Quảng Nam: Đề nghị thống nhất mô hình thí điểm chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025 Đưa hàng trăm sản phẩm OCOP Quảng Nam đến với người dân Thủ đô Hà Nội |
Đề xuất đổi dự án vì gặp khó
Trước đó, tỉnh Quảng Nam có đề xuất gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) xem xét cho thay đổi mô hình thí điểm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2023 – 2025 từ dự án "Xây dựng mô hình sản xuất sản phẩm OCOP từ đẳng sâm gắn với phát triển nguồn nguyên liệu hợp chuẩn và bền vững tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam" sang dự án “Xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP Du lịch cộng đồng làng cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam”.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, quá trình rà soát trên địa bàn tỉnh, không có địa phương nào đăng ký xây dựng “Mô hình thí điểm phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương, phát triển chế biến quy mô nhỏ và vừa (theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ)...". Vì vậy, để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ NN&PTNT thống nhất mô hình “Phát triển sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng làng cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước”.
Làng cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước |
Lý do Quảng Nam đề xuất thay đổi dự án “Sản xuất sản phẩm OCOP từ Đẳng sâm gắn với phát triển nguồn nguyên liệu hợp chuẩn và bền vững tại huyện Tây Giang" sang dự án khác vì quá trình triển khai, UBND huyện Tây Giang báo cáo gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Chưa có quỹ đất bố trí xây dựng nhà máy đạt chuẩn GMP, dự án mới phát sinh trong năm 2023 nên chưa có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2023.
Ngoài ra, thời gian triển khai dự án ngắn trong khi các thủ tục về đầu tư phải đảm bảo đúng quy định hiện hành nên không thể đáp ứng thời gian theo yêu cầu. Hơn nữa, việc lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực thực hiện dự án khó khăn, đơn vị tư vấn từ chối tham gia với lý do: Đây là dự án lớn, các mắt xích của chuỗi (vận hành nhà máy GMP, đầu ra chưa rõ, nguồn nhân lực tại chỗ chưa có khả năng đáp ứng trình độ chuyên môn…) khó đảm bảo kết quả theo mục tiêu của Bộ NN&PTNT. Do đó, UBND huyện Tây Giang có văn bản xin không thực hiện dự án này.
Vì sao Bộ NN&PTNT không thống nhất với đề nghị của Quảng Nam?
Về vấn đề này, mới đây Bộ NN&PTNT đã có ý kiến không thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam.
Theo Bộ NN&PTNT, trước đó tỉnh Quảng Nam đã đăng ký triển khai thí điểm dự án thuộc Nhóm 1 (mô hình thí điểm phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương, phát triển chế biến quy mô nhỏ và vừa).
Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, bộ đã tổng hợp, xác định 30 mô hình thí điểm (10 mô hình/Nhóm) tại 30 tỉnh, trong đó đã xác định rõ tính đại diện vùng, miền và phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng địa phương. Đồng thời, Bộ NN&PTNT đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương cho Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tiêu chí phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương cho 3 Nhóm mô hình thí điểm là khác nhau, phù hợp với yêu cầu, mục tiêu của từng Nhóm mô hình.
Sau đó, Bộ NN&PTNT tiếp tục có văn bản đề nghị một số tỉnh xem xét, rà soát và bổ sung mô hình đăng ký để phù hợp với yêu cầu.
Đến tháng 4/2023, UBND Quảng Nam có văn bản xin đăng ký 2 mô hình thí điểm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025, gồm mô hình “Phát triển sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng Làng Cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước” và mô hình “Sản xuất sản phẩm OCOP từ Đẳng sâm gắn với phát triển nguồn nguyên liệu hợp chuẩn và bền vững tại huyện Tây Giang”.
Cây đảng sâm tại huyện Tây Giang |
Tuy nhiên, mô hình “Phát triển sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng Làng Cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước” không phù hợp với yêu cầu nên Bộ NN&PTNT đã lựa chọn mô hình “Sản xuất sản phẩm OCOP từ Đẳng sâm gắn với phát triển nguồn nguyên liệu hợp chuẩn và bền vững tại huyện Tây Giang” để ban hành danh mục mô hình thí điểm (đợt 2).
“Như vậy, đề nghị thay đổi mô hình từ Nhóm 1 sang Nhóm 3 sẽ ảnh hưởng đến định hướng, mục tiêu và tính đại diện vùng, miền của Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, đồng thời không phù hợp với nguồn vốn ngân sách trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ và thông báo cho các tỉnh, thành phố tại Quyết định số 147/QĐ-TTg”, Bộ NN&PTNT phản hồi.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn để tiếp tục tổ chức triển khai mô hình "Phát triển sản phẩm OCOP từ đẳng sâm gắn với phát triển nguồn nguyên liệu hợp chuẩn và bền vững tại huyện Tây Giang" nhằm đảm bảo kết quả theo yêu cầu của Chương trình, thời gian và tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương theo quy định.
Trường hợp cần thiết phải thay đổi danh mục mô hình, đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam giao cho các cơ quan, đơn vị nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản, rà soát tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là 259 sản phẩm OCOP đã được công nhận, trong đó có mô hình đã đăng ký trước đó để xác định mô hình thay đổi phù hợp. Văn bản đề xuất gửi về Bộ NN&PTNT trước ngày 10/11/2023 để xem xét, quyết định.
Sau thời gian trên, nếu UBND tỉnh Quảng Nam không có văn bản đề xuất mô hình phù hợp thì được hiểu là tỉnh Quảng Nam tiếp tục triển khai mô hình thí điểm đã được phê duyệt.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 5/11 Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết sau khi nhận được ý kiến đối với đề nghị thay đổi mô hình thí điểm thuộc Chương trình OCOP (Lần 2) của Bộ NN&PTNT, tỉnh đã có văn bản đề nghị Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh nghiên cứu, chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan rà soát, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục tổ chức triển khai mô hình “Phát triển sản phẩm OCOP từ đẳng sâm gắn với phát triển nguồn nguyên liệu hợp chuẩn và bền vững tại huyện Tây Giang” theo quy định. Kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền. “Trường hợp cần thiết phải thay đổi danh mục mô hình, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn của Trung ương, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức rà soát, xác định mô hình thay đổi phù hợp, tham mưu UBND tỉnh (trước ngày 08/11/2023) đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, quyết định”, văn bản nêu rõ. |