Chủ nhật 24/11/2024 19:45

Sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững đã "bám rễ" trong đời sống

Sáng 20/11, tại TP. Đà Nẵng, Văn phòng sản xuất và tiêu dùng bền vững – Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến 2020.

Nhiều kết quả tích cực

Ngày 7/9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” với mục tiêu sản xuất sạch hơn (SXSH) được áp dụng rộng rãi tại các cơ sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và phát triển bền vững.

150 đại biểu đến từ các tổ chức, trung tâm khuyến công, trung tâm tiết kiệm năng lượng tham dự tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020

Bộ Công Thương là đơn vị chủ trì triển khai 4/5 đề án của Chiến lược gồm nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng SXSH trong công nghiệp; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về SXSH trong công nghiệp; hỗ trợ kỹ thuật về áp dụng SXSH tại cơ sở sản xuất công nghiệp; hoàn thiện mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SXSH trong công nghiệp.

Trong 10 năm, các Sở Công Thương trong cả nước đã tổ chức 337 hội thảo, tập huấn cho hơn 25.000 lượt người; tổ chức thực hiện nhiều phóng sự truyền hình, bản tin, tờ rơi, pano… tuyên truyền; cử các cán bộ tham gia các khoa đào tạo chuyên sâu về SXSH. Bộ Công Thương đã xây dựng, vận hành và duy trì website về Chiến lược SXSH tại địa chỉ sxsh.vn nay là scp.gov.vn cập nhật thường xuyên các hoạt động về sản xuất sạch hơn, giải đáp các thắc mắc của người dân, doanh nghiệp, các địa phương về SXSH. Đáng chú ý, hiện nay mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SXSH trong công nghiệp đã phủ khắp các tỉnh thành trong cả nước với 47 trung tâm khuyến công, tiết kiệm năng lượng trên cả nước; 63 tỉnh thành đều đã có chuyên gia về SXSH.

Chiến lược SXSH trong công nghiệp đã hướng đến đối tượng hưởng lợi là doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Công Thương đã xây dựng, ban hành, phổ biến hơn 20 hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cho các ngành nghề khác nhau; thực hiện đánh giá nhanh cho 411 doanh nghiệp; thực hiện đánh giá chi tiết cho 102 doanh nghiệp; xây dựng 02 mô hình trình diễn kỹ thuật về SXSH. Cùng với đó, các địa phương đã hỗ trợ đánh giá nhanh cho 355 doanh nghiệp; hỗ trợ áp dụng SXSH, các mô hình SXSH cho 88 lượt doanh nghiệp.

Tổng kinh phí thực hiện chiến lược trong 10 năm vào khoảng 141,79 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 15,89 tỷ đồng, kinh phí của địa phương 115,9 tỷ đồng (41 tỉnh, thành), và Đan Mạch tài trợ thực hiện 10 tỷ đồng.

Qua 10 năm triển khai Chiến lược SXSH trong công nghiệp, đến nay đã có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH, tăng 20,5% so với năm 2010. 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, tăng 35,9% so với năm 2010, 12% trong số đó đã đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, đã có 21% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động sản xuất sạch hơn.

Ông Nguyễn Việt Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương cho biết: kết quả lớn nhất của 10 năm thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 là nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sản xuất và tiêu dùng bền vững đã tăng rõ rệt

Theo ông Nguyễn Việt Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng, Bộ Công Thương, kết quả nổi bật nhất sau 10 năm thực hiện Chiến lược về SXSH trong công nghiệp đó là doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng đã quan tâm và nhận thức được tầm quan trọng của SXSH trong sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, vì đây là chương trình mới, lần đầu tiên triển khai, đặc biệt là chương trình SXSH giai đoạn 2016 - 2020 triển khai theo Quyết định 76/QĐ-TTg ngày 11/1/2016 (Quyết định phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030) nên trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn nhất định. Một khó khăn lớn rất quan trọng nữa đó là nguồn kinh phí triển khai các đề án của Chiến lược SXSH khá hạn chế, vì vậy, một số chỉ tiêu cụ thể, đặc biệt là chỉ tiêu về xây dựng hệ thống sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa đạt được theo yêu cầu.

Thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp tham gia vào SXSH

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, qua quá trình triển khai Chiến lược SXSH trong doanh nghiệp bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Hai khó khăn lớn nhất đó là vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn trong thực hiện SXSH; và thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư, thực hiện các giải pháp đầu tư lớn cũng như chưa có cơ chế tài chính ưu đãi và ổn định để hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hiện các dự án SXSH.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững sẽ bám sát mục tiêu thứ 12 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trong đó, đặt mục tiêu sẽ giảm 5 - 10% tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp; xây dựng thành công 20 - 30 mô hình về sản xuất bền vững và phổ biến nhân rộng mô hình; 85% - 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm, bao bì thân thiện môi trường, 80% - 100% tỉnh, thành phố trung ương tuyên truyền phổ biến về tiêu dùng bền vững; 70% - 100% khu cụm công nghiệp được phổ biến nâng cao về SXSH và tiêu dùng bền vững (SCP), 70% - 90% tỉnh thành phố xây dựng kế hoạch hành động lồng ghép vào các chương trình hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu đã cùng trao đổi, lắng nghe những chia sẻ của các điển hình thành công trong áp dụng sản xuất sạch hơn vào sản xuất công nghiệp

Để thực hiện thành công những mục tiêu trên, Bộ Công Thương sẽ thay đổi cách thức hoạt động, tìm ra giải pháp khắc phục những khó khăn khách quan, đặc biệt là khó khăn về mặt tài chính. “Chúng tôi hướng đến việc nhấn mạnh và tăng cường đưa vai trò tham gia của doanh nghiệp vào áp dụng SXSH, chứ không trông chờ vào ngân sách của Nhà nước. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp để thực hiện tốt các mục tiêu trên trong thời gian đến”, ông Nguyễn Việt Dũng thông tin và nói thêm “Thời gian tới, Chúng tôi cũng phải xem lại và hoàn thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện SXSH. Và đến một lúc nào đó phải đưa ra những chế tài nhất định để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện, cam kết thực hiện SXSH và tiêu dùng bền vững”, ông Dũng nói.

Tại chương trình, Văn phòng sản xuất và tiêu dùng bền vững - Bộ Công Thương phát động Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030, với các nhiệm vụ chủ yếu gồm:

✓ Hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững;

✓ Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh;

✓ Thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng;

✓ Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm;

✓ Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững;

✓ Thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái;

✓ Đẩy mạnh phát triển thị trường bền vững, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng;

✓ Đẩy mạnh mua sắm bền vững;

✓ Nâng cao năng lực, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững;

✓ Thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải;

✓ Đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững;

✓ Xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về sản xuất và tiêu dùng bền vững;

✓ Phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững;

✓ Thúc đẩy tiếp cận và hỗ trợ tài chính xanh;

✓ Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Vũ Lê
Bài viết cùng chủ đề: Sản xuất sạch, sản xuất sạch hơn,

Tin cùng chuyên mục

Khuyến công Bình Định hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp thiết kế bao bì, xây dựng điểm giới thiệu sản phẩm

Bài 4: Kỳ vọng thổi 'luồng sinh khí' mới vào nền kinh tế

Năm 2024, sản xuất công nghiệp của Nam Định dự kiến tăng 14,5%

Chấp thuận đầu tư gần 3.000 tỷ đồng vào khu công nghiệp Đồng Văn VI

Chấp thuận đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình II, Hà Nam

Khai giảng khóa đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất khuôn mẫu tại Hàn Quốc

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024: Quy mô cực lớn, nhiều bất ngờ chờ đón

Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin về lễ kỷ niệm 25 năm thành lập và hội nghị tổng kết 2024

Bài 3: Đại biểu Quốc hội 'hiến kế' để dự án về đích thành công

Bài 2: Bệ phóng để ngành công nghiệp chế tạo trong nước 'vươn tầm'

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam mong muốn mở rộng thị trường tại Brazil

Tăng liên kết giữa FDI và doanh nghiệp nội địa để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Bài 1: Công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược

AP Saigon Petro ra mắt máy thay nhớt tự động 3R dành cho xe máy

10 tháng năm 2024, nhà máy Z183 (Bộ Quốc phòng) đạt doanh thu gần 1.000 tỷ đồng

Thanh Hóa: Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục có nhiều khởi sắc

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Cơ hội cho ngành thép

Lai Châu: Kiểm tra hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn

Bài 3: Đáp ứng kỳ vọng, tạo động lực phát triển mới

Mỹ, Nga, Italy sẽ tham gia triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024