Tạo nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp
Đây là chia sẻ của ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương.
Xin ông cho biết một số đánh giá về tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thời gian qua?
Trong giai đoạn chiến lược 10 năm (2011 - 2020), công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân với đóng góp xấp xỉ 30% vào GDP và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí thứ 50 (năm 2010) lên vị trí thứ 22 (năm 2019) trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) |
Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: Khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; xi măng và vật liệu xây dựng; dệt may, da giày; cơ khí chế biến chế tạo, ôtô, xe máy... Đáng chú ý, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã trở thành động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp với mức đóng góp trong GDP lên tới 16,7% vào năm 2020.
Một số tập đoàn kinh tế lớn như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát... đã tạo nền tảng cho công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Lâu nay, Việt Nam vẫn luôn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo ông, tại sao vấn đề này đến nay vẫn chưa được khắc phục?
Phải nhìn nhận Việt Nam là quốc gia có xuất phát điểm thấp, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đi sau các nước trong khu vực 2-3 thế hệ. Tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị trong công nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp FDI chứ không phải là các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, các doanh nghiệp 100% vốn FDI đang đóng vai trò chủ đạo trong xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam.
Tạo nền tảng vững chắc để phát triển công nghiệp |
Công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng còn chưa thu hút được sự quan tâm đầu tư của xã hội do vốn đầu tư lớn, tỷ suất lợi nhuận thấp, rào cản gia nhập thị trường khắt khe hơn các ngành dịch vụ khác. Trình độ doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ còn thấp. Phần lớn các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có hàm lượng công nghệ thấp, ngoại trừ hàng điện tử, chủ yếu do khu vực FDI nắm giữ.
Đến nay, công nghiệp Việt Nam vẫn tồn tại nhiều rào cản gây cản trở quá trình phát triển. Do đó, cần thiết phải xây dựng Luật Phát triển công nghiệp để phát triển nền công nghiệp quốc gia. Về phía Bộ Công Thương đã triển khai Luật này đến đâu, thưa ông?
Theo tôi, trong giai đoạn tới, để công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm và góp phần hoàn thành các mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đặt ra đến năm 2030 và 2045, Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp trên thị trường toàn cầu. Do đó, cần thiết phải xây dựng Luật Phát triển công nghiệp.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Văn bản số 3289/VPCP-PL ngày 27/5/2022 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, làm rõ các vấn đề được nêu tại Công văn số 974/TTKQH-PL ngày 12/5/2022 của Tổng Thư ký Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Luật Phát triển công nghiệp đưa ra 6 chính sách lớn: Định hướng phát triển; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; thúc đẩy phân bố không gian công nghiệp và liên kết vùng; nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và sản phẩm; phát triển bền vững; thực hiện phân công, phân cấp trong phát triển công nghiệp. |
Xin cảm ơn ông!