Quảng Bình: ''Gỡ'' khó từ hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng các thị trường xuất khẩu
Xây dựng mặt hàng chủ lực dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh
Chia sẻ về tình hình, thực trạng xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất, nhập khẩu khu vực miền Trung, tại TP. Đà Nẵng vừa qua, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phan Hoài Nam cho biết, hiện nay số lượng doanh nghiệp của tỉnh Quảng Bình tham gia hoạt động xuất nhập khẩu khoảng 45 doanh nghiệp, thị trường chủ yếu là các nước Đông Nam Á (hưởng các ưu đãi từ Hiệp định ATIGA), có một số ít các doanh nghiệp có khả năng xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc…, còn lại phần lớn được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch hoặc xuất ủy thác qua các đơn vị trung gian với thị trường chính là Trung Quốc.
Các hình thức xuất khẩu trong thương mại biên giới qua địa bàn tỉnh chủ yếu là xuất khẩu kinh doanh, xuất khẩu hàng có nguồn gốc nhập khẩu, xuất khẩu ủy thác, xuất khẩu hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất.
Bên cạnh đó, một số cơ sở kinh doanh buôn bán sản phẩm nông sản chủ yếu được thu mua bán lại cho doanh nghiệp xuất khẩu của các tỉnh hoặc tham gia hoạt động trao đổi mua bán với thị trường Lào, Đông bắc Thái Lan thông qua cư dân biên giới (5 tháng đầu năm 2024 UBND tỉnh Quảng Bình công bố danh sách thương nhân được hoạt động thương mại biên giới cho 04 thương nhân).
Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Hoài Nam. Ảnh: Trung tâm KC-XTTM |
Chia sẻ về kết quả hoạt động xuất nhập khẩu, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 381,6 triệu USD (tăng 12,6% so cùng kỳ), trong đó xuất khẩu ước đạt 179,6 triệu USD, nhập khẩu khoảng 202 triệu USD; kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2024 230 triệu USD, trong đó xuất khẩu ước khoảng 78,7 triệu USD, nhập khẩu khoảng 154,4 triệu USD".
Hàng hóa xuất khẩu gồm: Vật liệu xây dựng, dăm gỗ, gỗ chế biến, hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, hàng may mặc…
Hàng hóa nhập khẩu gồm: Trái cây các loại, trâu bò sống, lợn sống, gà sống, phân bón kali, gạo các loại, thiết bị nhập khẩu phục vụ đầu tư các dự án, nguyên liệu sản xuất…
Để phát triển hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, theo ông Nam, thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều kế hoạch để tập trung phát triển sản xuất, áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, xây dựng mặt hàng chủ lực dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh phục vụ cho xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hàng hoá, hồ sơ thủ tục pháp lý khi tham gia thị trường xuất khẩu.
Tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp áp dụng bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng để nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế gắn kết chặt chẽ với phát triển bền vững.
Mở rộng quy mô, ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng chủ lực; đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Quảng Bình.
Nâng cao chất lượng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, tăng số lượng xuất khẩu chính ngạch, phát triển thương hiệu sản phẩm, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khai thác, mở rộng các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu; đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật về hải quan đáp ứng yêu cầu của các FTA; hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp để kịp thời tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại nhằm phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại, thâm nhập các thị trường mới, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu truyền thống.
Thúc đẩy liên kết vùng trong xúc tiến thương mại
Nhằm thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ phát triển xuất khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng và các tỉnh, thành phố khu vực Bắc trung bộ và duyên hải Trung bộ nói chung, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình cho biết, Sở đã đưa ra kiến nghị, đề xuất với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan với một số nội dung trọng tâm:
Theo đó, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Giao thông Vận tải, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố khu vực Bắc trung bộ và duyên hải Trung bộ trong việc kêu gọi xúc tiến đầu tư xây dựng Hệ thống cảng biển và hệ thống các dịch vụ logicstic trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Sở Công Thương Quảng Bình đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phê duyệt hỗ trợ tỉnh Quảng Bình các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hoá. Ảnh: BT |
Đồng thời, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực Bắc trung bộ và duyên hải Trung bộ trong việc lập quy hoạch và tổ chức xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, cấp mã vùng trồng, chứng chỉ rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để tận dụng các tiềm năng, thế mạnh của vùng trong sản xuất, chế biến các mặt hàng xuất khẩu về nông, lâm, thủy hải sản.
Sở cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính (Tổng cục Hải Quan) hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực Bắc trung bộ và duyên hải Trung bộ về các cơ chế, chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế xuất khẩu; các thủ tục hải quan về xuất nhập khẩu, các quy định liên quan đến thương mại biên giới và cửa khẩu;
Bên cạnh đó, phối hợp các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố khu vực Bắc trung bộ và duyên hải Trung bộ tổ chức các Hội nghị và đối thoại chuyên đề về: Kinh tế biển; phát triển hệ thống dịch vụ logicstic; kinh tế cửa khẩu gắn với phát triển hành lang kinh tế Đông – Tây, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặc biệt, đề nghị Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến Thương mại tiếp tục phê duyệt hỗ trợ tỉnh Quảng Bình các chương trình, đề án đăng ký hàng năm về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức và kinh nghiệm cho các đơn vị doanh nghiệp trong tỉnh về xuất, nhập khẩu; hội nhập kinh tế quốc tế; tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối giao thương cấp khu vực trong nước và quốc tế.
Để tháo gỡ khó khăn, tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị, các đơn vị chức năng của Bộ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, trao đổi về những phương pháp hoặc hướng tháo gỡ các vấn đề các địa phương trong vùng đang còn vướng mắc đối với hoạt động liên kết phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại.