Thứ trưởng Trương Thanh Hoài yêu cầu nâng cao hơn nữa công tác quản lý an toàn thực phẩm
Trang thông tin Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Công Thương 17/09/2024 11:19
Buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ: Khoa học và Công nghệ, Thị trường trong nước, Pháp chế, Tổng Cục Quản lý thị trường, Thương mại điện tử và Kinh tế số, Công nghiệp...
Toàn cảnh cuộc họp |
Theo quy định của Luật An toàn Thực phẩm (tại Điều 64), Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác theo quy định của Chính phủ.
Theo phân công của Bộ Công Thương, các đơn vị của Bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm gồm: Vụ Khoa học và Công nghệ (đơn vị đầu mối), Vụ Thị trường trong nước, Tổng Cục Quản lý thị trường, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu.
Ông Nguyễn Việt Tấn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ |
Báo cáo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Việt Tấn cho biết: Bên cạnh công tác tham mưu lãnh đạo Bộ trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP cũng như xây dựng QCVN về chỉ tiêu, mức giới hạn đảm bảo kiểm tra, hậu kiểm, công tác xây dựng và quản lý mạng lưới kiểm nghiệm, hoạt động kinh doanh đa cấp đối với thực phẩm; tham gia là thành viên các Hội đồng, Ban kỹ thuật do Bộ, ngành khác chủ trì, công tác kiểm tra về an toàn thực phẩm được được thực hiện thường xuyên, kịp thời. "Qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nhiều vi phạm pháp luật trong an toàn thực phẩm, có tác dụng răn đe, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, việc kinh doanh hàng hoá kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm so với trước”- ông Nguyễn Việt Tấn cho hay.
Tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga cũng cho biết, sau khi Luật An toàn thực phẩm được ban hành, Bộ Công Thương được giao quản lý an toàn thực phẩm với 8 nhóm sản phẩm, thực phẩm, hàng hóa. Đến nay, công tác quản lý của Bộ Công Thương đã được thực hiện tốt, chưa để xảy ra vụ mất an toàn thực phẩm nào của doanh nghiệp gây ảnh hưởng lớn đến thị trường.
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm. Hiện cả nước có khoảng 200 mô hình thí điểm chợ bảo đảm ATTP. Bộ Công Thương đã phối hợp, lồng ghép khuyến khích các địa phương xây dựng mô hình Chợ thí điểm bảo đảm ATTP, Chợ kinh doanh thực phẩm theo TCVN 11856: 2017 thông qua việc triển khai các tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong khuôn khổ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Bà Lê Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước |
"Đây là cơ sở để Vụ Thị trường trong nước tham mưu Lãnh đạo Bộ đề xuất đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trong đó có mô hình chợ thí điểm ATTP đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại (Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025)"- bà Lê Việt Nga nhấn mạnh.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết: Trong thời gian qua, Tổng cục đã phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương, các trung tâm thương mại, ban quản lý chợ và cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt các quy định trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
"Thông qua công tác kiểm tra, lực lượng Quản lý thị trường đã kết hợp công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, tuyên truyền đến người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng để không sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm và kịp thời cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật"- ông Trần Hữu Linh cho hay.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Tổng cục Quản lý Thị trường cũng đã báo cáo tình hình triển khai nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý ATTP theo chức năng, nhiệm vụ được phân công với Thứ trưởng. Đồng thời có những kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý để triển khai thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư.
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài phát biểu kết luận |
Sau khi nghe Lãnh đạo Tổng cục, các Cục, Vụ báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP theo chức năng nhiệm vụ được phân công trong thời gian qua, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài đã đánh giá cao kết quả của các Cục, Vụ trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương, đặc biệt là Tổng cục Quản lý thị trường bởi đây là lực lượng rất quan trọng, trực tiếp bám sát tại cơ sở, trực tiếp làm công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị trong thời gian tới cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Hiện Luật An toàn thực phẩm đang được Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, do vậy Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, các Cục, Vụ cần xem xét kỹ, rà soát các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong Luật An toàn thực phẩm; từ đó có đề xuất về nội dung cần sửa đổi.
"Bộ Công Thương sẽ quản lý về sản xuất, lưu thông hàng hóa... theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Bộ"- Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.