Thứ hai 23/12/2024 22:39

Tác động từ dịch Covid-19: Doanh nghiệp ngành giấy nỗ lực “tự cứu mình”

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), cuối quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp ngành giấy của Việt Nam chịu tác động lớn của việc thiếu nguồn nguyên liệu, đặc biệt thị trường nội địa và xuất khẩu đang giảm, vận chuyển tăng giá. Đây cũng là chủ đề cuộc trao đổi của TS. Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA - với phóng viên Báo Công Thương.    

Thưa ông, mối lo của nhiều doanh nghiệp ngành giấy hiện nay ngoài việc thiếu nguyên liệu, khó khăn về thị trường, vận chuyển rồi chi trả các nguồn chi phí cho nhân công tăng, ông có thể nêu rõ về thực trạng này?

Trong tình hình bùng phát của dịch bệnh Covid-19, ngành giấy cũng như các ngành công nghiệp khác bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt vấn đề nguyên liệu sản xuất. Nếu như các ngành khác ảnh hưởng bởi nguyên liệu từ Trung Quốc và một phần của thị trường châu Âu thì ngành giấy bị tác động kép bởi cả nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra do dịch tại Trung Quốc và châu Âu, Mỹ.

TS. Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPPA

Thêm vào đó, khi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đã bắt đầu được khống chế, các nhà máy đã quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ dài vì dịch bệnh, nên các công ty Trung Quốc đã đẩy mạnh việc mua vào, càng tạo ra sự khan hiếm nguồn cung tại thị trường châu Á và gây thêm khó cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện các nhà cung cấp giấy phế liệu vào Việt Nam hủy đơn hàng rất nhiều, trong đó có những đơn hàng mới đặt giai đoạn đầu tháng 1/2020 hoặc vừa mới chốt cũng bị hủy ngang. Theo đánh giá của chúng tôi, hiện nay dự trữ nguyên liệu của các doanh nghiệp lớn rất ít, dao động khoảng 1-2 tháng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không còn dự trữ hoặc gần cạn kiệt. Nếu tình trạng không nhập khẩu được nguyên liệu, nguồn cung nội địa không đủ, kéo theo nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải đóng máy, ngừng hoạt động. Đó là chưa kể các doanh nghiệp sẽ bị ngưng hoạt động bắt buộc khi có hiện tượng lây nhiễm vào trong doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giá giấy thành phẩm tăng khoảng 200.000 – 300.000 đồng/tấn. Điều này gây ra áp lực rất lớn cho các nhà sản xuất giấy về chi phí sản xuất. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu và trong nước đang giảm do cả khâu cung ứng khó khăn, vận chuyển tăng giá và nhu cầu thị trường không cao. Vì thế, doanh nghiệp ngành giấy đang phải chịu ảnh hưởng cả đầu vào lẫn đầu ra.

Ngoài nỗi lo không đủ nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp trong ngành giấy còn gặp sức ép lãi vay ngắn hạn, trả nợ gốc, nỗi lo nhân công và nguy cơ khách hàng hủy đơn hàng do ảnh hưởng nguồn cung.

Ông có thể nêu thách thức ngành giấy đang phải đối mặt, khi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu về dăm gỗ (sản xuất bột giấy) khoảng 11 triệu tấn/năm, nhưng lại nhập khẩu gần 0,4 triệu tấn bột giấy/năm, chiếm tỷ trọng đến 68% tiêu dùng, thưa ông?

Thời gian qua, ngành công nghiệp sản xuất giấy vẫn đang bị lệ thuộc nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu. Trong tổng số các nguồn nguyên liệu sản xuất giấy thì có tới 70% là từ giấy loại, trong đó gần 50% số nguyên liệu này phải nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, 50% còn lại là từ việc thu gom và tái chế giấy đã qua sử dụng của những đơn vị thu gom nhỏ, lẻ do chưa có một doanh nghiệp nào đứng ra đảm nhận công việc này.

Cùng với đó, nguyên liệu cho sản xuất giấy từ giấy thu hồi có vai trò rất quan trọng trong sản xuất giấy bao bì: Năm 2018 nhu cầu sử dụng là 3,71 triệu tấn, năm 2019 là 4,5 triệu tấn và đến năm 2030 khoảng 11 triệu tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom trong nước chỉ đạt khoảng 40%, còn lại 60% phải nhập khẩu. Nguyên nhân do chưa có cơ chế chính sách cho hoạt động thu gom tái chế, trong khi đó tại các nước như Nhật Bản, họ coi phế liệu giấy là tài nguyên quốc gia và tỷ lệ thu gom trong nước đạt trên 82%, tỷ lệ thu gom trung bình của thế giới năm 2018 là 59%.

Ngoài ra, doanh nghiệp giấy Việt Nam có quy mô công suất sản xuất nhỏ, chủ yếu dưới 30.000 tấn/năm, đầu tư manh mún, không tập trung, công nghệ, thiết bị cũ, chi phí vận hành cao, chất lượng sản phẩm thấp, không ổn định, khả năng cạnh tranh kém so với doanh nghiệp FDI và hàng nhập khẩu.

Ngành giấy Việt Nam đang lo lắng thiếu nguyên liệu sản xuất vì bị dừng nhập khẩu phế liệu giấy

Không những thế, cơ cấu sản phẩm giấy theo năng lực sản xuất không cân đối với nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước chủ yếu tập trung vào giấy làm bao bì hòm và hộp carton chiếm tỷ trọng đến 87%. Trong khi đó đối với giấy bao bì cấp cao tráng phủ, giấy copy cấp cao, giấy in tráng phủ, các loại giấy đặc biệt chưa sản xuất được, hàng năm vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn trên 1,3 triệu tấn.

Trước thực tế trên, VPPA có giải pháp và kiến nghị gì để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thưa ông?

Trong khảo sát và dự báo của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân về ảnh hưởng của dịch Covid-19 mới đây, đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có 1.200 doanh nghiệp tham gia khảo sát với nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, trong khảo sát này không có thông tin liên quan đến ngành giấy trong nước.

Bên cạnh đó, các văn bản hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành giấy chưa được đề cập nhiều về khó khăn cũng như ảnh hưởng giống như các ngành công nghiệp khác. Các chính sách hỗ trợ cũng chưa được nêu rõ so với các ngành như dệt may, da giày hay dịch vụ khách sạn....

Trước thực trạng đó, chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp cần bình tĩnh theo dõi thị trường để nắm rõ các xu hướng cũng như có các bước đi phù hợp. Nếu chúng ta quá sốt sắng có thể dẫn đến tình trạng nguyên liệu vẫn khan nhưng giá lại bị đẩy lên quá cao, tình trạng hủy đơn hàng giá thấp để nhận các đơn hàng giá cao và gây tâm lý bất an cho chính doanh nghiệp và bạn hàng, ảnh hưởng đến kinh tế thị trường và xã hội.

Chúng tôi khuyến cáo hội viên cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch trong doanh nghiệp để giảm nguy cơ ảnh hưởng trước mắt như lao động phải cách ly, dừng máy hay đóng cửa vì có người nhiễm Covid-19.

Đồng hành với doanh nghiệp, VPPA đang nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua kênh xúc tiến thương mại, bao gồm về nguồn cung nguyên liệu, phương thức thanh toán cũng như các giải pháp hỗ trợ ổn định sản xuất.

Bên cạnh đó, VPPA đã tìm kiếm các nguồn cung mới, giới thiệu các nhà cung cấp uy tín về chất lượng và có đủ nguồn lực cấp hàng để không bị hủy... Cụ thể VPPA đề cử Công ty CP Công nghệ Xenlulo giới thiệu nhà cung cấp nguồn nguyên liệu giấy thu hồi cũng như phục vụ hóa chất, thiết bị đến các doanh nghiệp ngành giấy trong giai đoạn này. Theo đó, Công ty CP Công nghệ Xenlulo phối hợp cùng VPPA giới thiệu nhà cung cấp nguyên liệu giấy lề của các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… cũng như vật tư, thiết bị, hóa chất khác để phục vụ trong ngành.

Ngoài ra, VPPA mong muốn các cơ quan chức năng, các Bộ, ngành quan tâm và có các chính sách hỗ trợ phù hợp. Cụ thể, VPPA kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi trong cấp phép nhập khẩu, có các chính sách giúp giảm thủ tục nhập khẩu, thời gian thông quan nhanh góp phần giảm chi phí, giải quyết hàng tồn lưu tại cảng, doanh nghiệp sớm có nguyên liệu sản xuất.

Trên cơ sở đó, Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ngành giấy như các ngành công nghiệp khác trong miễn, giảm và nộp chậm, hoàn thuế giá trị gia tăng. Hỗ trợ vốn vay ưu đãi, hạ lãi suất và giãn trả nợ ngân hàng cho doanh nghiệp ngành giấy nhằm hỗ trợ trực tiếp vào việc mua nguyên liệu đầu vào.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất với các nhà cung cấp không đơn phương tăng giá nguyên liệu hoặc hủy đơn hàng với lý do dịch bệnh.

Tiếp đó kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với các hãng vận tải hàng hóa bằng đường biển xem xét, giảm chi phí logistics hàng hải, không áp dụng mức thu phụ phí đối với các doanh nghiệp giấy Việt Nam tại thời điểm hiện tại.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)
Bài viết cùng chủ đề: Ngành giấy

Tin cùng chuyên mục

Chuyên gia vũ khí nói gì về súng cối bán tự động 100mm của Việt Nam?

Chuyên gia quốc tế khen bệ phóng tên lửa 70mm lắp trên xe bán tải của Việt Nam

Iran cho ra mắt tên lửa đạn đạo BM-300 tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

Hàng ngàn người ‘đổ về’ Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024

‘Ông lớn’ tên lửa Roketsan của Thổ Nhĩ Kỳ nói gì về Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024?

Triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024: Mục sở thị dàn UAV ‘Made in Vietnam’

Phân tích tầm nhìn của Viettel về ‘người lính tương lai’, tích hợp cả AI trong chiến đấu

Triển lãm Quốc phòng 2024: 'Lá chắn rồng' chống UAV của OSB Hightech có gì đặc biệt?

Chuyên gia quốc tế nói gì về tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Trường Sơn của Việt Nam?

Hải Dương: Sản xuất công nghiệp tăng 14,8% năm 2024

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024: Cận cảnh loạt xe đặc chủng của Bộ Công an

Chuyên gia vũ khí quốc tế nói gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?

Chính sách công nghiệp cần ưu tiên phát triển ngành kinh tế trọng điểm

Hết quặng Apatit vào năm 2040, Vinachem lo thiếu hụt nguyên liệu sản xuất phân bón

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam: Tự hào với dàn UAV, tàu quân sự, vũ khí made in Việt Nam

Vinachem thực hiện Quy hoạch khoáng sản quốc gia đảm bảo sản xuất xanh, bền vững

Sản phẩm thông tin quân sự của Việt Nam sẵn sàng kinh doanh tại Malaysia

Dễ phát tán nhưng khó kiểm soát: Hiểm họa từ tác nhân CBRN đang gia tăng

Viettel đem gì đến Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024: Cận cảnh TP-150 - máy bay Việt chất lượng quốc tế