường Ba Lan đạt 1,8 nghìn tấn, trị giá đạt hơn 2,3 triệu USD, giảm 60,0% về lượng và giảm 60,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Bước sang tháng 3/2023, các thị trường xuất khẩu thịt gà lớn nhất sang Việt Nam là Mỹ (chiếm tỷ trọng 34,0%), Hàn Quốc (29,2%), Brazil (22,7%), Ba Lan (5,2%), Nga (2,2%), các thị trường khác chiếm 6,8%.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, trong 5 năm gần đây sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục (trên 15%/năm), chiếm 20 - 25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước.
Có thể nói so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta còn dễ dãi và lỏng lẻo. Trong khi đó, để xuất khẩu được sản phẩm thịt trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản kỹ thuật nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của ta đang bị yếu thế và thiệt thòi ngay trên sân nhà.
Đơn cử, hiện nay nước ta chưa có quy định cụ thể đối với sản phẩm thịt nhập khẩu có sử dụng Ractopamine, Cysteamine tại 26 quốc gia, đó là: Mỹ, Úc, Canada, Brazil, Indonesia, Maylaysia, Mexico, New Zealand, Philippines, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan…
Trong khi ở trong nước cấm người chăn nuôi sử dụng hai loại hóc môn trên cho gia súc, gia cầm. Do vậy, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, Việt Nam cũng phải cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng Ractopamine, Cysteamine để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi trong nước.
Cánh gà đông lạnh nhập khẩu |
Theo bà Chu Thị Hồng Thủy - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi TaFa Việt, vấn đề cạnh tranh giữa những sản phẩm gia cầm chất lượng cao và sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn lẫn lộn. TaFa Việt nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu tuy nhiên hiện đang chưa rõ các quy định, thủ tục như thế nào.
Để tạo sự cạnh tranh bình đẳng và tránh tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua, ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam - đề nghị, các Bộ ngành cần sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát, tập trung ngăn chặn, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, trong đó có gà đẻ loại thải, tạo hành lang biên giới an toàn nhằm ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát và gây áp lực lên thị trường trong trong nước.
"Hiện nay đang có rất nhiều sản phẩm dùng làm thức ăn cho chăn nuôi như chân, đầu, cổ, cánh, lòng mề gia súc, gia cầm, thậm chí sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm… nhưng vẫn được tuồn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho con người. Nếu không kiểm soát tình trạng này thì sản xuất trong nước sẽ vô cùng bất ổn", ông Nguyễn Thanh Sơn kiến nghị.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhận định, về nội lực phải thừa nhận các giống gia cầm tại Việt Nam năng suất còn thấp khi cạnh tranh với các nước tiên tiến trên thế giới. Với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, ngành chăn nuôi gia cầm cần thích ứng và hội nhập, phải xem đâu là lợi thế để phát triển.
“Giá thực phẩm gia cầm xuống rất sâu, 3 năm qua, giá bán thường xuyên đứng dưới giá thành. Trong bối cảnh chăn nuôi gia cầm vẫn tăng trưởng về sản lượng, đòi hỏi ngành chăn nuôi gia cầm cần có giải pháp căn cơ”, ông Phùng Đức Tiến khuyến nghị.