Chủ nhật 22/12/2024 17:47

Tháng 10, sản xuất công nghiệp tăng ở 59 địa phương trên cả nước

Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 59 địa phương và giảm ở 04 địa phương trên cả nước.

Ngành chế biến, chế tạo tăng 8,8% so với cùng kỳ

Theo báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê công bố sáng nay 6/11 cho thấy, sản xuất công nghiệp tháng 10 tiếp tục xu hướng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2024 tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

10 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Cấn Dũng

Báo cáo nêu cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2024 ước tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,8%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,0%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,9%; riêng ngành khai khoáng giảm 10,4%.

Tính chung 10 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,5%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,5%), đóng góp 8,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,5%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 7,2%, làm giảm 1,1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 10 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 26,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,8%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 16,0%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 14,6%; sản xuất xe có động cơ tăng 14,0%; dệt tăng 12,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,9%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 11,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,8%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,5%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 3,0%; sản xuất đồ uống tăng 0,9%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,8%; khai thác than cứng và than non giảm 5,9%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 3,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 0,4%.

Báo cáo cũng chỉ ra tín hiệu vui khi chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 59 địa phương và giảm ở 04 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện; ngành khai khoáng tăng cao. “Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm”- báo cáo Tổng cục thống kê chỉ ra.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 10 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm trước: Thép thanh, thép góc tăng 21,8%; xăng dầu tăng 17,6%; thép cán tăng 16,4%; ô tô tăng 15,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 15,0%; đường kính tăng 14,5%; sữa bột tăng 12,8%; phân hỗn hợp NPK tăng 11,5%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 17,3%; khí hóa lỏng LPG giảm 14,6%; than (than sạch) giảm 5,9%; dầu mỏ thô khai thác giảm 5,8%; điện thoại di động giảm 5,6%; bia giảm 2,6%; alumin giảm 1,9%.

Giữ nhịp tăng trưởng, dồn lực cho những tháng cuối năm

Trước đó, theo S&P Global, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất Việt Nam đã tăng mạnh lên 51,2 điểm trong tháng 10, vượt lên ngưỡng 50 điểm sau khi chịu tình trạng gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra trong tháng 9/2024. Các điều kiện kinh doanh đến nay đã mạnh lên suốt 6/7 tháng qua.

Ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence - nhận định: “Dữ liệu tháng 10 cho thấy sự phục hồi nhờ vào số lượng đơn đặt hàng mới tăng và doanh nghiệp mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, một số công ty vẫn đang chịu ảnh hưởng của cơn bão, từ đó tốc độ tăng trưởng bị hạn chế".

Theo giới phân tích, sản xuất trong nước tiếp đà đi lên cho thấy Việt Nam đang bắt đầu một giai đoạn tăng trưởng tốt những tháng cuối năm nay và có những yếu tố thuận lợi để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới vừa công bố dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 6,1% trong năm 2024, cao hơn so với mức 5% năm 2023, sau đó sẽ lên mức 6,5% trong năm 2025, 2026.

Để “dồn lực” cho sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy tăng nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, qua đó kích cầu và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.

Song song với đó, Bộ Công Thương tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn trong và ngoài nước cùng các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nâng cao năng lực cho các nhà cung ứng nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ công tác xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành các Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam, đóng vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực sản xuất cho doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Về phía Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Đưa ra thêm giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Cục Công nghiệp nhấn mạnh, từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...

Việt Anh
Bài viết cùng chủ đề: sản xuất công nghiệp

Tin cùng chuyên mục

Hàng ngàn người ‘đổ về’ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

‘Ông lớn’ tên lửa Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ nói gì về Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024?

Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024: Mục sở thị dàn UAV ‘Made in Vietnam’

Phân tích tầm nhìn của Viettel về ‘người lính tương lai’, tích hợp cả AI trong chiến đấu

Triển lãm Quốc phòng 2024: 'Lá chắn rồng' chống UAV của OSB Hightech có gì đặc biệt?

Chuyên gia quốc tế nói gì về tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Trường Sơn của Việt Nam?

Hải Dương: Sản xuất công nghiệp tăng 14,8% năm 2024

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024: Cận cảnh loạt xe đặc chủng của Bộ Công an

Chuyên gia vũ khí quốc tế nói gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?

Chính sách công nghiệp cần ưu tiên phát triển ngành kinh tế trọng điểm

Hết quặng Apatit vào năm 2040, Vinachem lo thiếu hụt nguyên liệu sản xuất phân bón

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam: Tự hào với dàn UAV, tàu quân sự, vũ khí made in Việt Nam

Vinachem thực hiện Quy hoạch khoáng sản quốc gia đảm bảo sản xuất xanh, bền vững

Sản phẩm thông tin quân sự của Việt Nam sẵn sàng kinh doanh tại Malaysia

Dễ phát tán nhưng khó kiểm soát: Hiểm họa từ tác nhân CBRN đang gia tăng

Viettel đem gì đến Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024: Cận cảnh TP-150 - máy bay Việt chất lượng quốc tế

Mỹ đem gì đến Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?

Cục Công nghiệp và Toyota hợp tác thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ

Bộ Công Thương: Hiện thực hóa các mục tiêu tại Kế hoạch hành động CBRN