Quản lý cơ sở dữ liệu người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Khắc phục rủi ro
Mỗi người lao động đi làm việc tại nước ngoài sẽ có 1 mã số. Mã số lao động là số thẻ Căn cước công dân hoặc số chứng minh nhân dân của người lao động.
Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài góp phần giảm sức ép về việc làm |
Số liệu của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho thấy: Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hàng năm. Tính riêng trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người, cụ thể: Năm 2016 có 126 nghìn người, năm 2017 là 135 nghìn, năm 2018: 143 nghìn; năm 2019: 152 nghìn; riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm xuống còn hơn 78 nghìn người.
Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo, giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, nông nghiệp, thủy sản... tập trung ở các thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông, Malaysia... Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ góp phần giải quyết việc làm, giảm sức ép về việc làm cho người lao động trong nước mà còn nâng cao đời sống của người lao động, gia đình.
Tuy nhiên, việc thiếu thông tin về công việc, thị trường lao động tại đất nước mà người lao động sẽ đặt chân đến… đã nảy sinh không ít tiêu cực, thiệt hại lớn cho người lao động. Thảm kịch 39 người bị chết trong container ở Anh năm 2019 là ví dụ điểm hình về thực trạng người Việt Nam đi lao động “chui” tại nước ngoài.
Vì vậy, nhiều chuyên gia nhận định, việc quản lý, vận hành, cập nhật, chia sẻ cơ sở dữ liệu xây dựng, hình thành một hệ thống cơ sở dữ liệu với tất cả các nội dung cần thiết, đáng tin cậy, được cập nhật thường xuyên để cung cấp kịp thời cho người lao động trước, trong và sau khi đi lao động về. Đồng thời, có cơ chế cung cấp thông tin hiệu quả để người lao động được tiếp cận thông tin dễ dàng nhất, hoặc hệ thống sẽ chủ động cung cấp thông tin cho người lao động nhanh nhất khi cần. Điều này góp phần giảm chi phí, tránh tình trạng lừa đảo người lao động; tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài...
Theo dự thảo, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đăng ký tài khoản trên Hệ thống cơ sở dữ liệu tại địa chỉ dichvucong.molisa.gov.vn. Doanh nghiệp đề nghị cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo Điều 12 Luật thực hiện theo các bước: Đăng nhập tài khoản và truy cập vào mục “Cấp giấy phép” để cập nhật thông tin theo mẫu văn bản đề nghị cấp giấy phép; ký số vào mẫu đề nghị cấp giấy phép và đăng tải các tài liệu kèm theo; tình trạng xử lý hồ sơ đề nghị cấp giấy phép được hiển thị trên Hệ thống cơ sở dữ liệu. Trường hợp hồ sơ đáp ứng, hệ thống sẽ hiển thị trạng thái chấp thuận chờ phê duyệt giấy phép. Nếu hồ sơ chưa đáp ứng, hệ thống sẽ hiển thị thông tin chưa đáp ứng, doanh nghiệp có thể điều chỉnh, cập nhật hồ sơ 2 lần. Trường hợp doanh nghiệp không điều chỉnh, cập nhật, hệ thống sẽ tự động xóa hồ sơ. Bản chính giấy phép được trả trực tiếp tại bộ phận một cửa của Cục Quản lý lao động ngoài nước, hoặc qua dịch vụ bưu chính.
Dự thảo cũng nêu rõ, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người lao động xuất cảnh và hàng tháng, phải cập nhật thông tin về người lao động do doanh nghiệp đưa đi trên Hệ thống cơ sở dữ liệu cho đến khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày giao nhiệm vụ cho chi nhánh, chấm dứt giao nhiệm vụ cho chi nhánh, hoặc chi nhánh chấm dứt hoạt động thì phải cập nhật thông tin về chi nhánh trên Hệ thống cơ sở dữ liệu.
Dự kiến năm 2021, sẽ có khoảng 90.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài có hợp đồng; những năm tiếp theo, hàng năm sẽ có khoảng 120 - 150 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài. |