Tọa đàm: Vùng đồng bào dân tộc miền núi – Phát triển mạnh sản phẩm xuất khẩu Hà Nội: Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai |
Sáng 26/5 đã diễn ra Hội thảo kết thúc dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số” (L4A).
Dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, Helvetas Việt Nam phối hợp với Liên minh Đất đai LANDA/Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng nông thôn CCRD đồng chủ trì. Dự án được thực hiện trong thời gian 3 năm từ ngày 1/6/2020 đến 31/5/2023 nhằm góp phần thúc đẩy và bảo vệ quyền tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Hòa Bình và Cao Bằng.
Nâng cao nhận thức về lĩnh vực đất đai cho đồng bào dân tộc
Ông Phạm Văn Lương - Giám đốc quốc gia Helvetas Việt Nam - cho biết, trong thời gian thực hiện dự án, các tổ chức thành viên của LANDA và các tổ hòa giải ở cơ sở đã được cung cấp những nguồn lực quan trọng để có thể hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng địa phương trong việc giải quyết tranh chấp đất đai và đóng góp xây dựng chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số |
Tới nay đã có hơn 36.000 người được nâng cao nhận thức về quyền đất đai và con đường giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Hơn 630 hòa giải viên, trưởng xóm, người có uy tín, thành viên các tổ chức đoàn thể địa phương đã được đào tạo về kỹ năng hòa giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai, kỹ năng tuyên truyền và đóng góp xây dựng chính sách đất đai.
Hơn 2.000 người dân được tư vấn về pháp luật đất đai và giải quyết tranh chấp đất đai. 6 sáng kiến cộng đồng được dự án cấp vốn thực hiện nhằm thúc đẩy quyền đất đai và chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Dự án cũng đã xây dựng một bộ cẩm nang về hòa giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai,...
Thành Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Xã có 954 hộ dân, có 11 xóm với 4.362 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Thái chiếm 63,2%, dân tộc Mường chiếm 30,7%, dân tộc Kinh chiếm 5,7%.
Trong mấy năm trở lại đây, tranh chấp đất sản xuất, nương rẫy, đất canh tác ranh giới giữa các hộ gia đình, giữa xóm với xóm trong xã Thành Sơn đang xảy ra thường xuyên. Điều này là do người dân chưa hiểu rõ các quy định của Luật Đất đai, các thửa đất sản xuất chưa phân giới rõ ràng. Đồng thời việc lấn chiếm cũng là do lòng tham của một số ít hộ dân, do đất đang có giá,…
Công tác đo đạc chính quy đang triển khai trên địa bàn vì vậy cũng kéo theo các tranh chấp giữa các hộ dân có đất canh tác liền kề nhau bộc lộ rõ hơn. Vì vậy tranh chấp thường xuyên xảy ra.
Ông Hà Thanh Đạt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Sơn - chia sẻ, sau khi được tham gia dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số”, các hoạt động mà dự án đem lại rất hữu ích cho các thành viên tham gia cũng như tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng về lĩnh vực đất đai và hòa giải ở cơ sở.
Theo đó, người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tổ hòa giải ở cơ sở đã hiểu được quy trình, kỹ năng hòa giải từ đó đã góp phần làm giảm các vụ tranh chấp đất đai, khiếu kiện, khiếu nại vượt cấp trên địa bàn xã.
Các tổ hòa giải ở thôn xóm cũng đã tạo được niềm tin của người dân trong công tác hòa giải, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Người dân trên địa bàn xã đã chủ động nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn về Luật Đất đai từ những trang thông tin chính thống để từ đó có những cách giải quyết tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật.
Còn tại xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, thông qua các hoạt động của dự án giúp cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã nâng cao được nhận thức, nắm bắt, hiểu được các quyền và nghĩa vụ của mình về lĩnh vực đất đai; giúp các thành viên của tổ hòa giải ở cơ sở được trang bị các kiến thức và kỹ năng về hòa giải ở cơ sở từ đó tỷ lệ hòa giải thành công được nâng lên, không còn đơn thư khiếu nại vượt cấp, giúp địa phương giải quyết có hiệu quả các vụ tranh chấp liên quan đến đất đai, bảo đảm an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Những bài học từ dự án
Ông Mario Ronconi - Giám đốc Khu vực Nam và Đông Nam Á, Liên minh châu Âu - chia sẻ, bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số là một ưu tiên trong hợp tác của EU tại Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án này từ năm 2020 - 2023 rất đúng lúc, khi đầu năm 2020 Quốc hội Việt Nam đã thông qua chính sách đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (SEDEMA) giai đoạn 2021 – 2030.
“Hội đồng châu Âu đã thông qua vào năm 1994 Công ước khung về Bảo vệ các dân tộc thiểu số đã được 39 quốc gia phê chuẩn. Đây là Hiệp ước đa phương toàn diện nhất dành cho các quyền của người thiểu số. Vào tháng 11/2018, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết về các tiêu chuẩn tối thiểu dành cho người thiểu số ở EU. Dự án “Đảm bảo quyền sử dụng đất cho tất cả mọi người - Mang lại tiếng nói cho các dân tộc thiểu số” do EU đồng tài trợ hoàn toàn phù hợp với mục tiêu này”, ông Mario Ronconi cho biết.
Bên cạnh những kết quả tích cực, trong quá trình thực hiện, dự án cũng gặp phải không ít thử thách. Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) - cho hay, địa bàn của dự án còn nhỏ, nguồn lực hạn chế. Phạm vi hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở là các tranh chấp nhỏ giữa các cá nhân, hộ gia đình, chưa giải quyết được các tranh chấp với tổ chức, doanh nghiệp.
Theo ông Thịnh, đối với chủ đề nhạy cảm như quyền đất đai, cần xác định các mục tiêu và thiết kế nội dung hoạt động thật rõ ràng, thu hẹp chủ đề càng cụ thể càng dễ thực hiện, tránh chung chung sẽ gây khó khăn khi xin phê duyệt và triển khai.
“Phải luôn linh hoạt, sáng tạo, thay đổi kế hoạch kịp thời để ứng phó với các rủi ro. Bên cạnh đó, cần đào tạo nâng cao năng lực cho các nhóm đối tượng khác nhau cần xây dựng kế hoạch và phương pháp phù hợp. Ngoài ra, cần có kế hoạch hỗ trợ đầy đủ, chi tiết cho cán bộ cơ sở và cộng đồng khi thực hiện các hoạt động mới và chủ đề phức tạp...”, ông Thịnh chia sẻ.