Thanh Hóa: Đừng để mất an toàn thực phẩm cản bước du lịch xanh phát triển
Chiều ngày 16/7/2024, tại TP. Sầm Sơn (Thanh Hóa), Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm phối hợp với UBND TP. Sầm Sơn và Văn phòng Điều phối Vệ sinh An toàn thực phẩm Thanh Hóa tổ chức Hội thảo: “An ninh- An toàn thực phẩm hướng đến du lịch xanh bền vững: Chuyển hướng từ nhận thức đến hành động”.
Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: QH) |
Thống kê cho thấy, năm 2023, Việt Nam đã đón trên 12 triệu lượt khách quốc tế và trên 100 triệu khách du lịch nội địa. Trong 6 tháng đầu năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,83 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, khách nội địa ước đạt 66,5 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt khoảng 436,5 nghìn tỷ đồng.
Trong sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam, du lịch Thanh Hóa đóng góp một phần quan trọng. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã đón gần 9,8 triệu lượt khách, tăng 16% so với cùng kỳ 2023. Tổng thu du lịch ước đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Trong đó, khách đến Sầm Sơn chiếm hơn 65% tổng lượng khách đến Thanh Hóa, tỷ lệ khách lưu trú tăng hơn 30% so với cùng kỳ.
Ông Cao Thiện Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Sầm Sơn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: QH) |
Những thống kê trên cho thấy vai trò của ngành du lịch ngày càng đóng góp quan trọng vào GDP của Việt Nam nói chung, Thanh Hóa và Sầm Sơn nói riêng. Nhất là trong bối cảnh kinh tế sản xuất đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Vì thế, phát triển du lịch là một hướng đi đúng đắn, góp phần phát triển kinh tế vùng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững, bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch không chỉ là nỗi lo của du khách mà còn là trăn trở của cả ngành du lịch, của chính quyền địa phương. Bởi lẽ, không phải cơ sở du lịch nào cũng đảm bảo tốt an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịch vụ ăn uống, nhất là ở các điểm du lịch, lễ hội... Hành vi sử dụng hóa chất cấm trong nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm, chưa được ngăn chặn hiệu quả, nên nguồn nguyên liệu phục vụ dịch vụ ăn uống khó bảo đảm tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: QH) |
Các chuyên gia cho rằng, với những lợi ích đa dạng và toàn diện, du lịch xanh trở thành một hướng phát triển quan trọng cho ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, vấn đề an toàn thực phẩm cần phải được giải quyết triệt để.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động du lịch gắn với vấn đề an toàn thực phẩm. Từ đó, đề xuất giải pháp giúp phát triển ngành du lịch, hướng đến du lịch bền vững. Những kết quả thảo luận, đề xuất tại hội thảo sẽ được Ban tổ chức tổng hợp, gửi đến cơ quan chức năng nhằm đưa ra biện pháp phù hợp thúc đẩy du lịch xanh tại Việt Nam.