Sản xuất công nghiệp phục hồi, tăng ở 60 địa phương
Tin vui ở nhiều địa phương
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, sản xuất công nghiệp tháng 1/2024, khu vực công nghiệp phục hồi mạnh; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2024 ước tăng 18,3% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 19,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước.
Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. |
Các tỉnh có tốc độ tăng trưởng IIP cao nhất là: Trà Vinh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Vĩnh Long, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Lào Cai… Các tỉnh có tốc độ tăng trưởng IIP thấp nhất là: Cà Mau, Bắc Ninh, Sơn La.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, các địa phương và doanh nghiệp chú trọng thực hiện tốt việc sản xuất công nghiệp, cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất và đời sống, không để xảy ra đứt gãy nguồn cung. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng tích cực là tiền đề thúc đẩy cho hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hoá trong những tháng tiếp theo của năm 2024.
Đơn cử như tại Bắc Giang, một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng IIP cao cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 của Bắc Giang tiếp tục đạt được kết quả tích cực, tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) tháng 1 ước đạt hơn 58,1 nghìn tỷ đồng, tăng 21,5 nghìn tỷ đồng (tăng 58,7%) so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước 1.061 tỷ đồng, tăng 19,68%; khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh 11.902 tỷ đồng, tăng 67,9%; khu vực doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đạt 45.170 tỷ đồng, tăng 57,7%.
“Giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao chủ yếu do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024 vào giữa tháng 2 Dương lịch nên tháng 1 Dương lịch các doanh nghiệp vẫn hoạt động sản xuất ổn định so với năm 2023 (năm 2023 lịch nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 1)”- báo cáo Sở Công Thương Bắc Giang chỉ ra.
Đáng chú ý, ngay từ những ngày đầu năm mới, khí thế sản xuất tại các doanh nghiệp công nghiệp nhộn nhịp, kỳ vọng tạo đà tăng trưởng cao cho năm 2024. Nổi bật là ngành sản xuất máy vi tính, sản phẩm điện tử, quang học với các doanh nghiệp lớn như: Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam, Công ty TNHH Hana Micron Vina; Công ty TNHH JA Solar Việt Nam... Riêng Công ty TNHH Luxshare ICT- Vân Trung ngay từ đầu năm đã mở rộng quy mô sản xuất, tăng vốn thêm 130 triệu USD. Cùng đó, các ngành sản xuất đồ uống; sản xuất pin và ắc quy… cũng có nhiều triển vọng tăng trưởng cao thời gian tới.
Hay địa phương như Nam Định, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 tăng 55,28%; trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 56,86%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí tăng 14,35%. Đáng kể, tại ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (ngành công nghiệp chủ lực của Nam Định) có tới 80,14% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sản xuất, kinh doanh quý I/2024 tốt hơn và giữ ổn định hơn quý IV/2023; có 84,06% số doanh nghiệp có chiều hướng tăng trưởng và giữ nguyên số lượng đơn đặt hàng mới trong quý I/2024 so với quý IV/2023; có 72,73% số doanh nghiệp có chiều hướng tăng và giữ ổn định đơn hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp ngành công nghiệp của Nam Định cũng cho thấy sẽ tiếp tục làm tốt vai trò là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của tỉnh do đã ngày càng chủ động hơn về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, duy trì, phát triển sản xuất.
Sớm đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại các địa phương, về phía Bộ Công Thương cho hay, năm 2024, Bộ sẽ tập trung những giải pháp trọng tâm như: Chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thúc đẩy, đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Trong đó, đáng chú ý, một số dự án lớn thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ký kết trong năm 2023 tại Thái Bình, Quảng Ninh góp phần là động lực tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp trong năm 2024.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tập trung hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, thép, sữa, giấy, nhựa... để thống nhất định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới.
Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.
Để có thể lấy lại đà tăng trưởng cao cần rất nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các Bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp, đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho cao ở cuối năm 2023.
Theo các chuyên gia kinh tế, có thể thấy sản xuất công nghiệp khởi sắc ngay từ đầu năm là sự khởi đầu tốt đẹp với những tín hiệu tích cực cùng niềm tin của các tổ chức quốc tế với dự báo triển vọng sáng sủa của kinh tế Việt Nam tới đây.Theo đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một năm khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam sau nhiều khó khăn vì tác động của dịch bệnh và diễn biến phức tạp của khu vực, thế giới. |