Tạo đột phá từ những chính sách cụ thể, đặc thù
Từ “chủ thể” đến “chủ động” thực hiện
Tại Hội thảo tham vấn các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ để góp ý cho nội dung Đề án tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6/2019, đại diện Nhóm công tác về DTTS (EMWG) cho rằng: Trước đây, các chính sách bất cập, chưa đạt hiệu quả cao là do việc xây dựng chính sách vẫn mang tính “ban phát, xây dựng từ trên xuống” mà chưa dựa trên nhu cầu thực tế và các ưu tiên của cộng đồng DTTS, cũng như chưa phân quyền một cách có ý nghĩa cho các cấp cơ sở; đặc biệt là cấp xã, cấp thôn trong việc tham gia xây dựng Đề án. Tới đây, các chính sách, hoạt động can thiệp nên được thực hiện theo cơ chế mở, có hỗ trợ tài chính trọn gói, nhằm phát huy tối đa các sáng kiến của địa phương, của các cộng đồng DTTS và phụ nữ. Cần đảm bảo các cộng đồng DTTS phải trở thành “đối tác phát triển” chứ không phải “đối tượng hưởng lợi” một cách thụ động.
Các đối tác phát triển, các tổ chức phi chính phủ, đại diện các nhóm cộng đồng góp ý cho nội dung Đề án |
Nhất trí với góp ý này, chị Trương Thị Thủy, người dân tộc Mường (ở làng Mỹ, xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) bổ sung: Chính sách phải làm rõ được vai trò và tính đại diện của người dân địa phương. Người dân phải được tuyên truyền để biết tiền đầu tư cho các công trình công cộng là từ tiền thuế của dân, từ đó người dân mới biết trân trọng và có ý thức giữ gìn. “Sẽ không có kết quả tốt nếu để người dân nghĩ rằng họ đang được ban phát, bố thí. Người dân sẽ chủ động tham gia và phát huy tinh thần tự lực, tự cường nếu họ nhận thấy mình chính là chủ thể của các chương trình, công trình thực hiện tại địa phương” – chị Thủy nhấn mạnh.
Tiếp cận lương lao động - cơ hội giảm nghèo
Đến nay, vùng DTTS có đến 87% - 98% các hộ gia đình DTTS sống dựa vào nông nghiệp. Vậy nhưng hiện tại, có hơn 54.000 hộ gia đình người DTTS thiếu đất sản xuất và hơn 58.000 hộ thiếu đất ở. Bên cạnh đề xuất: Đề án nên bổ sung các thông tin này vào hiện trạng vùng DTTS, miền núi; nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần có những chính sách cụ thể, đặc thù để giải quyết cốt lõi vấn đề này. Đây cũng cần được xác định là vấn đề quan trọng, cần tập trung của Đề án.
Song song với việc giải quyết đất ở, đất sản xuất; đất rừng để phát triển sinh kế cho bà con; ông Nguyễn Tiến Phong, đến từ Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc nêu vấn đề: Kinh tế - xã hội chung của đất nước đang tăng trưởng không ngừng, nhưng lại chưa thực sự đến được vùng DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đại đa số đồng bào DTTS chưa tiếp cận được các công việc phi nông nghiệp, chưa tham gia vào quá trình phát triển chung của đất nước. Những chính sách hiện tại mới chỉ giúp đồng bào DTTS không bị tụt hậu quá xa, chứ chưa thể tạo đột phá cho những địa phương này.
Cụ thể hơn, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: Đồng bào DTTS cần được đào tạo kỹ năng, năng lực để tham gia vào những công việc có lương trong lĩnh vực công nghiệp. Với mức lương ổn định, đều đặn… cơ hội thoát nghèo của người nghèo sẽ gần hơn. “Thực tế đã cho thấy, tiền lương, tiền công đóng góp 40-50% vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, trong khi hạ tầng chỉ góp 17%” – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Phan Văn Hùng bổ sung.
Cùng với những góp ý về việc giải quyết khoảng trống về giới; gắn phát triển kinh tế với biến đổi khí hậu; dành nguồn lực đáng kể cho những chính sách đặc thù… nhiều đại biểu nhất trí cho rằng: Mọi chương trình, dự án đều phải được hỗ trợ, điều chỉnh dựa trên chính nhu cầu điều kiện của cộng đồng, nói cách khác là “Địa phương hóa các chương trình”. Có như vậy những thành tựu chính sách dành cho vùng DTTS, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn mới đáp ứng được yêu cầu “Của dân, do dân và vì dân”.