Tăng cường hợp tác logistics trong xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu
Tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu diễn ra tại Italia trong hai ngày 18 và 19/7/2024 vừa qua, phát biểu tham luận, Lãnh sự Thương mại, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông - Nguyễn Hồng Thành đã có những chia sẻ xung quanh việc thúc đẩy kết nối hợp tác trong lĩnh vực logistics cùng các giải pháp đối với vấn đề vận tải sang các thị trường mục tiêu tại châu Âu trong bối cảnh hiện nay.
Hiện nay, vận tải hàng hoá từ Việt Nam tới các thị trường tại châu Âu chủ yếu sử dụng đường hàng không, đường sắt và đường biển, trong đó vận tải bằng đường biển chiếm tỷ trọng lớn do có lợi thế về chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do sự kiện Crưm từ năm 2014 kéo dài đến nay, sự cố kênh đào Suez vào năm 2021, các hạn chế do kiểm soát dịch tễ bởi đại dịch Covid-19 từ tháng 10 năm 2023 đã khiến hoạt động logistics bằng đường biển tiếp tục chịu ảnh hưởng; còn tại biển Đỏ, chịu ảnh hưởng do các cuộc tấn công của Houthi.
Cước vận tải biển Á – Âu hiện nay đang ở mức rất cao với thời gian dài hơn do nhiều hãng tàu phải chọn chuyển hướng đi qua mũi Hảo Vọng – Nam Phi nên thời gian tăng thêm của hải trình lên đến khoảng 15 ngày. Các công ty logistics quốc tế đang phải tính toán đến các con đường vận chuyển thay thế và có tính đến hoạt động vận tải đa phương thức để duy trì lưu thông hàng hoá Á – Âu với chi phí và thời gian hợp lý cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Trước tình hình đó, năm 2021, Tổng công ty đường sắt Ratraco đã kết nối với đường sắt Trung Quốc, đường sắt Nga đưa vào vận hành 2 tuyến đường sắt chở hàng liên vận từ ga Gia Lâm tuyến thứ nhất qua Trung Quốc, Kazakstan vào Nga rồi đến châu Âu và tuyến thứ hai qua Trung Quốc vào Nga tại Zabaikal Viễn Đông rồi đến phía tây của Nga và Châu Âu. Cả hai tuyến đường sắt này đều qua Kaluga hoặc Moscow rồi chuyển tiếp đi các thị trường Liên minh châu Âu như Balan, Đức, Pháp, Bỉ, … Tuyến đường sắt liên vận này đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Thương vụ Việt Nam tại Nga. Ratraco đang xem xét khả năng tăng chuyến và tăng lượng container xuất khẩu vận chuyển theo tuyến đường sắt này.
Năm 2022, do xung đột Nga - Ukraine, các hãng tàu biển quốc tế huỷ tuyến chở hàng đến các cảng biển của Nga. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, Tập đoàn vận tải biển của Nga Fesco nối lại tuyến đường biển thẳng cảng Vladivostok đến các cảng của Việt Nam. Đến nay, sau 2 năm khai thác, Fesco đã vận chuyển được trên 30 vạn TUE hàng hoá hai chiều.
Ảnh minh họa |
Tiếp nối Fesco hiện hãng tàu Trasit LLC của Nga cũng đang khai thác tuyến vận tải biển thẳng từ Việt Nam đến cảng Vladivostok. Theo Hải quan Nga, năm 2023 có trên 60% hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam vào Nga đi qua Viễn Đông bằng đường sắt và đường biển.
Lãnh sự Thương mại, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông Nguyễn Hồng Thành |
Để duy trì và phát triển hoạt động logistics từ Việt Nam đến các thị trường châu Âu, Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông kiến nghị:
Đa dạng hoá và đa phương thức hoá hoạt động vận chuyển hàng hoá để giảm thiểu rủi ro khi phụ thuộc vào một loại hình, một tuyến đường vận chuyển cố định trong vận chuyển hàng từ Việt Nam đến Châu Âu.
Thiết lập kênh thông tin cảnh báo thường xuyên liên tục về các rủi ro, biến động cước phí, định hướng các loại hình vận tải và tuyến đường phù hợp trong vận tải hàng hoá Á – Âu tới cộng đồng doanh nghiệp thông qua các phương tiện truyền thông, các hiệp hội logistics, hiệp hội ngành hàng.
Đối với thị trường Nga cần đẩy mạnh việc ủng hộ nối lại nhiều chuyến bay hơn nữa giữa các thành phố, bên cạnh đó khai thác các chuyến bay chở hàng để hỗ trợ vận tải các mặt hàng cần tiêu thụ nhanh như trái cây tươi, quần áo hay thiết bị di động mẫu mới.
Đồng thời, Thương vụ Việt Nam tại Viễn Đông mong muốn các Thương vụ sẽ tham mưu với Chính phủ, nghiên cứu tác động và các cơ hội cho hoạt động logisticstoàn cầu trong đó có Việt Nam mà tuyến đường biển Bắc mang lại trong 5-10 năm tới để Việt Nam (quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á) tham gia vào tuyến đường vận tải huyết mạch mới của thế giới.