Tiếp nhận gần 1 triệu đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
Tại Lễ kỷ niệm chào mừng 40 năm thành lập Cục Sở hữu trí tuệ diễn ra ngày 29/7, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, trong những năm qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã thể hiện rõ vai trò là đầu mối giúp Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và trực tiếp quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại lễ kỷ niệm |
Từ việc chủ trì trong xây dựng chính sách, pháp luật sở hữu trí tuệ đến tổ chức hoạt động của các tổ chức trong hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam, đã tích cực thực hiện việc chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ, hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động sở hữu trí tuệ.
Trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ, từ những điều lệ ban đầu của Hội đồng Bộ trưởng, Cục đã đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với 04 Luật và hơn 20 Nghị định và 23 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, tháng 6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ với nhiều điểm mới tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, tạo động lực mới cho hoạt động phát triển sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay.
“Xác lập quyền sở hữu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục từ ngày đầu thành lập và ngày càng quan trọng bởi số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng nhanh, đòi hỏi việc xử lý đơn vừa phải đẩy mạnh được, vừa phải đảm bảo chất lượng ngày một cao do sự gia tăng tình trạng tranh chấp, khiếu nại” - ông Đinh Hữu Phí nhấn mạnh.
Tính đến hết tháng 6/2022, Cục đã tiếp nhận gần 01 triệu đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và cấp gần 600 nghìn văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại.
Chất lượng xử lý đơn và cấp văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp được Cục chú trọng cải thiện thông qua giải pháp đổi mới, cải tiến về quản lý, tổ chức công việc, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin..., đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong hoạt động bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ phục vụ sản xuất và kinh doanh của xã hội.
Bên cạnh đó, công tác phát triển tài sản trí tuệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội luôn được quan tâm, triển khai. Năm 2005, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 04/4/2005 với mục tiêu nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho các chủ thể quyền.
Sau hơn 15 năm triển khai trên phạm vi toàn quốc, Chương trình đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho nhiều hoạt động của các cơ quan trong hệ thống sở hữu trí tuệ.
Thông qua Chương trình, Cục đã trực tiếp hỗ trợ việc phát triển tài sản trí tuệ cho một số sản phẩm địa phương như sản phẩm lụa của tỉnh Quảng Nam, sản phẩm tiêu của tỉnh Quảng Trị, điều của tỉnh Bình Phước; hỗ trợ đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn và cà phê Buôn Mê Thuột.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng đồng thời phối hợp, lồng ghép việc tổ chức triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ với nhiều Chương trình quốc gia như Chương trình OCOP, Chương trình thương hiệu quốc gia.
Xây dựng hệ sinh thái sở hữu trí tuệ quốc gia hiệu quả
Để sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng đến năm 2030 đưa đất nước trở thành một nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, ông Đinh Hữu Phí chia sẻ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ triển khai nhiều giải pháp để hướng đến đổi mới kiện toàn cơ cấu tổ chức của Cục.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu |
Bên cạnh đó, xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản trị và xử lý đơn, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ cho Cục, doanh nghiệp và xã hội; xây dựng mạng lưới các tổ chức hỗ trợ, bổ trợ về sở hữu trí tuệ, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ của Cục.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt ghi nhận, trên cơ sở hệ thống pháp luật vững chắc, công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong những năm vừa qua đã có nhiều thành tựu đáng kể. Cùng với đó, hoạt động bảo hộ tài sản trí tuệ gặt hái được nhiều kết quả, đóng góp vào sự thành công của hoạt động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bà Thitapha Wattanapruttipaisan - Trưởng Văn phòng đại diện của WIPO tại Singapore (WIPO Singapore) cho rằng, thành tựu kinh tế của Việt Nam kể từ năm 1988 đến nay quả thực rất nổi bật - thành tựu này sẽ góp phần thay đổi bức tranh đổi mới sáng tạo và không gian công nghệ trong và ngoài khu vực ASEAN.
Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn giữ vị trí đứng đầu trong nhóm 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Quả thực, Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia có số đơn đăng ký sáng chế hàng đầu trong khu vực ASEAN thời gian tới.
Các lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông như giao diện con người, máy tính tốc độ cao và phân tích dữ liệu lớn chiếm khoảng một nửa danh mục sáng chế gần đây của Việt Nam.
Các mô hình kinh doanh kỹ thuật số đổi mới sáng tạo và mới cũng đã hình thành với tốc độ chóng mặt. Việt Nam hiện đang có khoảng 10 kỳ lân công nghệ (các công ty khởi nghiệp công nghệ được định giá trên 1 tỷ USD).
Con số này chiếm gần 30% trong số 36 kỳ lân công nghệ của khu vực ASEAN vào năm 2021. Các doanh nghiệp của Việt Nam chỉ cần một thập kỷ hoặc ít hơn để trở thành kỳ lân công nghệ, trong khi các tập đoàn trong danh sách Fortune 500 cần khoảng 20 năm để đạt được giá trị tỷ đô.
"WIPO rất tự hào là đối tác của Việt Nam trong việc xây dựng một hệ sinh thái sở hữu trí tuệ quốc gia hiệu quả được Cục Sở hữu trí tuệ dẫn dắt rất thành công" - bà Thitapha Wattanapruttipaisan nói.