Thêm 2 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào Liên minh kinh tế Á - Âu
Ngày 09/5/2022, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thuỷ sản (NAFIQAD), thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đã có công văn 580/QLCL-CL1 về việc Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) bổ sung doanh nghiệp vào danh sách được phép xuất khẩu vào Liên minh kinh tế Á - Âu.
Theo đó, FSVPS đã có văn bản thông báo bổ sung Công ty TNHH Hùng Cá (DL 126) và Xí nghiệp 3 - Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (DL 500) vào danh sách các doanh nghiệp được phép xuất khẩu vào thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu kể từ ngày 4/5/2022.
Các mặt hàng xuất khẩu gồm cá tra đông lạnh; Phi lê cá (bao gồm thịt cá, chả cá) tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được sản xuất tại các cơ sở có mã số DL 126, DL 500.
Các Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng thực hiện thẩm định cấp chứng thư cho các sản phẩm được sản xuất tại DL 126, DL 500. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp về các quy định về an toàn thực phẩm của Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu trong chế biến và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản vào thị trường này.
Thêm 2 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu cá tra vào Liên minh kinh tế Á - Âu |
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, dù phải đối mặt với những diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với khu vực Á - Âu trong 11 tháng năm 2021 vẫn đạt 12,7 tỷ USD, tăng 13,1%. Trong đó, xuất khẩu đạt 8,6 tỷ USD, tăng 10%; nhập khẩu đạt 4,1 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam và các nước Á - Âu đã hình thành các thiết chế, khung khổ hợp tác vững chắc, làm nền tảng cho sự phát triển hợp tác song phương, bao gồm 2 Hiệp định Thương mại tự do là Hiệp định với Liên minh kinh tế Á - Âu và Hiệp định EVFTA. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Á - Âu hợp tác trong những lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
Để tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do, tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu, theo phân tích của các chuyên gia, các doanh nghiệp cần chủ động khảo sát thị trường, tham gia nhiều hơn triển lãm chuyên ngành tại các nước sở tại. Một trong những vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu sang thị trường này chính là lựa chọn logistics hiệu quả.
Trong bối cảnh chi phí vận tải biển ngày một tăng, vận tải hàng không chi phí cao, thì vận tải bằng đường sắt ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Với thời gian vận chuyển ngắn hơn nhiều so với vận tải bằng đường biển, chi phí ngày càng phù hợp khi lượng hàng hóa gia tăng, tính ổn định và an toàn cao, vận chuyển hàng hóa thông qua tuyến đường sắt Á - Âu sẽ là một trong những lựa chọn phù hợp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam và các nước Á - Âu.