Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn |
Đào tạo nghề là yếu tố then chốt
Ông Đỗ Hồng Phương - Giám đốc Trung tâm Khuyến công, tư vấn và tiết kiệm năng lượng Phú Thọ -cho biết: Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2015 trung tâm sẽ đào tạo khoảng 4.650 lao động cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ 2.100 học viên tham gia các khóa bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý và nâng cao nhận thức về lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Đó là một trong những yếu tố quan trọng để đi đến thành công trong hoạt động công nghiệp địa phương. Không những vậy, trong những năm qua, khuyến công Phú Thọ được các cấp tổng kết, đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác đào tạo nghề, bởi hàng năm đã đào tạo được hàng ngàn lao động có nghề và có việc làm tại chỗ.
Không chỉ dừng lại việc đào tạo nghề, cũng trong năm 2015, trung tâm sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng 3 mô hình trình diễn kỹ thuật trong việc áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 37 cơ sở CNNT đầu tư mới, đầu tư mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất sản phẩm.
Bên cạnh đó, trung tâm còn ưu tiên các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, ưu tiên hỗ trợ sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ và sử dụng nhiều lao động tại các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hay các xã điểm về xây dựng nông thôn mới.
Ưu tiên có trọng tâm
Theo ông Đỗ Hồng Phương, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp nông thôn, trung tâm sẽ ưu tiên kinh phí khuyến công cho các chương trình, dự án phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, cơ khí, hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động.. tại địa bàn huyện nghèo như Tân Sơn, hoặc các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn như Thanh Sơn, Yên Lập. Bên cạnh đó, kinh phí khuyến công cũng sẽ ưu tiên hỗ trợ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển các sản phẩm lợi thế của tỉnh như: giấy, hóa chất, phân đạm... và phục vụ du lịch Đền Hùng, cũng như ưu tiên sản xuất các sản phẩm đặc trưng của Phú Thọ như ché để phục vụ du lịch về cội nguồn dân tộc.
Ông Đỗ Hồng Phương - Giám đốc Trung tâm Khuyến công, tư vấn và tiết kiệm năng lượng Phú Thọ: “Để hoạt động khuyến công đi vào trọng tâm, có ý nghĩa tác động khuyến khích đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, sản phẩm công nghiệp lợi thế của tỉnh thì, việc hoàn thiện cơ sở vật chất và nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác khuyến công từ tỉnh đến cơ sở cần được các cấp hỗ trợ nhiều hơn”. |