Thứ ba 19/11/2024 13:43

Thanh Hoá: Đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá qua thương mại điện tử

Trước hạn chế của kênh truyền thống do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bên cạnh việc lập website để phục vụ cho việc tiếp thị, hỗ trợ bán hàng, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã vận dụng linh hoạt các ứng dụng trên nền tảng số để đưa nhiều sản phẩm hàng hóa lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm

Theo ghi nhận tại nhiều DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, thời gian gần đây, nhiều DN đã chủ động đẩy mạnh hoạt động thương mại trên các sàn giao dịch TMĐT. Thực tế cho thấy, TMĐT cũng đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả, góp phần tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho người dân, doanh nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Công ty TNHH Đông y Quang Anh (Quảng Xương) cho biết: Bên cạnh việc phân phối hàng hóa vào hệ thống spa, siêu thị, thành lập website, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, công ty đã tham gia các sàn giao dịch TMĐT như Postmart.vn, Sendo.vn... để hỗ trợ, nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm.

“Thông qua việc cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc nên sản phẩm tiếp cận đến khách hàng nhanh chóng, hiệu quả. Nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid-19, việc bán hàng thông qua các sàn giao dịch TMĐT đã giúp công ty cung cấp hàng trăm đơn hàng mỗi ngày cho thị trường” – chị Lan Anh cho hay.

Tương tự, sau nhiều loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm nước mắm truyền thống mang nhãn hiệu Vị Thanh, anh Nguyễn Thế Hoàng, chủ cơ sở chế biến hải sản và nước mắm Huy Phát, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn đã nghiên cứu để đa dạng hóa kênh phân phối, tiêu thụ cho sản phẩm dòng sản phẩm này.

Bên cạnh việc tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT, nhiều DN đã tiếp cận với công nghệ, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh

Anh Hoàng cho biết: Theo tìm hiểu, sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn cung cấp dịch vụ gian hàng TMĐT cho người bán để trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa và hỗ trợ dịch vụ vận chuyển, thu hộ tiền thanh toán... nên từ cuối năm 2019, cơ sở đã đăng ký gian hàng tiêu thụ sản phẩm trên sàn. Thông qua những chính sách hỗ trợ của sàn, mỗi tháng, hàng nghìn lít nước mắm Vị Thanh đã đến tay người tiêu dùng.

Bên cạnh việc tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT còn giúp nhiều DN sản xuất tiếp cận với công nghệ, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh (SXKD). Cụ thể, từ năm 2018 đến nay, Công ty CP Xăng dầu dầu khí Thanh Hóa đã đưa vào sử dụng PVOIL Easy - ứng dụng thanh toán mua bán xăng dầu không dùng tiền mặt, không dùng thẻ tín dụng. Sau gần 3 năm triển khai, hệ thống PVOIL Easy đã được hoàn thiện, tích hợp thêm nhiều tiện ích, nhanh hơn, thuận tiện hơn cho khách hàng.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Việc đưa các sản phẩm nông sản, hàng hóa lên các sàn TMĐT không chỉ góp phần hỗ trợ DN, người sản xuất tiếp cận phương thức kinh doanh mới mà còn nhanh chóng tiếp cận với chương trình chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa) cho biết: Để việc kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa qua các sàn giao dịch TMĐT đạt được hiệu quả cao nhất, các chủ thể SXKD cần nghiên cứu, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cần được huấn luyện và đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm, DN và cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm...

“Trong thời gian tới, VCCI Thanh Hóa sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai công tác tập huấn ứng dụng TMĐT, xúc tiến thương mại và kỹ năng bán hàng trực tuyến cho các DN, người sản xuất có nhu cầu mở rộng kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm” – ông Hiệu thông tin.

Để tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT, theo ông Nguyễn Xuân Thắng, đại diện Sở Công Thương tỉnh Thanh Hoá: Thời gian qua, ngành Công Thương đã hỗ trợ DN xây dựng website TMĐT phù hợp với mô hình, sản phẩm dịch vụ của DN, giúp DN tự triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, quy trình kinh doanh theo mô hình tiên tiến; cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá marketing hiệu quả trên website.

Ngoài ra, Sở cũng tạo điều kiện cho DN tham gia các sàn giao dịch TMĐT nhằm trao đổi, quảng bá thương hiệu và sản phẩm của DN; hỗ trợ DN ứng dụng marketing trực tuyến, xây dựng thương hiệu trên môi trường internet phù hợp với các DN Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.

Xác định tầm quan trọng cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động TMĐT thời gian tới, tại Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thanh Hóa cũng đã định hướng phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách... để tạo nguồn lực cũng như hệ sinh thái cho TMĐT tiếp tục phát triển bền vững.

Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ xây dựng nền tảng thông tin định danh cá nhân và kho dữ liệu số của người dân, DN kết nối với Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, các hệ thống thông tin cung cấp các dịch vụ thiết yếu, như: điện, nước, môi trường đô thị, công chứng,... tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử của người dân, DN với cơ quan Nhà nước và các giao dịch điện tử khác; hoàn thiện nền tảng thanh toán trực tuyến, mở rộng đa dạng các đối tác thanh toán và triển khai nhân rộng cho các dịch vụ sự nghiệp công và các giao dịch khác; thúc đẩy phát triển TMĐT và logistics trên phạm vi toàn tỉnh.

Đỗ Nga

Tin cùng chuyên mục

Thương mại điện tử là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số Việt Nam

Online Friday 2024: Kích hoạt hàng loạt khuyến mãi hấp dẫn, lan tỏa giá trị hàng Việt trên nền tảng số

Tổng cục Hải quan chỉ đạo quản lý hàng nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử

Bộ Công Thương ra 'tối hậu thư' với sàn thương mại điện tử Temu, Shein

Online Friday 2024: Khuấy động thị trường thương mại điện tử cuối năm

Doanh nghiệp Việt mang xu hướng tiêu dùng xanh lên sàn thương mại điện tử

Ngành thương mại điện tử của Việt Nam đã tăng trưởng 18%

Thương mại điện tử thúc đẩy dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ doanh nghiệp

Thu gần 95 nghìn tỷ đồng tiền thuế, xem xét việc dùng AI kiểm soát doanh thu sàn thương mại điện tử

Xuất hiện tình trạng lừa đảo, mạo danh sàn thương mại điện tử Amazon

Thương mại điện tử không chỉ phát triển mạnh ở thành phố lớn mà đã vươn tới vùng sâu, vùng xa

Nền tảng hợp cộng thương mại truyền thống và thương mại điện tử: Giải pháp HKDO cho hộ kinh doanh Việt Nam

Ngày 21/11 diễn ra sự kiện ‘Thương mại điện tử thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành Công Thương 2024’

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt ShopeePay 25 triệu đồng

Sơn La hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử

Sẽ chặn sàn Temu bằng biện pháp kỹ thuật nếu không tuân thủ qui định của pháp luật Việt Nam

Bộ Công Thương: Tuyệt đối không giao dịch với các sàn thương mại điện tử chưa đăng ký

Nông sản Gia Lai bùng nổ, sau 2 ngày livestream thu về 12,7 nghìn đơn hàng

Thấy gì đằng sau mức giá 'rẻ bất ngờ' của sàn thương mại điện tử Temu?

Bị nghi ngờ chất lượng sản phẩm, Temu khó chiếm lĩnh thị trường dù hạ giá ‘sập sàn’