Tham dự hội nghị có gần 200 cán bộ chuyên trách theo dõi hoạt động sản xuất kinh doanh rượu thuộc Sở Công Thương, UBND các huyện/thành phố; Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố. Tại hội nghị các báo cáo viên trung ương và địa phương phổ biến và trao đổi các quy định có liên quan nhằm thúc đẩy công tác theo dõi, quản lý thực tế của các cán bộ địa phương được triển khai quyết liệt hơn.
Ông Vũ Đức Nam - Phó trưởng phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) trình bày về tổng quan tình hình quản lý rượu thủ công |
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương báo cáo tổng quan tình hình quản lý Nhà nước về hoạt động sản xuất kinh doanh rượu sau khi Nghị định 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu có hiệu lực; Giới thiệu Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 14/6/2029 và Nghị định 24/N Đ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Trước đó, Chương trình đã tổ chức Lễ phát động chiến dịch tự nguyện đăng ký và làm thủ tục cấp phép sản xuất rượu thủ công tại Huyện Kim Sơn nhằm thu hút sự quan tâm của công đồng đối với chương trình, thực hiện các thủ tục có liên quan để đảm bảo việc sản xuất rượu tại gia đình tuân thủ pháp luật, lan tỏa thông điệp “Phòng, chống rượu không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm”.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020. Các văn bản pháp lý (Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu; Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc quản lý Bộ Công Thương; Nghị định 24/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Thông tư 26/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định biểu mẫu kê khai của hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh) đã quy định các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với sản xuất rượu thủ công, vận động người dân tuân thủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu.
Ths. Nguyễn Tiến Vỵ - Phó Chủ tịch Thường trực VBA giới thiệu về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia |
Tuy nhiên, với địa bàn rộng và thói quen của người dân, việc thực thi các quy định về kiểm soát rượu thủ công còn nhiều khó khăn, dẫn đến tác hại cho xã hội bắt nguồn từ hành vi sản xuất thiếu trách nhiệm liên quan đến đồ uống có cồn. Chính vì vậy, Chương trình tăng cường năng lực quản lý rượu thủ công sẽ góp phần đưa các quy định của pháp luật sớm đi vào cuộc sống, từ việc thúc đẩy nhận thức của người dân và nâng cao năng lực quản lý của cán bộ chuyên trách.
Chương trình kỳ vọng thúc đẩy tăng số hộ đăng ký sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, tăng số lượng giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu được cấp; nâng cao nhận thức của các hộ sản xuất rượu thủ công về vấn đề tác hại của rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng và xã hội, bao gồm ý thức trong các khâu sản xuất, lưu thông và sử dụng đồ uống có cồn, lợi ích lâu dài từ việc tuân thủ pháp luật dưới góc độ kinh doanh và xã hội; Chương trình góp phần hạn chế tác hại do rượu không rõ nguồn gốc gây ra, thực hiện vai trò trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong ngành.