Sản xuất sạch để tiếp cận thị trường châu Âu
Với hơn 8.000 m2 chuyên canh chôm chôm Java, hợp tác xã (HTX) chôm chôm Bình Hòa Phước (Vĩnh Long) định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP để xuất khẩu đi châu Âu. Ông Nguyễn Ngọc Nhân - Chủ nhiệm HTX Bình Hòa Phước - cho biết, hiện sản phẩm chôm chôm của HTX đang xuất đi các thị trường như Pháp, Hà Lan.
Theo ông Nhân, những nước này sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều thị trường khác để nhập khẩu nông sản nhưng họ yêu cầu về mẫu mã, chất lượng và tuyệt đối an toàn, không dư lượng thuốc trừ sâu. Do đó, các thành viên trong HTX đã sử dụng chế phẩm sinh học, phun chế phẩm sinh học để đảm bảo an toàn khi xuất khẩu.
“Áp dụng quy trình canh tác sạch, sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học khiến chi phí sản xuất cao hơn, song đổi lại, sản phẩm chất lượng hơn. Khi xuất khẩu được đi thị trường châu Âu, thì giá sản phẩm cao hơn 2-3 lần so với phương pháp sản xuất truyền thống trước đây”, ông Nhân chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Te (huyện Châu Thành, Long An) - cho biết, gia đình ông có 5 công đất trồng thanh long, với khoảng 750 gốc. Trước đây thanh long chủ yếu sản xuất theo phương pháp truyền thống, sử dụng phân, thuốc hóa học, chưa áp dụng kỹ thuật cao, nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, một năm trở lại đây, gia đình ông đã thay đổi phương pháp sản xuất sang sản xuất sạch. Theo đó, trong quá trình sản xuất, ông chuyển sang sử dụng phân, thuốc hữu cơ. Nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn, giá bán cũng tốt hơn.
Theo ông Trần Ngọc Bảo Bình - Phụ trách vùng nguyên liệu của Công ty Chánh Thu, châu Âu là thị trường khó tính với nhiều yêu cầu khắt khe về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Do đó, để xuất khẩu được thị trường này, yêu cầu người sản xuất phải đáp ứng yêu cầu như, về mẫu mã sản phẩm phải tươi, ít tỳ vết, và đặc biệt không được có dịch hại, không có dư lượng kháng sinh. Để làm được điều này, người dân phải loại bỏ dần các hóa chất, không dử dụng những hóa chất trong danh mục cấm, thay vào đó là chuyển sang canh tác theo phương pháp hữu cơ. Đồng thời phải ghi chép nhật ký, và doanh nghiệp sẽ kiểm tra những yêu cầu kỹ thuật này.
Sản xuất hữu cơ giúp sản phẩm chất lượng cao hơn |
Đảm bảo tiêu chuẩn để giữ vững thị trường
Theo ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện trái cây Việt Nam đã xuất qua được 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc mở được một thị trường xuất khẩu đã khó, song việc giữ được thị trường lại càng khó hơn gấp nhiều lần. Do đó, để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về dịch hại và an toàn thực phẩm, người dân phải canh tác theo chuẩn VietGAP, Global GAP, áp dụng quy trình canh tác. Đặc biệt là quy trình canh tác không có sử dụng những hóa chất mà thị trường này cấm.
Hiện, tỉ lệ sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất mới chỉ đạt khoảng hơn 10%. Mục tiêu, Việt Nam sẽ nâng tỷ lệ sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất lên mức 30% vào năm 2030.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Liêm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Vĩnh Long - cho biết, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã phối hợp với các ngành khác như Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Kế hoạch - Đầu tư để đưa ra những chương trình hỗ trợ về sản xuất, thị trường tiêu thụ cho các HTX cũng như người dân. Bên cạnh đó, ngoài chính sách của Trung ương Vĩnh Long sẽ có chính sách đặc thù của tỉnh, trong đó, hỗ trợ cho các HTX và tổ hợp tác trong việc đạt chứng nhận tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 836 triệu USD. Trong đó, riêng thị trường EU đạt khoảng hơn 30 triệu USD. Dù kim ngạch xuất khẩu qua EU chưa cao nhưng với những chuyển biến tích cực tại các vùng trồng nông sản cùng sự hỗ trợ từ các địa phương, trong thời gian sẽ có nhiều sản phẩm nông sản đạt chuẩn theo yêu cầu của thị trường này. |