Tăng cường hợp tác công - tư để ngành cà phê phát triển bền vững
Hạn chế trong liên kết
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong vài năm tới, Việt Nam cần tái canh khoảng 120.000 ha cà phê, khi tái canh, khoảng 3 năm tiếp theo vườn cà phê sẽ không cho thu hoạch. Như vậy, 1 ha khi tái canh trong ba năm sẽ mất đi 7,5 tấn cà phê. Tính ra, mỗi năm sản lượng cà phê giảm do tái canh vào khoảng 300.000 tấn.
Bên cạnh đó, Việt Nam xuất khẩu trên 95% sản lượng cà phê hàng năm với kim ngạch từ 1,7 - 3,2 tỷ USD/năm song việc liên kết tiêu thụ còn lỏng lẻo, thiếu kiểm soát, bảo quản chế biến chưa được đầu tư đúng mức…
Hợp tác công tư sẽ giúp ngành cà phê phát triển bền vững |
Thời gian qua, để tăng liên kết, phát triển bền vững ngành cà phê, mô hình PPP đã được triển khai giai đoạn 1 (2010-2017) và kết nối được 3.220 hộ nông dân trồng cà phê với tổng diện tích 5.262ha.
Điển hình là dự án NESCAFÉ Plan được Nestlé Việt Nam triển khai tại Việt Nam từ năm 2011 với mục tiêu phát triển canh tác cà phê bền vững. Với kỹ thuật của NESCAFÉ Plan, người nông dân trồng cà phê đã tăng hơn 20% sản lượng cà phê thu hoạch nhờ đó tăng thu nhập lên 30%, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho cộng đồng trồng cà phê tại khu vực cao nguyên miền Trung bao gồm các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum. Bên cạnh đó, dự án còn góp phần giảm thiểu những tác động tới môi trường bằng kỹ thuật canh tác tiên tiến góp phần tiết kiệm 40% lượng nước tưới, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu.
Mặc dù vậy, TS Đặng Kim Sơn, Chuyên gia Nông nghiệp cấp cao - cho rằng, mô hình vẫn còn một số hạn chế như hoạt động chỉ tập trung vào các khu vực mô hình, quy mô nhân rộng về mặt kỹ thuật còn chậm, kết nối với thị trường ở cả các mô hình còn kém bền vững, chưa xây dựng được chuỗi giá trị cà phê hoàn thiện quy mô lớn, chưa có sự tham gia đông đảo của DN trong nước. Ngoài các chính sách các chương trình, dự án quốc tế, nói chung vai trò của nhà nước chưa mạnh.
Tăng cường hợp tác công - tư trong giai đoạn tới
Theo Ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam (VCCB), từ thành công bước đầu của giai đoạn 1, thời gian tới giai đoạn 2 (2018-2020) của PPP trong ngành hàng cà phê sẽ tập trung đẩy mạnh liên kết chuỗi để gia tăng giá trị cà phê Việt Nam với các mục tiêu cụ thể: Có trên 80.000 hộ nông dân tham gia với 97.000ha; thu hút sự tham gia của nhiều đối tác trong hợp tác công tư như Nestlé Việt Nam, GCP, IDH, Yara, Bayer, EDE, ACOM, OLAM, Simexco, WASI, Trung tâm Khuyến nông của 4 tỉnh Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia…
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả mô hình này, TS Trương Hồng - Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên - khuyến nghị, cần có sự đồng hành của Nhà nước và DN để người nông dân yên tâm thực hiện, đặc biệt cần quan tâm đến lợi ích người nông dân. Trong tình hình bất lợi cả về điều kiện canh tác lẫn giá cả thì các DN phải luôn sát cánh cùng nông dân. Có như vậy họ mới yên tâm thực hiện tái canh đúng lộ trình.
Còn theo ông Đặng Kim Sơn, Nhà nước cần thể hiện vai trò quản lý, thi hành các chính sách về cơ sở hạ tầng, tín dụng, đất đai, pháp lý bảo đảm cạnh tranh và tuân thủ hợp đồng. Nâng cao năng lực hợp tác xã, tổ hợp tác cà phê, tổ chức nông dân; có chính sách thu hút DN đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, phát triển dịch vụ hậu cần, hỗ trợ kết nối chuỗi giá trị giữa các đối tác trong ngành cà phê. Ngoài ra, Nhà nước cần hình thành hệ thống dự báo, giám sát quản lý tài nguyên, bảo vệ cảnh quan môi trường, kiểm soát chất lượng vật tư, xúc tiến thương mại.
Hợp tác công tư trong lĩnh vực cà phê tính đến nay còn khá ít vì chỉ có Nestlé Việt Nam thực hiện bài bản - có hiệu quả, còn gần như chưa có công ty FDI lẫn công ty trong nước nào áp dụng mô hình này. |