Thực hư thị trường cao hổ bạc tỷ - Bài 1: Những toán người bí ẩn trong ngôi nhà cổ Yên Bái: Phát hiện cá thể động vật hoang dã thuộc loài đe dọa tuyệt chủng
|
|
Tiếp tục giải mã thế giới bí ẩn về thị trường cao hổ, chúng tôi vào vai đại gia có niềm tin không căn cứ vào “thuốc tiên cao hổ” để tiếp xúc với những ông trùm buôn hổ, nấu cao hổ. Trong đó, có một người được giới thiệu - ông Nguyễn Văn H, 56 tuổi, ở quận Long Biên, TP. Hà Nội là một “trùm” khét tiếng trong giới xẻ thịt đập xương chúa sơn lâm. Sự am hiểu lĩnh vực “chợ đen” này của ông H, đã khiến các đầu nậu quen miệng gọi ông là “giáo sư cao hổ”.
Tiếp chúng tôi vào một ngày cuối tháng 11/2024, ông H. kể lại, ông từng được một người có ảnh hưởng rất lớn, hỏi: “Mày biết nấu cao hổ không?”. Tôi bảo: “Mai em sẽ… biết!”.“Tức là lúc đó tôi chưa biết gì cả. Tôi lục tung tư liệu, tận dụng mọi mối quan hệ để hiểu từng li từng tí, giải phẫu cơ thể con hổ, thị trường buôn hổ nấu cao trong và ngoài nước. Rồi tôi móc nối với một ông giáo sư chuyên về động vật rừng của Viện Hàn lâm…”, ông H. tự huyễn.
Ông H. tự sự về hành trình “tu luyện” để trở thành “giáo sư cao hổ” thế này: “Ngày ấy tôi đã bỏ mấy chục triệu đồng ra, đi thuê giám định xương đầu của "ông" hổ. Ông giáo sư cười mỉa: “Xương thì đúng cả rồi, đủ cả rồi. Giờ chỉ còn trả đầu lâu cho chúa sơn lâm nữa là ổn”. Tôi bảo, sao hả anh? À, xương toàn bộ là của hổ, nhưng đầu là đầu sư tử. Bên đối tác xin lỗi lắp nhầm đầu của hai vị “chúa tể” mèo lớn: Hổ - sư tử. Anh ta mở răng hổ ra ngó, đây là răng “tam sơn”, xương bánh chè “đậm chất hổ”, xương kia có hình tròn như mắt con chim phượng. Đây là xương sườn hổ nhé, nó vặn như dây thừng, không thể làm giả nổi. Vặn thế nó mới khỏe. Sau này có kẻ còn lấy xương to ra vuốt, vặn, đẽo gọt cho giống xương sườn vặn của hổ, để lừa người nấu cao, nhưng tôi bóc mẽ được hết”.
Theo tiết lộ của ông H., thị trường cao hổ có không ít góc khuất. Thủ đoạn của họ là cho xương chó, xương lợn, xương dê vào; thậm chí cho cả thuốc phiện và tân dược rẻ tiền để giảm đau, tăng kích thích, hưng phấn. “Gớm, người bị đau, chỉ uống riêng tí thuốc phiện vào còn giảm đau, kháng viêm được. Huống hồ cho vào mỗi nồi cao hổ khoảng 3 đến 5 chỉ thuốc phiện (mỗi chỉ bằng 3,75 gam). Thi thoảng họ cũng cho tân dược vào để đánh lừa cảm giác của người đang chờ đợi được “khỏe” và “phê” nhờ “thần dược cao hổ". Có người bị xương khớp chẳng hạn, tự dưng ăn cao hổ có thuốc phiện và tân dược giảm đau vào, họ thấy ngay “tác dụng”. Quý ông thì có tân dược kích thích, uống cao hổ kèm tân dược vào là “sung”. Thế là họ cứ tưởng vi chất cao hổ giúp mình khỏe và hết đủ thứ bệnh. Nhưng, thật ra có khi chỉ là nhờ tân dược hạ sốt, giảm đau… trị giá 5 nghìn đồng/gói cả!”, ông H. nói.
Trong quá trình vận chuyển, ông H. cho biết, ngoài việc thiết kế xe vận chuyển để qua mắt lực lượng chức năng, trong bụng chúa sơn lâm cũng được ướp tẩm nhiều hóa chất để khi vận chuyển không bị thối. “Tôi mổ bụng hổ đông lạnh, lấy xương nấu cao, vứt nội tạng hổ xuống ao, sáng ra cá chết nổi trắng. Tôi nhìn mà sợ quá. Để vận chuyển hổ, giả dụ từ Nghệ An ra Hà Nội, thì phải thông báo với “đường dây” ở khắp nơi. Có khi đi 3 xe ô tô giống hệt nhau, giống cả biển số (giả). Để tránh bị “rích” (tố cáo), nếu một xe bị truy đuổi thì hai xe kia nhận tin rồi tìm cách mà tháo chạy sớm. Giả dụ họ định bắt giữ, theo dõi dáng xe và biển số, thì sẽ rất dễ “bắt nhầm” xe không có hàng”, ông H. nói về những mánh khóe khi vận chuyển chúa sơn lâm.
Lần đầu anh nấu cao hổ, cảm giác lúc đó anh có sợ bị bắt hay sợ bị lừa không? – chúng tôi tiếp chuyện. Ông H. kể: “Có lúc tôi là người “cầm cái” nấu cả một con hổ. Nó mang cái xe ô tô 9 chỗ cửa trượt tới, bấm cửa, từ dưới sàn xe có khoang bí mật. Từ từ ghế gấp lại, sàn xe nhô lên một con hổ khổng lồ. Đủ lông lá, mắt mở trừng trừng. Nó bị gây mê chưa toàn phần nên hiền lành và không tấn công người hay gầm gào được nữa. Nhưng nó là một chúa sơn lâm vẫn sống. Tôi tái mặt và từ bấy vẫn hay rơi vào cơn ác mộng bị… hổ ăn thịt”.
“Lúc ấy tôi chưa hiểu lắm. Nấu con hổ tỷ rưỡi bạc, tôi luôn sợ nó ăn bớt, thế là tôi đánh bài ngửa. Tôi thưởng trước cho nó 50 triệu đồng. Thời giá lúc đó, 50 triệu đồng tương đương một cây vàng. Chưa bao giờ nó được nhiều tiền như thế”, ông H. nói.
Trong buổi trò chuyện, ông H. cũng không ngần ngại chia sẻ về những quy định ngầm, bất thành văn của cái nghề phi pháp này. Ông H. giả dụ: “Tôi là ông chủ giàu có, quan hệ tương đối “khủng” thì người bán cao hay nấu cao thuê rất kính trọng. Thậm chí, nó tin là “tuổi” nó không bao giờ đủ tầm mời tôi lên nhà nó chơi hay mời tôi chén rượu. Chỉ là lúc nào tôi cho gọi thì nó có mặt ngay và dạ vâng thưa bẩm, làm ăn trung thực nhất có thể”.
“Nói khác đi, nó hiểu rằng, nó là người giúp việc của tôi. Tôi lại coi việc giữ uy tín với những người quen biết mua cao, chung tiền nấu nồi cao với nhóm của mình là vàng. Bởi cái giới này đều là những người biết mình tham gia vào 7 ngày đêm “quần tụ” canh nồi cao hổ một cách phi pháp. Cơ quan chức năng họ ập vào là căng, thậm chí đi tù như chơi, ít ra thì trắng tay mất tiền oan. Một người làm phản là chết. Hai nữa, nếu một người mất niềm tin ở anh thì anh cũng bật sới, tức là hết cửa làm ăn. Tóm lại, cao hổ tốt hay không tốt, tôi không quan tâm. Tôi chỉ quan tâm: Tôi mang hàng thật tới, nấu thật và ăn chia thật minh bạch”, ông H. tiết lộ và cho biết: Quanh nồi cao hổ cực kỳ nhiều chuyện thị phi, lọc lừa. Tuy nhiên, nói như ông H., ông không lừa ai cả. “Không phải vì tôi “đạo đức”, mà là vì tôi khôn ngoan”, ông H. tự huyễn.
Theo ông H., ở nhiều nước, việc bắn hổ diễn ra còn phổ biến (có thể họ tính toán lượng hổ trong các đàn và cấp phép cho săn bắn một cách có kiểm soát). Họ bắn hổ, lấy bộ da lông hổ nhồi tiêu bản kỷ niệm chiến tích thôi; không ăn thịt, không lấy xương hổ làm gì, bởi cơ bản thế giới này không ai mù quáng tin vào “thần dược cao hổ” như Việt Nam và vài nước Á Đông quanh ta".
Lấy dẫn chứng tại Nam Phi, ông H. cho rằng, người Việt làm ăn bên đó. Họ nuôi hổ, giết hổ và nấu cao, rồi vận chuyển số lượng cao hổ rất lớn về Việt Nam. “Tôi nói câu này chắc là không ai tin đâu, nhưng tôi là người trong cuộc, tôi bốc máy gọi cho họ, bật loa cho nghe nhé. Có ảnh và video luôn. Nó nấu thành dây chuyền rồi, mỗi ngày nó nấu mấy chục con, ngày nào cũng như ngày nào. Người giàu từ Việt Nam sang đó chơi, xem giết hổ, mua cao hổ rồi nhận hàng tại nhà ở Việt Nam. Ông cứ lên Google, gõ từ khoá: "Sáu người Việt nấu cao sư tử", trong đó chủ yếu là người Việt Nam, trong 2 ngày giết 4 con hổ để nấu cao. Cảnh sát Nam Phi bắt, các báo tiếng Việt chính thống ở Việt Nam và báo tiếng Anh đều đăng tải cả”, ông H. nói.
Ông H. cho biết, các toán tổ chức nấu cao ở châu Phi, họ tổ chức bài bản cả trong và ngoài nước, thành “tour khám phá” đang được ưa chuộng vì đánh rất đúng tâm lý, nhu cầu của các “tín đồ cao hổ”. Họ mới đưa một đoàn đại gia buôn gỗ vùng Đ K đi châu Phi nấu cao hổ. “Tôi trong giới buôn gỗ này nên tôi biết rõ hơn ai hết. Mỗi ông đi ngắm, bắn hổ, rồi chứng kiến tận mắt quy trình giết, lột da, đập xương, nấu cao hổ. Ông nào cũng tâm đắc mua tầm 2, 3 chục cân cao. Trị giá tiền tỷ cả”, ông H. kể.
Ông H. nói tiếp, tôi biết vụ này (rồi thành “người trong cuộc” buôn bán với họ) cũng tình cờ: “Có một cậu “đệ tử” của tôi tham gia vụ này. Khi về nước, nó thấy tôi chơi với vài ông trùm sừng sỏ nhất. Nó mới gọi điện video call cho tôi làm quen với đối tác Nam Phi. Các bên nhận ra nhau, tôi thậm chí còn quen nhóm “cao hổ nước ngoài” kia từ khi họ buôn hổ ở Việt Nam. Và họ còn nhờ tôi là: Tìm mối đưa hàng sang Trung Quốc. Vì ở Việt Nam, các đại gia “no” cao hổ cả rồi. Mỗi ông sở hữu một vài ki-lô-gam cao là… ăn tới già rồi. Nếu thêm giàu có, thừa tiền thì hàng này họ cũng chả dám ăn nhiều. Với lượng cao nấu ầm ầm, từ trong và ngoài nước chuyển về, thì dĩ nhiên họ phải tìm thị trường mới rộng lớn hơn, thị trường chưa bị bão hòa để tiêu thụ…".