Việt Nam có trên 14,86 triệu ha rừng với tiềm năng phong phú, đa dạng về các giá trị hệ sinh thái rừng. Trong những năm qua, ngành lâm nghiệp đã thúc đẩy chủ trương “xã hội hoá nghề rừng” bằng nhiều cơ chế, chính sách.
Triển khai sáng kiến Hộ chiếu Vườn quốc gia |
Cụ thể, quan điểm phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Chiến lược Phát triển lâm nghiệp Việt Nam nêu rõ: “...có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển lâm nghiệp”.
Việc ký kết hợp tác giữa Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Suntory PepsiCo Việt Nam giúp doanh nghiệp này trở thành một trong những công ty đầu tiên hợp tác chiến lược với ngành lâm nghiệp trong lĩnh vực phát triển rừng bền vững, hướng đến bảo tồn nguồn nước và trung hòa carbon.
Các lĩnh vực hợp tác chính gồm: Trồng rừng, gắn với cải thiện sinh kế cho người dân, hướng đến mục tiêu tăng khả năng hấp thụ và trung hòa carbon, bảo vệ môi trường, tái tạo nguồn nước; cải tạo, làm giàu rừng tự nhiên, phục hồi hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên bằng các loài cây bản địa, cây gỗ lớn, gắn với cải thiện sinh kế cho người dân.
Bên cạnh đó, thiết kế, triển khai Chương trình “Học kỳ Lâm nghiệp” nhằm xây dựng chương trình trải nghiệm rừng để giáo dục về nguồn nước, đa dạng sinh học và nuôi dưỡng tình yêu với rừng và nguồn nước ở học sinh và khách trải nghiệm vườn quốc gia.
Thí điểm sáng kiến “Hộ chiếu Vườn quốc gia”, đây là sáng kiến nhằm khuyến khích người dân, du khách tăng cường khám phá, trải nghiệm rừng và nuôi dưỡng ý thức bảo vệ, phát triển rừng nhằm thực hiện mục tiêu phát triển giá trị đa dụng của rừng.
Ngoài ra, hai bên cũng hợp tác trong các lĩnh vực hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, vai trò của các hệ sinh thái rừng và bảo vệ nguồn nước.
Ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết: “Mục tiêu tổng quát là xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững,... bảo đảm sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp,... Chính vì vậy, vai trò của cả khu vực công và tư là vô cùng quan trọng”.
Chương trình hợp tác hai bên sẽ trồng mới và làm giàu cho gần 250 ha rừng, tại khu vực rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ trên khắp cả nước. Rừng sẽ được trồng cây gỗ lớn, cây bản địa kết hợp với nhiều cây lâm sản, dược liệu gắn với cải thiện sinh kế người dân.
Đối với việc triển khai sáng kiến Hộ chiếu Vườn quốc gia, ông Trần Quang Bảo cho hay, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam triển khai sáng kiến này, với mục tiêu tạo cơ chế thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Tạo động lực cho du khách trải nghiệm và khám phá các giá trị của hệ sinh thái rừng. Từng bước hình thành cơ chế tài chính bền vững và tạo đà cho các vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên có cơ sở hạ tầng du lịch có lượt du khách đến tham quan, đồng thời thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến các giá trị bền vững của hệ sinh thái.
Trong giai đoạn đầu, Hộ chiếu Vườn quốc gia được áp dụng tại 34 vườn quốc gia thuộc hệ thống rừng đặc dụng có hoạt động du lịch. Khách du lịch trong nước và quốc tế có thể sở hữu hộ chiếu bằng hình thức bản giấy hoặc hộ chiếu điện tử. Du khách sở hữu hộ chiếu cũng sẽ có cơ hội nhận được các ưu đãi, giải thưởng khi đặt chân đến các vườn quốc gia và đáp ứng đủ các điều kiện theo yêu cầu.