Thứ tư 27/11/2024 02:10

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo lập không gian đô thị xanh, thu hút đầu tư

Thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương là sự chuyển dịch không gian đô thị khang trang, xanh, sạch, đẹp, thu hút đầu tư... phát triển kinh tế địa phương.

Ngày 14/11, UBND tỉnh Thừa Thiên Huếcho biết, theo báo cáo thẩm tra tờ trình và Đề án của Chính phủ thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, đối chiếu với tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương theo quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế đã từng bước hoàn thiện vững chắc các điều kiện, tiêu chuẩn của một thành phố trực thuộc trung ương.

Thành phố Huế ngày nay. Ảnh: Cổng TTĐT Thừa Thiên Huế

Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong đó, ghi nhận và đánh dấu thành tựu nổi bật trong việc thực hiện chủ trương đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển kinh tế đô thị của cả nước. Thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng trong tư duy về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp cho từng vùng, miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch đã được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngoài ra, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương không chỉ là sự chuyển dịch về không gian đô thị, mà còn tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển mới cho địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang, xanh, sạch, đẹp, bảo đảm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế để thực sự trở thành trung tâm của vùng và cả nước về văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Dự kiến, thành phố Huế trực thuộc trung ương có quy mô dân số là 1.236.393 người (đạt tiêu chuẩn - theo quy định là từ 1.000.000 người trở lên). Tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên: Thành phố Huế trực thuộc trung ương dự kiến thành lập có diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2 (đạt tiêu chuẩn - theo quy định là từ 1.500 km2 trở lên). Tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc: Sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, thành phố Huế trực thuộc trung ương dự kiến thành lập sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện (theo quy định là có từ 9 đơn vị trở lên).

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 8 (ngày 31/10), Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương có quá trình chuẩn bị từ rất lâu. Tổng Bí thư cho biết, Trung ương đã bàn thảo về vấn đề thành lập thành phố Huế thuộc trung ương và nhận thấy Huế đủ tiêu chí, tiêu chuẩn và xứng đáng để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thành phố Huế trực thuộc trung ương sẽ kiến tạo không gian đô thị xanh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ảnh: Lê Hoàng

Sau gần 15 năm xây dựng và phát triển kể từ thời điểm Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 48-KL/TW, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Đến nay tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Cụ thể, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP cao hơn mức bình quân chung của cả nước; thu ngân sách nhà nước đạt 11.350 tỷ đồng; chi ngân sách địa phương thực hiện 10.487 tỷ đồng; tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 73.230 tỷ đồng (giá hiện hành), GRDP bình quân đầu người ước đạt 62,6 triệu đồng (2.665 USD/người), tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,27%; quốc phòng, an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế (91,06%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 31.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022. Cùng với sự phát triển của công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tỉnh đã tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng hiện đại.

Trung tâm thương mại Aeon Mall Huế - trung tâm đầu tiên tại miền Trung và thứ 7 của Việt Nam đã chính thức đưa vào sử dụng tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Cổng TTĐT Thừa Thiên Huế

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết, với vị thế của thành phố trực thuộc trung ương, Thừa Thiên Huế sẽ thuận lợi trong thu hút nhà đầu tư lớn, tiềm lực mạnh đến nghiên cứu đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như lấp đầy các khu công nghiệp, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô... Từ đó, kích thích phát triển và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất kinh doanh; giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của người dân.

"Mục tiêu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương góp phần nâng cao vai trò, vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế, có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho quốc gia, khu vực, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Do đó, tỉnh sẽ từng bước khắc phục những khó khăn để hoàn thành mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách sẽ được mở rộng hơn, chỉ tiêu phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước cao hơn; sẽ kêu gọi được những nguồn vốn, dự án nước ngoài theo chương trình phát triển đô thị của Trung ương, của tỉnh để đầu tư kết cấu hạ tầng. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để đầu tư, phát triển và người dân sẽ được hưởng những điều kiện hạ tầng và tiếp cận các dịch vụ công tốt hơn” - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định.

Nguyễn Tuấn
Bài viết cùng chủ đề: Thừa Thiên Huế

Tin cùng chuyên mục

Quảng Ninh: Doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh

Bình Định: Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu

Chuyển đổi số tạo 'cú hích' phát triển du lịch Quảng Ninh

Quảng Ninh: Ngành du lịch 'chạy nước rút' chinh phục mục tiêu 19 triệu lượt khách

Quảng Ninh quyết tâm cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU

Bà Rịa – Vũng Tàu: Chạy đua với thời gian trong giải ngân vốn đầu tư công

‘Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa’: Cú huých mạnh mẽ cho du lịch

Nhật Bản - nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Bình Dương

Hải Phòng: Tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế

Quảng Ninh: Tập trung thúc đẩy đầu tư công, tạo nguồn lực cho phát triển

Thanh Hóa thu ngân sách năm 2024 đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ

Khai mạc Tuần lễ nông sản và thực phẩm an toàn tỉnh Sơn La tại Hà Nội

Quảng Ninh: Vươn tầm trung tâm logistics hàng đầu miền Bắc

Sơn La: Hiệu quả cao từ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719

Lạng Sơn: Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thuận Châu (Sơn La): Thực hiện tốt Chương trình 1719, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

25 sản phẩm nông nghiệp Sơn La tiêu biểu năm 2024

Sơn La: Sản xuất công nghiệp tiếp tục là 'đầu tàu' trong tăng trưởng kinh tế

TP. Uông Bí (Quảng Ninh): Nỗ lực vượt khó, đảm bảo tiến độ thu ngân sách năm 2024

Bà Rịa - Vũng Tàu: Cơ chế ‘cảng mở’ giúp Cái Mép – Thị Vải có thêm trợ lực phát triển