Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu
Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm các nhiệm vụ về bảo đảm an toàn thực phẩm
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm, ngày 23/8, Phó Thủ tướng Lê Thành Long - Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, không chỉ đối với lĩnh vực liên quan đến Ban Chỉ đạo mà cả trong hoạt động thực thi của các bộ, ban, ngành, cơ quan.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất hoàn thiện thể chế về an toàn thực phẩm. Ảnh: VGP |
Phó Thủ tướng ghi nhận, thời gian qua, các bộ, ngành, nhất là các bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp về bảo đảm an toàn thực phẩm có nhiều cố gắng, đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Trong đó, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu. Trong đó, có những vấn đề nổi lên là ngộ độc thực phẩm với số lượng đông người mắc, số vi phạm phát hiện được và phải áp dụng các chế tài tăng…
Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ đã và đang được giao, các biện pháp trong Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Làm tốt nhiệm vụ trong khả năng, nguồn lực hiện có, làm sao sử dụng hiệu quả nhất, tập trung nhất.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đề xuất hoàn thiện thể chế về an toàn thực phẩm, trong đó đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và có đầu ra cụ thể, không nói chung chung.
Đồng thời, Bộ Y tế nghiên cứu, xử lý đề xuất của TP. Hồ Chí Minh liên quan đến việc sử dụng bộ test nhanh an toàn thực phẩm. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương vận hành đúng công suất, thiết thực hệ thống cơ sở dữ liệu, tiếp tục đầu tư trong khả năng của mình để làm giàu cơ sở dữ liệu, kết nối với hệ thống của Bộ Y tế để vận hành một cách thông suốt.
Các cơ quan truyền thông, tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp tiếp tục vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân về tiêu dùng thông minh. Cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm và truyền thông để cảnh tỉnh. TP. Hồ Chí Minh tiếp tục vận hành mô hình Sở An toàn thực phẩm, có đánh giá trong quá trình thực hiện thí điểm để đóng góp ý kiến cho Trung ương đề xuất mô hình, kiện toàn tổ chức, tăng cường nguồn lực.
6 tháng xảy ra 70 vụ ngộ độc thực phẩm
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành y tế kiểm tra 232.702 cơ sở, phát hiện 15.046 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,46% cơ sở được kiểm tra, giảm so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân số tiền phạt đối với 1 cơ sở trong 6 tháng đầu năm 2024 là 8,69 triệu đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (4,09 triệu đồng).
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 70 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.942 người mắc và 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tăng 4 vụ (6,1%), số người mắc tăng 1.986 người, số tử vong giảm 1 người.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm. Ảnh: VGP |
Lãnh đạo Bộ Y tế chỉ rõ nguyên nhân xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm có số lượng lớn người mắc do liên quan đến vi sinh vật (điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột).
Về công tác thanh tra, kiểm tra, ông Đỗ Xuân Tuyên thông tin, đã được triển khai từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Các chương trình giám sát an toàn thực phẩm được duy trì, mở rộng kiểm tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất đã giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo, áp dụng các biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công an cũng cho biết, thời gian qua, cơ quan Công an đã quyết liệt kiểm tra về an toàn thực phẩm. Trong đó, 6 tháng đầu năm, các đơn vị trong Công an nhân dân đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 3.060 vụ (tăng 31 vụ so với cùng kỳ năm 2023) với 3.074 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; khởi tố 6 vụ với 10 đối tượng (trong khi cùng kỳ năm 2023 chỉ khởi tố 1 vụ).
Nhấn mạnh yếu tố quan trọng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan là tuyên truyền và xử phạt nghiêm minh. "Cần có mô hình tuyên truyền hiệu quả hơn, trong đó, chú ý nêu ra các định hướng cụ thể cho người dân, tuyên truyền về kỹ năng bảo đảm an toàn thực phẩm chứ không chỉ đưa thông tin về các vụ ngộ độc"- Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu ý kiến.