Sau khi “bốc hơi” 50 USD trong vòng 1 tuần, giá gạo thế giới có giảm thêm?
Giá gạo thế giới “bốc hơi” mạnh
Dữ liệu từ Oryza, theo thống kê từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo của các nguồn cung lớn tại châu Á đã có sự biến động mạnh trong tuần này. Theo đó, Pakistan là nước có điều chỉnh mạnh nhất khi giảm từ 25-50 USD/tấn. Trong đó, gạo 5% giảm mạnh nhất 50 USD, xuống mức 548 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 40 USD/tấn, còn 488 USD/tấn và gạo 100% tấm giảm 25 USD/tấn, hiện có giá 468 USD/tấn. Ngoài ra, mức giá này còn giảm mạnh tới khoảng 70 USD/tấn so với mức đỉnh vào cuối tháng 8/2023.
Giá gạo thế giới giảm nhưng gạo của Việt Nam vẫn giữ vững |
Tương tự, nguồn cung lớn thứ 2 thế giới là Thái Lan cũng có mức chào bán giảm từ 6-8 USD/tấn trong tuần này. Sau khi điều chỉnh, giá gạo loại 5% tấm của nước này đang ở mức 583 USD/tấn và gạo 25% tấm ở mức 535 USD/tấn. So với thời điểm cuối tháng 8 (31/8), giá gạo của Thái Lan cũng đã “bốc hơi” khoảng 50 USD/tấn.
Trong khi các nguồn cung điều chỉnh giảm mạnh, giá gạo cùng chủng loại của Việt Nam vẫn giữ ở mức cao. Cụ thể, gạo 5% tấm đang có giá 613 USD/tấn còn loại 25% tấm duy trì ở mức 5 USD/tấn.
Về nguyên nhân giá gạo các quốc gia điều chỉnh giảm mạnh, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty Phước Thành IV - cho rằng, việc các nước điều chỉnh giảm do đang vào mùa vụ thu hoạch trong khi họ có tồn kho lớn, từ đó giảm giá mạnh để cạnh tranh.
Cũng theo ông Thành, việc giảm này cũng có thể do các nước e ngại Ấn Độ có thể mở lại hoạt động xuất khẩu gạo sau ngày 15/10 bởi bất kỳ chính sách nào của nước này trong thời điểm hiện nay đều sẽ có tác động mạnh tới thị trường gạo thế giới.
Gạo Việt giữ vững giá, nhất là phân khúc chất lượng cao
Đối với gạo của Việt Nam, mức giá tương đối ổn định do nguồn cung không còn nhiều, đồng thời mức giá ở nội địa cũng khá cao và doanh nghiệp không còn nhiều đơn hàng nên giữ giá.
“Các thương nhân hiện chủ yếu giao dịch và chào bán gạo ở phân khúc cao như Đài thơm 8, OM 18, Jasmine… với giá từ 690-700 USD/tấn. Mức giá này nếu so với đỉnh hồi tháng 8 có giảm USD/tấn nhưng vẫn cao hơn năm ngoái 50 USD/tấn”- ông Thành chia sẻ.
Theo các thương nhân xuất khẩu gạo, phân khúc gạo 5% và 25% tấm gồm các loại gạo trắng hạt dài, gạo IR 504 nhưng cả hai loại gạo này không được trồng nhiều như trước đây. Thêm vào đó, các hộ nông dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Longmấy năm trở lại đây thực hiện theo chủ trương giảm diện tích trồng gạo phẩm cấp thấp sang trồng các loại gạo có giá trị cao, nhắm tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…
“Việc tập trung vào các loại gạo chất lượng cao sẽ giúp đầu ra ổn định, giá cả không chịu nhiều tác động từ thị trường, từ đó mang lại thu nhập tốt hơn cho cả người trồng lúa lẫn doanh nghiệp”- ông Nguyễn Văn Thành cho biết.
Được biết kể từ thời điểm giá gạo sốt đến nay, ngoài những hợp đồng ký trước đó với giá thấp, nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, ở phân khúc cao đi các thị trường Nhật Bản, EU… vẫn giữ ổn định, không có biến động nhiều. Chẳng hạn như Công ty CP nông nghiệp Công nghệ cao Trung An dự kiến trong tháng 10 và 11/2023 giao khoảng 20.000 tấn gạo chất lượng với mức giá từ 674 USD/tấn đến 700 USD/tấn, tùy loại.
Hay Công ty TNHH Cỏ May cũng đang xuất khẩu gạo chất lượng cao đi nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ… với giá ổn định, không chịu tác động mạnh từ thị trường. Thậm chí, theo ông Đinh Minh Tâm, Giám đốc công ty này, ở các thị trường này nhu cầu khá lớn song do nguồn cung của Cỏ May “có hạn” nên công ty chưa mở rộng thêm khách hàng mới mà chủ yếu vẫn làm ăn với đối tác truyền thống.
Trên thực tế, việc giảm tỷ trọng gạo thường sang các loại gạo chất lượng cao của nông dân và doanh nghiệp đang đúng định hướng theo Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 (Chiến lược). Chiến lược nêu rõ trong giai đoạn 2023 - 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình chiếm không quá 15%; gạo trắng phẩm cấp cao chiếm khoảng 20%; gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản chiếm khoảng 40%; gạo nếp chiếm khoảng 20%; các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, gạo hữu cơ, bột gạo, sản phẩm chế biến từ gạo, cám gạo và một số phụ phẩm khác từ lúa gạo chiếm khoảng 5%. Phấn đấu tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.
Các thương nhân xuất khẩu dự báo, trong thời gian từ nay đến cuối năm giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục đi ngang, riêng gạo Việt Nam nhiều khả năng vẫn giữ mốc trên 600 USD/tấn. |