Thứ hai 23/12/2024 14:38

Rà soát, chấn chỉnh hoạt động kho ngoại quan trên cả nước

Nhằm chấn chỉnh, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động của các kho ngoại quan trên cả nước, Tổng cục Hải quan vừa chỉ đạo Cục hải quan các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá tình hình hoạt động, đề xuất tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động các kho ngoại quan không đáp ứng đủ các điều kiện theo Nghị định 68/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Nhiều bất cập trong hoạt động kho ngoại quan

Theo đánh giá của Cơ quan Hải quan, hiện nay các quy định pháp luật và quy trình nghiệp vụ về công tác quản lý hàng hóa gửi kho ngoại quan cơ bản đã đầy đủ. Bên cạnh đó, các đơn vị trong toàn ngành Hải quan đã chủ động, tích cực trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan, phòng chống thẩm lậu, buôn lậu, gian lận thương mại trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và địa bàn quản lý đối với các kho ngoại quan.

Cơ quan Hải quan sẽ rà soát, chấn chỉnh hoạt động kho ngoại quan trên cả nước (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, Cơ quan Hải quan cũng cho biết, qua công tác kiểm tra, giám sát vẫn ghi nhận một số doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan lợi dụng chính sách thông thoáng đối với loại hình kho ngoại quan để buôn lậu, gian lận thương mại với các hành vi phổ biến, như: Không khai hoặc khai không đúng tên hàng, mã số hàng hoá (mã HS), số lượng, khối lượng hàng hóa… để thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, gian lận tiền thuế, trốn tránh các quy định về chính sách quản lý hàng hoá…

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp không khai báo để đưa vào kho ngoại quan hàng hóa thuộc diện không được phép gửi kho ngoại quan, lợi dụng hình thức gửi kho ngoại quan để tạm nhập - tái xuất hàng hóa, né tránh các quy định về kinh doanh tạm nhập - tái xuất. Vận chuyển hàng hoá không đúng tuyến đường, tự ý tắt định vị GPS, phá niêm phong, sang tải hàng hóa trái phép trong quá trình vận chuyển, đăng ký gửi hàng hóa vào kho ngoại quan nhưng thực tế không đưa hàng vào kho.

Cụ thể, qua công tác thanh tra, trong 6 tháng đầu năm 2019, Tổng cục Hải quan đã triển khai kiểm tra 2 chuyên đề về “Vận chuyển độc lập” và “Kho ngoại quan”. Kết quả cho thấy một số kho ngoại quan không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định tại Nghị định 68/2016/NĐ-CP; có sự chênh lệch số lượng tồn kho thực tế với số lượng trên sổ sách báo cáo; một số hàng hóa không thuộc đối tượng gửi kho ngoại quan... Cơ quan hải quan cũng phát hiện nhiều bất cập trong nội dung báo cáo nhập – xuất – tồn kho ngoại quan…

Tổng kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Để đảm bảo công tác quản lý hải quan, lãnh đạo Tổng cục Hải quan vừa chỉ đạo Cục hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, đánh giá tình hình hoạt động các kho ngoại quan trên địa bàn quản lý. Trên cơ sở đó, đề xuất tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động các kho ngoại quan không đáp ứng đủ các điều kiện theo Nghị định 68/2016/NĐ-CP. Đồng thời, đánh giá khó khăn, kiến nghị giải pháp quản lý kho ngoại quan trong thời gian tới.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan, trong đó chú trọng việc phối hợp giữa các đơn vị hải quan trong kiểm soát quá trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa.

Các đơn vị chức năng cũng sẽ tiến hành xác định một số lô hàng trọng điểm để tiến hành kiểm tra thực tế, kiểm tra đột xuất sổ sách và hệ thống quản lý kho ngoại quan để đánh giá tuân thủ. Đồng thời, tăng cường áp dụng giám sát hải quan bằng niêm phong, thiết bị định vị GPS, hệ thống camera… và xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại.

Tổng cục cũng giao cho Cục Giám sát quản lý về hải quan nghiên cứu, đề xuất đưa vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC các nội dung cần thiết để hoàn thiện cơ sở pháp lý, cải tiến quy trình quản lý đối với loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan, đảm bảo thống nhất, chặt chẽ từ khi hàng hóa được phê duyệt vận chuyển để gửi vào kho cho đến khi hoàn thành thủ tục hải quan, xác nhận thực xuất, trong đó tập trung vào các nội dung chính, như: Hàng hóa đưa vào, đưa ra kho ngoại quan đều phải đăng ký tờ khai hải quan, việc khai báo phải đảm bảo đầy đủ thông tin từng dòng hàng, chi tiết tên hàng, mã số HS, chủng loại, số lượng.

Quy định cụ thể các yêu cầu, biện pháp giám sát hải quan đối với hàng hóa trong quá trình vận chuyển như: Niêm phong, đánh dấu, chụp ảnh, ghi hình, thiết bị định vị GPS, seal điện tử, camera hành trình…

Quy định rõ thủ tục xác nhận thực xuất đảm bảo tính khả thi, phân định rõ trách nhiệm, quản lý chặt chẽ trong các trường hợp một lô hàng được xuất nhiều lần, thay đổi cửa khẩu xuất hoặc đề nghị đưa trở lại kho ngoại quan.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo tăng cường công tác quản lý rủi ro, điều tra chống buôn lậu đối với loại hình hàng hóa gửi kho ngoại quan, bố trí trang thiết bị phục vụ giám sát hải quan.

Trước đó, trong cuộc họp trực tuyến với các đơn vị hải quan địa phương nhằm hoàn chỉnh dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung phải khắc phục được những vấn đề bất cập hiện nay, đảm bảo mục tiêu cải cách hiện đại hóa, chuẩn hóa trong quản lý, giám sát hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà Mai cũng nhấn mạnh tinh thần không để “trăm hoa đua nở” dẫn đến tình trạng các kho, bãi, địa điểm hoạt động manh mún, không kiểm tra, giám sát hải quan được.
Hoàng Châu

Tin cùng chuyên mục

Khơi thông thị trường ngoài nước: Chống lãng phí nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu

Thêm cơ hội cho hàng Việt ra nước ngoài qua ‘cánh cửa’ xuất khẩu online

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới

Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ

Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD

Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan

Hàng loạt đề xuất giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thế và lực đưa đất nước vươn mình

Xúc tiến xuất khẩu bài bản, hiệu quả, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt kỷ lục

Năm 2024, các thị trường đã đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm

Trung Đông nằm Top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất

Dự kiến năm 2025, trái chanh leo Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Tiêu chuẩn xanh của thị trường EU: Động lực hay áp lực với hàng Việt?

Điểm danh những nhóm sản phẩm xuất khẩu chịu tác động của Thoả thuận Xanh châu Âu

Bức tranh sáng cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025

Tổng cục Hải quan tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Xuất khẩu cà phê chế biến sâu: ‘Chìa khoá’ xây dựng bền vững thương hiệu

Năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản bứt phá ngoạn mục

Việt Nam nhập khẩu gần 1,98 triệu tấn đậu tương trong 11 tháng năm 2024

Dự báo nào cho xuất khẩu rau, quả năm 2025?

Xuất khẩu bền vững sang EU: Nâng cao giá trị sản phẩm để 'thoát kiếp' gia công