Thứ hai 25/11/2024 23:44

Tăng năng suất lao động phải dựa vào kinh tế số

Nếu không đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo ra việc làm số trong môi trường số... thì mục tiêu thu hẹp năng suất lao động với các nước trong khu vực ngày một xa vời.

Năm 2024, Quốc hội đặt mục tiêu năng suất lao động tăng 4,8 - 5,3%. “Nếu không đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế số, tạo ra việc làm số và việc làm trong môi trường số thì mục tiêu thu hẹp năng suất lao động với các nước trong khu vực ngày một xa vời”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê

Tổng cục Thống kê đã từng thử đo lường tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP. Thưa bà, hiện tại tỷ trọng này là bao nhiêu?

Năm 2023 chưa kết thúc, chưa có đầy đủ số liệu, nên Tổng cục Thống kê chưa tính toán được, nhưng ước tính tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GDP khoảng 12%. Còn năm 2022, ngành thống kê đã thử nghiệm tính toán tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 12,6%. Theo tôi được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông tính toán, đến tháng 6/2023, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 15,2%.

Vì sao lại có sự chênh lệch như vậy, thưa bà?

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), kinh tế số bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế dựa vào hoặc được tăng cường đáng kể bằng cách sử dụng các yếu tố đầu vào kỹ thuật số, bao gồm công nghệ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, dịch vụ kỹ thuật số và dữ liệu. Mặc dù các tổ chức quốc tế đã đưa ra khái niệm về kinh tế số, nhưng các khái niệm chưa đồng nhất vì hiểu thế nào về kinh tế số là khá phức tạp.

Khi chưa có cách hiểu thống nhất thì không có các tiêu chí đo lường thống nhất, khiến số liệu không đồng nhất, khó so sánh nền kinh tế nào được số hóa hơn, chuyển đổi số nhanh hơn. Ví dụ, Thống kê quốc gia Trung Quốc tính toán, tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Trung Quốc là 40% GDP. Trong khi đó, Hoa Kỳ công bố, tỷ trọng kinh tế số của họ chỉ chiếm 10,3% GDP; Canada 6-7% GDP; Australia là 6,1% GDP; Thái Lan 14,1%...

Về lý thuyết và cả trên thực tế, nền kinh tế phát triển hơn, tiên tiến hơn thì kinh tế số đóng góp vào GDP nhiều hơn, nhưng số liệu về kinh tế số do các nền kinh tế lại không phải như vậy. Nguyên nhân là do các nước sử dụng khái niệm kinh tế số khác nhau, dẫn đến có hoạt động kinh tế nước này tính là kinh tế số, nước khác lại không. Và đây cũng lý giải số liệu khác nhau về kinh tế số do Tổng cục Thống kê tính toán khác so với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Vậy Tổng cục Thống kê căn cứ vào khái niệm nào để tính ra kinh tế số?

Chúng tôi dựa vào khái niệm của OECD. Đây cũng là khái niệm được nhiều nước áp dụng, trong đó có khối G7.

Kinh tế số được hiểu là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế. Từ cách hiểu này, chúng tôi đã tính toán, năm 2022, tỷ trọng kinh tế số đóng góp vào GDP 12,6% và năm nay giảm xuống, ước chỉ đạt 12%.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra mục tiêu, đến năm 2025, kinh tế số phải đạt 20% GDP và đạt 30% GDP vào năm 2030. Như vậy, thưa bà, dù lấy theo số liệu của Tổng cục Thống kê hay Bộ Thông tin và Truyền thông thì cũng không dễ đạt được mục tiêu này?

Như tôi đã nói, hiện có nhiều khái niệm về kinh tế số khiến cách tính giá trị tăng thêm của kinh tế số vào GDP khác nhau. Nhưng tựu trung lại, kinh tế số bao gồm kinh tế số lõi, hẹp, rộng và xã hội số.

Cụ thể, kinh tế số lõi là tất cả các hoạt động kinh tế của nhà sản xuất hàng hóa công nghệ thông tin và dịch vụ kỹ thuật số theo phân ngành kinh tế; kinh tế số hẹp bao gồm phần “lõi” và các đơn vị kinh tế hoàn toàn dựa trên công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số để vận hành, ví dụ như nền tảng thanh toán di động, nền tảng thương mại điện tử; kinh tế số rộng, bao gồm phần “hẹp” và các đơn vị kinh tế mà hoạt động sản xuất được tăng cường đáng kể nhờ công nghệ và dữ liệu số. Và cuối cùng là xã hội số, bao gồm phần “rộng” và hoạt động cá nhân trong xã hội dựa vào nền tảng số. Nếu tính theo xã hội số thì tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP của Việt Nam không hề thấp.

Như vậy, tỷ trọng kinh tế số bao nhiêu không quan trọng, mà quan trọng là làm sao phải đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thưa bà?

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng trưởng kinh tế không còn quá phụ thuộc vào lợi thế tài nguyên, địa chính trị hay nguồn nhân lực, mà là năng suất lao động dựa vào kinh tế số, nền tảng số. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, sản lượng nhóm ngành sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin tăng một đồng sẽ kích thích các ngành khác của nền kinh tế tăng lên 0,3 đồng; nhóm ngành truyền thông và nội dung số tăng sản lượng một đồng, kích thích các ngành khác tăng sản lượng 0,39 đồng; sản lượng nhóm ngành dịch vụ công nghệ thông tin tăng một đồng làm tăng sản lượng các ngành khác 0,28 đồng.

Kinh tế số, chuyển đổi số, xã hội số ngày càng dựa vào công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, nhưng con người vẫn là trung tâm, là nhân tố quyết định, nếu không, dù được trang bị công nghệ tối tân đến đâu, trí tuệ nhân tạo phát triển thế nào đi chăng nữa, thì cũng không thể tăng được năng suất lao động, hiệu quả lao động.

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, dân số Việt Nam đang trải qua những thay đổi sâu sắc trong phân bố tuổi với quá trình chuyển đổi nhân khẩu học. Vào năm 2035-2037, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ già hóa dân số, nên ngay từ bây giờ, nếu người dân không được trang bị kiến thức và làm việc trong môi trường số với công nghệ thay đổi chóng mặt, thì khi bước vào già hóa dân số sẽ thiếu lao động trầm trọng, tác động tiêu cực đến sự ổn định và phát triển kinh tế, xã hội vô cùng lớn.

baodautu.vn
Bài viết cùng chủ đề: Kinh tế số

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu qua hội thi tàu tốt, huấn luyện tàu hải đội dân quân thường trực

Từ 1/1/2025: Bảo hiểm y tế thanh toán dịch vụ ngày giường bệnh như thế nào?

Lừa đảo trực tuyến diễn ra ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội

Quảng Nam: Sạt lở đất làm nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng chính thức khởi công

Lễ phát động cuộc thi ‘Chống hàng giả và lừa đảo trực tuyến’

Hà Nội: Cháy quán bar Titan tại quận Hoàn Kiếm, nhiều người chạy lên sân thượng lánh nạn

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cân nhắc tác động từ nhiều yếu tố

Bài 1: Vị thế người phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định

Nhân sự Trung ương: Bộ Chính trị, Bộ Công Thương bổ nhiệm cán bộ chủ chốt; Quốc hội phê chuẩn nhân sự

Dự báo thời tiết biển hôm nay 25/11/2024: Có mưa dông và gió mạnh trên biển

Dự báo thời tiết hôm nay 25/11/2024: Mưa lớn cục bộ, lốc, sét gió giật mạnh từ Quảng Trị đến Phú Yên

Tối 24/11, xuất hiện khách hàng trúng độc đắc Vietlott có giá trị 'khủng'

Bắc Giang: Triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025

Công đoàn tham gia giám sát trả lương, thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho người lao động

Hà Nội: Phấn đấu 100% siêu thị không sử dụng túi nilon khó phân hủy vào năm 2025

Cận cảnh cây cầu trị giá hơn 1.800 tỷ đồng sau một năm thi công

Hải Phòng: Cháy lớn thiêu rụi nhà xưởng tại khu công nghiệp Tràng Duệ

Trung tướng Khuất Duy Tiến, Anh hùng Lực lượng vũ trang đã từ trần

Nhân sự địa phương: Nghệ An có tân Chủ tịch HĐND; Ban Bí thư chuẩn y lãnh đạo nhiều tỉnh, thành