Quản lý hóa chất hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững
Ngày 30/6, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị tổng kết 13 năm thi hành Luật Hóa chất. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Áp dụng Hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu việc sử dụng và giảm phát thải các hóa chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) và hóa chất nguy hại”.
Luật Hóa chất - 13 năm thi hành ổn định
Báo cáo đánh giá sơ bộ 13 năm thi hành Luật Hóa chất, bà Nguyễn Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất - cho biết, Luật Hóa chất đã được sửa đổi, bổ sung một lần theo Luật số 28/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch. Tuy nhiên việc sửa đổi này chỉ bao gồm bãi bỏ các nội dung liên quan đến quy hoạch ngành hóa chất để phù hợp với Luật Quy hoạch, không thay đổi đối tượng, phạm vi hay các chính sách quản lý hóa chất của Luật. “Như vậy, đến nay, Luật Hóa chất đã có 13 năm thi hành ổn định, là một trong những Luật có thời gian thi hành ổn định lâu nhất”- bà Nguyễn Kim Liên chia sẻ.
Trên cơ sở Luật Hóa chất và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật, công tác quản lý hóa chất đã đi vào cuộc sống. Các cơ quan quản lý hóa chất từ trung ương đến địa phương đều có định hướng quản lý rõ ràng cùng bộ máy giúp việc thành hệ thống. Các tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có ý thức tuân thủ các quy định của Luật Hóa chất từ khâu đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, vận chuyển, cất giữ, bảo quản, sử dụng hóa chất. Việc chấp hành các quy định của Luật Hóa chất đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Cục trưởng Cục Hóa chất - phát biểu tại hội nghị |
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của ngành hóa chất đang bộc lộ những hạn chế của các chính sách tổng thể quản lý an toàn về môi trường đối với hóa chất. “Cùng với quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm chưa đầy đủ; nhận thức yếu kém của nhiều tổ chức, cá nhân về rủi ro đối với sức khỏe và môi trường của hóa chất, đã dẫn đến việc Việt Nam phải đối mặt với sự gia tăng đáng kể ô nhiễm môi trường, cũng như các sự cố tràn đổ và rò rỉ liên quan đến hóa chất...” - đại diện lãnh đạo Cục Hóa chất nêu vấn đề.
Dưới góc độ địa phương, ông Lưu Đức Tùng - Trưởng phòng Kỹ thuật an toàn công nghiệp, Sở Công Thương Thanh Hóa - nêu cụ thể những vướng mắc: Luật Hóa chất và các văn bản dưới Luật chưa quy định cụ thể về việc thiết lập khoảng cách an toàn hóa chất từ khu vực sản xuất, cất giữ tới các điểm dân cư, công trình công cộng... Vì vậy, các cơ sở hoạt động hóa chất cũng như cơ quan quản lý Nhà nước gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện. “Bên cạnh đó, Bộ Công Thương chưa ban hành các quy định an toàn trong hoạt động sang, chiết hóa chất cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, cất giữ, bảo quản, vận chuyển các hoạt chất nguy hiểm dạng hỗn hợp (như cồn đốt, các loại dung môi trong ngành sơn, mực in,…) gây khó khăn trong công tác quản lý an toàn hóa chất đối với các hoạt động nêu trên” - ông Lưu Đức Tùng chỉ ra.
Bà Nguyễn Kim Liên - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất - báo cáo sơ bộ 13 năm thi hành Luật Hóa chất |
Nâng cao công tác quản lý hóa chất an toàn, thân thiện môi trường
Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong hoạt động hóa chất, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và hội nhập kinh tế quốc tế, việc nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung thay thế Luật Hóa chất là thực sự cần thiết.
Để có cơ sở cho việc xây dựng Luật Hóa chất (thay thế), Cục Hóa chất thời gian qua đã phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu, rà soát, đánh giá việc thi hành Luật Hóa chất. Cục cũng đã sơ bộ lấy ý kiến khảo sát của cộng đồng doanh nghiệp, các bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về đánh giá thi hành Luật. Các ý kiến này được Cục tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp để làm cơ sở cho việc xây dựng Luật Hóa chất.
Đại diện Dự án Hóa học xanh phân tích chi phí lợi ích khi áp dụng Hóa học xanh |
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất - cho biết, ngành hóa chất Việt Nam cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Theo thống kê, số lượng hóa chất có mặt tại Việt Nam hiện nay đã hơn 53.000 chủng loại, có hàng trăm cơ sở sản xuất hóa chất, hàng nghìn cơ sở kinh doanh và sử dụng hóa chất.
Theo đó, để công tác quản lý hóa chất phát huy hiệu quả, những ý kiến trao đổi của các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước tại hội nghị và ý kiến khảo sát của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Hóa chất mới tiên tiến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành, trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động hóa chất, hướng tới các tiêu chí tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. “Cụ thể, xây dựng Luật Hóa chất mới phù hợp với thực tiễn hoạt động hóa chất tại Việt Nam phát triển công nghiệp hóa chất xanh, hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn cho con người; các sản phẩm công nghiệp hóa chất có thương hiệu, uy tín, có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”- lãnh đạo Cục Hóa chất nhấn mạnh.
Ý kiến trao đổi của các chuyên gia, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước tại hội nghị |
Bên cạnh đó, Luật Hóa chất mới phải được xây dựng đúng tinh thần đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động hóa chất tại Việt Nam và thông lệ quốc tế, xu hướng quản lý hóa chất trên thế giới hiện nay, các điều ước và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hóa chất, trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động hóa chất, đảm bảo an toàn cho người, tài sản, hệ sinh thái và môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Việc sửa đổi Luật Hóa chất 2007 được định hướng là phải đảm bảo vừa tăng cường hiệu lực quản lý vừa tạo môi trường đầu tư, sản xuất các sản phẩm hóa chất xứng đáng với vai trò là ngành công nghiệp nền tảng, góp phần tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. |