Xe không biển, đầu không mũ bảo hiểm ngang nhiên đi trên đường |
Những cái xe khó gọi tên!
Giờ đây, xe máy đã trở thành phương tiện phổ biến ngay ở cả những bản, làng vùng sâu, vùng xa. Thậm chí, nhiều hộ nghèo vẫn cố gắng mua cho mình một chiếc xe máy để di chuyển, để chở hàng, thay thế cho sức kéo của trâu, ngựa. Nói cách khác, cứ chỗ nào có đường xe máy đi được là xuất hiện xe máy. Thậm chí, ngay cả với những con đường rừng nhỏ hẹp, đèo dốc cheo leo, nhiều thanh niên miền núi vẫn có thể điều khiển xe với cả bao tải nông sản to chất ngất phía sau.
Tuy nhiên, cũng chính vì đường sá gập ghềnh, khúc khuỷu, liên tục có “ổ trâu”, “ổ bò” nên những chiếc xe máy ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc rất nhanh “xuống cấp”. Anh Chang A Páo (xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) khẳng định: “Những chiếc xe số thông thường, ở miền xuôi chạy cả chục năm vẫn tốt, nhưng lên miền núi, thì chỉ 2 - 3 năm là xe liên tục phải sửa chữa, thay thế phụ tùng. Xe ga thì đồng bào hầu như ít người mua vì không thể sử dụng ở địa hình miền núi”. Đây có lẽ chính là lý do khiến những chiếc xe máy của đồng bào rất nhanh “biến dạng”: Cái thì vỡ yếm, cái không có đèn, cái long biển số, cái chỉ còn khung, yên và bộ máy… Nhiều cái không thể hình dung ra trước đó, nó từng là xe máy.
Thiệt hại kép
Đối với bà con, những xe máy như vậy là bình thường. Đại đa số bà con vẫn dùng, hỏng máy lại sửa, chừng nào không thể đi được mới thôi. Thậm chí, sau khi di chuyển đến nơi, bà con không cần cất xe mà để xe ngay ngoài đường, ngoài sân, ở bìa rừng hay trên nương rẫy… cũng không ai lấy!
Phương tiện phổ thông thiếu nhiều điều kiện tham gia giao thông |
Thực tế, những chiếc xe này chủ yếu chỉ lưu thông ở phạm vi làng, bản, lên nương, vào rẫy… chứ ít khi chạy ra đường quốc lộ, chính vì vậy, việc bị lực lượng cảnh sát giao thông tuýt còi hầu như rất hiếm gặp. Đồng bào điều khiển xe hầu như cũng không đội mũ bảo hiểm, nhiều xe còn chở quá cả số người quy định.
Hỏi chuyện một người dân tộc Jrai ở Gia Lai là “chạy xe không có biển, không có còi – đèn, không sợ công an phạt sao”, đồng bào trả lời rất vô tư: “Xe đi rẫy thôi mà, có ra đường lớn đâu mà sợ. Trong làng, mọi người vẫn đi vậy nhiều năm nay rồi…”.
Rõ ràng, nhờ những chiếc xe máy này, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa đã có thể di chuyển nhanh hơn, nhất là trong điều kiện nhà nọ cách nhà kia khá xa, đường từ nhà lên nương rẫy cũng vài ba ki-lô-mét. Hơn thế, nhờ những chiếc xe máy, nông sản, hàng hóa của đồng bào cũng được vận chuyển về nhà nhanh hơn, mang đi bán ở những chợ xa hơn.
Tuy nhiên, nếu chỉ vì chủ quan không có lực lượng chức năng kiểm tra mà đồng bào cứ dùng những chiếc xe thiếu an toàn như vậy sẽ rất nguy hiểm. Bởi lẽ, những chiếc xe quá niên hạn, máy móc đã bị thay thế nhiều, thậm chí chế thêm các bộ phận của dòng xe khác…, có thể trục trặc kỹ thuật bất cứ lúc nào. Trong khi đó, phần lớn bà con đều sử dụng xe ở những con đường đèo dốc, gập ghềnh sỏi đá, nếu không may xe hỏng đúng lúc bà con đang trôi dốc thì hậu quả sẽ khó lường…
Bên cạnh đó, khi bà con sử dụng những chiếc xe không biển số, không còi – đèn như vậy, nếu không may bị lực lượng công an kiểm tra, bà con sẽ phải chịu mức phạt rất nặng.
Với những thiệt hại kép có thể xảy ra như vậy, bà con nên cân nhắc, hết sức lưu ý để dần dần hạn chế việc sử dụng những chiếc xe đã xuống cấp, biến dạng; vừa để bảo vệ sức khỏe, tính mạng; vừa tránh những lỗi vi phạm an toàn giao thông có thể xảy ra.