Sẽ rà soát, bổ sung đất hiếm thuộc khoáng sản nhóm I
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Một trong số các nội dung nhận được sự quan tâm ở dự thảo Luật lần này là quy định về phân nhóm khoáng sản.
Sẽ quy định danh mục khoáng sản theo từng nhóm |
Có ý kiến đề nghị phân định rõ các loại khoáng sản cụ thể theo công dụng để bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả trong quản lý và tháo gỡ khó khăn trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp hiện nay; đề nghị quy định cụ thể danh mục khoáng sản theo nhóm kèm theo dự thảo Luật.
Theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, khoản 1 Điều 7 đã quy định phân nhóm khoáng sản mang tính nguyên tắc dựa trên công dụng và mục đích quản lý và khoản 2 Điều 7 đã giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Do đó, Chính phủ sẽ xây dựng danh mục khoáng sản nhóm I, khoáng sản nhóm II, khoáng sản nhóm III trong Nghị định hướng dẫn chi tiết. Liên quan đến khoáng sản làm vật liệu san lấp, dự thảo Luật đã quy định là khoáng sản nhóm IV và được thực hiện theo thủ tục hành chính đơn giản, quy định tại Mục 4 Chương VI.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị làm rõ loại khoáng sản làm vật liệu thông thường nhóm III là khoáng sản cụ thể nào, đất hiếm là khoáng sản thuộc nhóm nào; đề nghị bổ sung đất hiếm vào nhóm I. Đồng thời, một số ý kiến băn khoăn về sự lẫn lộn giữa các nhóm khoáng sản, đề nghị quy định phân nhóm đối với khoáng sản có nhiều mục đích sử dụng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại khoản 2 Điều 7 đã quy định giao Chính phủ quy định danh mục khoáng sản theo nhóm; quy định việc phân nhóm đối với khoáng sản có nhiều mục đích sử dụng. Theo đó, dự thảo Nghị định của Chính phủ sẽ quy định danh mục khoáng sản theo từng nhóm và sẽ rà soát, bổ sung đất hiếm thuộc khoáng sản nhóm I, nêu cụ thể các khoáng sản nhóm III trong danh mục này. Do vậy, sẽ bảo đảm không có sự lẫn lộn giữa các nhóm khoáng sản.
Mặt khác, có ý kiến đề nghị cần xem lại quy định xếp nước khoáng chung nhóm khoáng sản với kim loại quý, đá quý (khoáng sản nhóm I) để tạo điều kiện cho người dân khai thác nguồn nước nóng thiên nhiên thu hút du lịch. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, khoáng sản là nước khoáng, nước nóng thiên nhiên đã được quy định là khoáng sản nhóm III trong dự thảo Luật.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị xây dựng nhóm khoáng sản đặc thù bô xít, titan và có chính sách riêng phù hợp với điều kiện hiện nay; các loại khoáng sản này phân bố quá rộng nên phải dừng các dự án, dẫn đến địa phương không có cơ hội để phát triển.
Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, các khó khăn, vướng mắc về mặt pháp luật như đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến không chỉ ở Luật Khoáng sản mà còn ở Luật Đất đai, Luật Quy hoạch… quy định về khoanh định khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, quy hoạch khoáng sản, sử dụng đất kết hợp đa mục đích, sử dụng đất sau khai thác.
Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc, dự thảo Luật đã có các quy định về điều chỉnh quy hoạch (Điều 16); thực hiện dự án trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia (Điều 36); sử dụng đất sau khai thác (Điều 84 và Điều 85).
Luật Đất đai đã có quy định về sử dụng đất đa mục đích trong hoạt động khoáng sản (Điều 9 và Điều 218) và Điều 38 của dự thảo Luật đã quy định việc sử dụng đất trong hoạt động khoáng sản được thực hiện theo pháp luật về đất đai.