|
Sau khi đăng tải loạt bài về “Thực hư thị trường cao hổ bạc tỷ”, Báo Công Thương đã có buổi trao đổi với ông Hà Hải Bình, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) và bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV), về thực trang buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt hổ, nấu cao hổ… trái phép hiện nay.
Đại diện các cơ quan chức năng cho biết, để chấm dứt nạn buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ, vấn đề cốt lõi nằm ở việc chấm dứt nhu cầu tiêu thụ. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân là rất quan trọng, phải được đẩy mạnh, vì chỉ khi nhu cầu không còn, nguồn cung mới chấm dứt.
![]() |
![]() |
Ông Hà Hải Bình, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia Công ước Quốc tế về kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, trong đó, hổ được xếp vào phụ lục I - nhóm loài cực kỳ nguy cấp và quý hiếm.
“Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng và triển khai chiến lược bảo tồn hổ quốc gia. Theo đó, Bộ NN&PTNT thôn được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đồng thời chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là kiểm soát việc mua bán và vận chuyển động vật hoang dã qua biên giới, với trọng tâm là loài hổ. Bộ cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu lực lượng kiểm lâm và cơ quan chức năng tại các địa phương phối hợp chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ”, ông Hà Hải Bình chia sẻ.
Theo ông Hà Hải Bình, dù vậy, trên thực tế, lĩnh vực này vẫn còn nhiều thách thức. “Những năm gần đây, chúng tôi đã ghi nhận không ít trường hợp buôn bán, tang trữ, sử dụng các sản phẩm từ hổ bị phát hiện và xử lý. Điều này cho thấy nhu cầu đối với các sản phẩm này vẫn còn tồn tại. Mặt khác, việc xử lý những trường hợp nấu cao hổ hiện nay rất khó khăn. Lực lượng kiểm lâm tại địa phương thường mỏng, trong khi các đối tượng vi phạm thường hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, với nhiều thủ đoạn tinh vi hòng vượt qua khỏi sự kiểm soát của cơ quan chức trách. Đây là vấn đề luôn khiến chúng tôi trăn trở”, ông Hà Hải Bình cho biết.
Theo ông Hà Hải Bình, gần đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị đã tham dự hội nghị bảo tồn hổ tại Bhutan và đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc chấm dứt buôn bán hổ. Hiện tại, Bộ NN&PTNT cũng đang phối hợp với các tổ chức quốc tế lớn như WWF (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên) và WCS (Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã) để xây dựng chiến lược hổ quốc gia mạnh mẽ hơn. Sự tham gia của các tổ chức quốc tế và các bên liên quan hướng đến mục tiêu cuối cùng là chấm dứt hoàn toàn nạn buôn bán hổ và các sản phẩm liên quan.
“Để giải quyết triệt để, vấn đề cốt lõi vẫn nằm ở việc chấm dứt nhu cầu tiêu thụ. Công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân phải được đẩy mạnh, vì chỉ khi nhu cầu không còn, nguồn cung mới chấm dứt. Đây là thách thức lớn. Bởi quan niệm lâu đời (và mù quáng) về lợi ích nào đó (như Báo Công Thương viết là: “thần dược”, “thuốc tiên”) của các sản phẩm từ hổ vẫn còn khá phổ biến”, ông Hà Hải Bình nhấn mạnh.
![]() |
Đồng tình với quan điểm trên, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) đã có những chia sẻ làm rõ hơn về chế tài xử lý đối với hành vi buôn bán hổ và các sản phẩm từ hổ.
Theo bà Bùi Thị Hà, hổ là loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, nghiêm cấm mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi nhốt. “Ta đã có Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi và bổ sung năm 2017 và có hiệu lực từ năm 2018. Đây được đánh giá là một trong những văn bản xử lý vi phạm về động vật hoang dã của chúng ta khá chặt chẽ so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Theo quy định, việc tàng trữ vận chuyển buôn bán đối với hổ và các sản phẩm từ hổ thì đều sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt tối đa là 15 năm tù”, bà Bùi Thị Hà phân tích.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) dẫn chứng, ENV đã từng kiến nghị một số vụ buôn bán một, hai cái móng hổ, đối tượng bị cứu trách nhiệm hình sự và bị áp dụng những hình phạt khá là nghiêm khắc khác, thậm chí, hình phạt lên đến 15 năm tù. “Rõ ràng, chế tài xử lý về cơ bản đã khá đầy đủ và hỗ trợ cho công tác thực thi pháp luật trong bảo vệ hổ rất tốt”, bà Bùi Thị Hà đánh giá.
![]() |
Tuy chế tài xử lý về cơ bản đã khá đầy đủ và hỗ trợ cho công tác thực thi pháp luật trong bảo vệ hổ rất tốt nhưng hiện nay, vẫn còn tình trạng buôn bán hổ, các bộ phận của cá thể hổ như: Nanh, da, xương…
Theo thống kê của ENV, từ đầu năm 2022 đến tháng 12/2024, đã ghi nhận hơn 860 các vụ việc liên quan đến hổ. Chủ yếu là các hoạt động quảng cáo, buôn bán hổ và chủ yếu ở trên internet; nhiều vụ các đối tượng đang giết hổ nấu cao, vận chuyển hổ trưởng thành đi bán thì bị bắt giữ, xử lý nghiêm khắc… Và, Nghệ An là một điểm nóng! Đặc biệt nóng ở 3 huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu và Diễn Châu, trong đó chủ yếu là hoạt động nuôi nhốt hổ trái phép.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) cho biết, ở Nghệ An hổ con chủ yếu là ở Lào về, một nguồn nhỏ nữa là từ một cơ sở được cấp phép nuôi hổ ở Nghệ An. Năm 2021, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã bắt giữ 2 đối tượng dùng xe ô tô vận chuyển 7 cá thể hổ con còn sống trên địa phận huyện Diễn Châu. 7 cá thể hổ con này có nguồn gốc từ Lào.
“Trước đó, tình trạng nuôi hổ tại nhà như nuôi lợn đã được báo chí phản ánh, gây xôn xao dư luận. Và bây giờ, theo nguồn tin của ENV, thì phần lớn những cá thể hổ bị buôn bán trên cả nước đều có nguồn gốc từ Nghệ An. Nguồn sẽ là từ Lào đi qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) về và buôn bán trực tiếp luôn (không nuôi lớn tại địa bàn Việt Nam). Nhưng phần lớn là hổ con từ Nghệ An, nuôi lớn lên trưởng thành, rồi mới bán đi khắp nơi. Còn một phần nhỏ nữa là từ châu Phi về theo “dòng chảy” cao hổ đã thành phẩm về Việt Nam qua các tour du lịch buôn bán sản phẩm từ hổ”, bà Bùi Thị Hà thông tin.
Cùng theo bà Bùi Thị Hà:“Vụ bắt giữ các đối tượng nuôi trái phép 17 cá thể hổ trưởng thành trong nhà ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; và cùng thời điểm bắt 2 đối tượng buôn 7 cá thể hổ con ở huyện Diễn Châu, cùng tỉnh. Hai vụ đều xảy ra vào tháng 8/2021 và sự “đột kích” của các lực lượng đã gây ra tiếng vang lớn”.
Bà Bùi Thị Hà cho biết, sau vụ việc ầm ĩ ấy, nhiều những đối tượng trong một khoảng thời gian nhất định sẽ "án binh bất động". Tức là vụ việc nó nó tác dụng nhất định, nhất là việc răn đe các đối tượng, khi mà các “trùm” nuôi nhốt và buôn bán trái phép hổ khi ấy đều bị áp dụng những hình phạt tù giam hết.
“Nhưng! Vấn đề ở Nghệ An là không chỉ có vài cá thể hổ như vậy đâu. Như ước tính của một số nguồn tin thì vẫn có hàng trăm cá thể hổ vẫn đang tiếp tục bị nuôi nhốt và sau một thời gian tạm dừng, tạm lắng, nếu không tiếp tục có các biện pháp mạnh mẽ và dứt điểm thì các đối tượng sẽ quay trở lại… như cũ, lại như nấm mọc sau mưa. Ngay bây giờ, chúng ta cần có hành động quyết liệt hơn để bảo vệ được loài hổ nói riêng và động vật hoang dã nói chung trước khi quá muộn!”, bà Bùi Thị Hà nói.
![]() |
Đối với công tác bảo tồn loài hổ, ông Hà Hải Bình, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các tổ chức quốc tế để kiểm tra, giám sát các cơ sở nuôi nhốt hổ trên cả nước. Bước đầu, đã xây dựng cơ sở dữ liệu ADN hổ để tránh tình trạng “đánh tráo” hổ trong các khu nuôi nhốt (bán, giết, nấu cao hổ, rồi tuồn hổ bất hợp pháp vào thay thế)... Hiện nay, cả nước ghi nhận khoảng 400 cá thể hổ được nuôi nhốt, chủ yếu tại các cơ sở khoa học hoặc vườn thú.
“Tại một số địa phương như Nghệ An, đặc biệt là các khu vực như Diễn Châu, Yên Thành, kiểm lâm địa phương cũng đã được giao nhiệm vụ tăng cường quản lý và giám sát. Theo báo cáo của lực lượng kiểm lâm các địa phương thì hổ chủ yếu được nuôi ở các cơ sở nuôi nhốt mang tính giáo dục, khoa học và một số gọi là sở thú. Ở Thái Nguyên, năm 2019, có một số gia đình nuôi hổ từ năm 2007, sau thời gian dài “đau đầu”, thì cuối cùng họ cũng trao hổ cho nhà nước nuôi (hiện tại đàn hổ này đang ở Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã Sóc Sơn, Hà Nội)”, ông Hà Hải Bình thông tin.
Ông Hà Hải Bình, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết thêm: “Vấn đề cho hổ sinh ở các cơ sở nuôi nhốt, có thể làm được nhưng mà tỷ lệ sống của hổ con là rất thấp. Ước tính chỉ khoảng 10 - 15%. Vì lý do thứ nhất là hổ ở nơi nuôi nhốt, đã được cho sinh sản cận huyết. Vì cận huyết nên hổ con rất yếu, chúng cần một chế độ chăm sóc đặc biệt. Trong khi đó, thực tế là, việc chăm sóc đặc biệt các loài hổ - và các loài mèo lớn nói chung - thì ở Việt Nam mình chưa có một quy trình kĩ thuật cụ thể nào cả. Kể cả nước ngoài người ta cũng đang có hạn chế riêng. Thứ hai nữa là: Các cá thể hổ trong những điều kiện nuôi nhốt thì từ sức khỏe, tâm lí đến mọi thứ của chúng sẽ bị thay đổi khá nhiều. Cho nên, dù muốn, rất muốn và bao năm phấn đấu, nhưng câu chuyện về việc tái thả hổ về hoang dã, vẫn rất xa vời. Kể cả việc đưa số lượng hổ bị nuôi nhốt, buôn bán trái phép kia về khu… bán hoang dã cũng chưa làm được”.
Theo ông Hà Hải Bình, một trong những nguyên nhân quan trọng là không có gì đảm bảo khi ta thả đàn hổ đang bị nuôi nhốt và hầu như mất hết tập tính hoang dã kia ra ngoài tự nhiên thì… không có ngay có một tốp thợ săn đợi sẵn! “Về vấn đề đưa hổ quay trở về tự nhiên (tái thả) thì tôi cũng đã trao đổi với một số chuyên gia thú y người nước ngoài ở Tổ chức Động vật châu Á và được cho biết: Ngay cả ở các khu bảo tồn danh tiếng ở châu Phi, bây giờ, họ cũng mới chỉ có một số khu vực đầu tư bài bản hoành tráng, dù tốn rất nhiều tiền nhưng vẫn đang trong quá trình thử nghiệm thôi. Vậy, chưa có gì đảm bảo có thể “thả hổ về rừng” được, tức là các loài mèo lớn dù được cứu hộ, cũng chưa có đủ điều kiện để “đi” từ khu nuôi nhốt trở về với thiên nhiên hoang dã được”, ông Hà Hải Bình nêu khó khăn.
![]() |