Trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam, sáng ngày 24/3, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ Hội thảo Công bố báo cáo cải cách kinh tế nhằm bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số của Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM - cho rằng: Kể từ khi bắt đầu đổi mới vào năm 1986, Việt Nam đã tiến hành những cải cách toàn diện và đạt được hàng loạt những thành tựu, duy trì liên tục phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một loạt các thách thức đối với quá trình phát triển, những thách thức này đã được nhận diện trong nhiều năm qua, như: Mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên lao động giá rẻ và tài nguyên thiên nhiên đang mất dần lợi thế cạnh tranh, khiến Việt Nam có nguy cơ “mắc kẹt” trong bẫy thu nhập trung bình, kèm với đó là nguy cơ già hoá dân số, hay những thách thức mới đang nổi lên ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững hậu Covid-19.
Hội thảo diễn ra theo 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến |
Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) - cho biết: Thời gian qua dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm thay đổi thói quen tiêu dùng, khiến thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, đòi hỏi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên môi trường mạng ngày càng quan trọng, nhằm bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp, quyền tác giả và những vấn đề liên quan. Đồng thời, việc chú trọng quyền SHTT cũng giúp Việt Nam thực thi các cam kết đưa ra tại các FTA đã ký kết và mang lại cơ hội cho nền kinh tế.
Cùng với đó, chủ trương mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế trong những thập niên vừa qua đã ảnh hưởng đáng kể đến quá trình hoàn thiện khung pháp lý về bảo hộ SHTT ở Việt Nam. Trong đó, theo bà Trần Thị Hồng Minh, những mốc nổi bật phải kể đến, như: Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ ký kết vào năm 2000 hay việc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2007 đều ghi nhận những cam kết quan trọng của Việt Nam đối với hoàn thiện khung pháp lý về bảo hộ SHTT. Gần đây nhất, các FTA quan trọng, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đều có những nội dung quan trọng về bảo hộ quyền SHTT... điều đó càng khẳng định, vấn đề SHTT đang rất được quan tâm.
Tăng cường SHTT là công cụ giúp doanh nghiệp duy trì phát triển bền vững |
Trong khi đó, từ câu chuyện thực tiễn, bà Nguyễn Thị Hoàng Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ, tư vấn (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho rằng: Câu chuyện từ gạo ST25 cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam vẫn thờ ơ, chưa coi trọng và hiểu rõ vấn đề bảo hộ SHTT tại thị trường nước ngoài. Đồng thời với đó, bà Nguyễn Thị Hoàng Hạnh khẳng định, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua các FTA, theo đó xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng tại Việt Nam và trên toàn thế giới, điều đó giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có những cơ hội nhưng cùng với đó là những thách thức. Và SHTT chính là công cụ giúp doanh nghiệp duy trì phát triển bền vững.
Dựa trên những phân tích trên, theo các chuyên gia kinh tế, việc chú trọng, bổ sung các quy định pháp luật về SHTT không chỉ có ý nghĩa đối với hội nhập quốc tế mà còn đối với công cuộc chuyển đổi số của quốc gia, nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp tại thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đang hướng tới phát triển nền kinh tế số, đòi hỏi các biện pháp bảo vệ quyền SHTT cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới, nhất là đối với các sản phẩm hàng hóa được mua bán qua kênh thương mại điện tử, các sản phẩm kỹ thuật số khi mà chúng dễ bị sao chép và phát tán trên Internet. Ngoài ra, các quy định về SHTT được cải thiện sẽ thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ của CMCN 4.0 như AI, blockchain, dữ liệu lớn... từ đó mở ra những cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam.
Lợi ích thì như vậy, nhìn nhận từ thực tế, bà Trần Thị Hồng Minh nhận định, việc bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam đã thực hiện từ rất lâu, thời gian qua sức ép tham gia các FTA và nội tại nền kinh tế, Việt Nam cũng đã có tiến bộ trong khung khổ xây dựng quyền SHTT. Nhưng xét 2 góc độ, tính đầy đủ của chính sách và tính hiệu quả, thì chúng ta mới đạt được tính đầy đủ, còn hiệu quả thì chưa. Do đó, để tận dụng tốt hơn cơ hội từ FTA, khắc phục những nội tại cố hữu của nền kinh tế, thì vấn đề SHTT cần được quan tâm và thực thi hiệu quả hơn nữa. Theo đó, Báo cáo của nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị, bên cạnh hoàn thiện khung pháp lý về SHTT, cần thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn bằng cách nâng cao ý thức và năng lực bảo hộ SHTT cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Cùng với đó, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ phụ nữ, doanh nghiệp do nữ làm chủ trong hệ thống và các hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số nói chung và bảo vệ, phát huy tài sản trí tuệ nói riêng.
Báo cáo Cải cách kinh tế nhằm bảo hộ SHTT hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số của Việt Nam đã đưa ra khuyến nghị chính sách nhằm hoàn thiện pháp luật về SHTT bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế mà trọng tâm là các FTA thế hệ mới, đồng thời tạo điều kiện cho thúc đẩy chuyển đổi số, kể cả đón đầu các xu hướng hợp tác quốc tế về hợp tác kinh tế số. |