Phong trào thi đua phải thiết thực, có chiều sâu
Xin ông cho biết điểm nhấn quan trọng trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Điện những năm qua?
Các hoạt động phong trào thi đua yêu nước của ngành điện những năm qua rất sôi nổi, đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực chứ không mang tính hình thức. Mỗi khối đều có phong trào thi đua nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh do chuyên môn và công đoàn phát động. Điển hình là các phong trào: giảm tổn thất điện năng, Trạm biến áp và đường dây kiễu mẫu, áp giá điện chuẩn, tăng độ tin cậy lưới điện, Sửa chữa đảm bảo an toàn - chất lượng - tiến độ, nhân viên kinh doanh điện lực giỏi, thu nhân giỏi, ca vận hành an toàn kinh tế, phong trào 5S… Có thể nói, các phong trào thi đua đã góp phần rất lớn thúc đẩy tinh thần hăng say lao động sản xuất, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình....
Song song với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua truyền thống, Công đoàn EVN đặc biệt chú trọng việc tổ chức phong trào phải gắn chặt với chủ trương, mục tiêu của EVN, gắn với hoạt động sản xuất, đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của ngành. Hầu hết các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, cải tiến hợp lý hóa sản xuất đều được người lao động ủng hộ và tham gia nhiệt tình.
Theo ông, đâu là những khó khăn trong hoạt động phong trào của công đoàn điện lực?
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích, nhưng đánh giá một cách nghiêm túc, tôi thấy đôi khi phong trào thi đua vẫn mang nặng tính hô hào là chính, chưa khuyến khích, cuốn hút được nhiều người lao động cùng tham gia. Nhiều phong trào thi đua chưa được các đơn vị quan tâm đúng mức. Ví dụ, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật là nội dung rất quan trọng vì nó gắn với công việc của từng người, đề cao tính cá nhân trong lao động sản xuất. Vấn đề này các đơn vị ở phía Nam làm rất tốt, nhưng ở miền Trung và miền Bắc chưa được quan tâm đúng mức. Đây cũng là nhiệm vụ mà Công đoàn EVN đang tiếp tục khắc phục.
Mặt khác, mỗi năm, ngành điện có hàng trăm, hàng nghìn sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, thời gian nhưng số sáng kiến được công nhận ít vì thủ tục hành chính rườm rà. Người lao động chỉ biết nghiên cứu, phát huy sáng kiến, mà không quen với việc viết đề tài theo hướng dẫn, quy định nên số sáng kiến được báo cáo không nhiều.
Ngoài ra, một số khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng họat động phong trào là do áp lực công việc nhiều quá trong khi không được tuyển lao động thêm. Cộng thêm phần khen thưởng không kịp thời, chưa xứng đáng với công sức bỏ ra. Đó là chưa kể, các hoạt động phong trào từ việc phát động, sơ kết, tổng kết, khen thưởng thi đua đều cần đến kinh phí nhưng nguồn kinh phí của công đoàn đều rất hạn hẹp.
Để khắc phục những tồn tại, định hướng hoạt động của Công đoàn EVN trong giai đoạn tới là gì?
Công đoàn EVN sẽ đẩy mạnh hoạt động phong trào vì đây là 1 biện pháp quản lý, tăng năng suất lao động, nhất là hiện nay có nhiều lao động trẻ, nếu tập hợp được lực lượng này tham gia tích cực chắc chắn các phong trào thi đua sẽ mang lại hiệu quả tốt, hạn chế bớt tiêu cực, tính, kỷ luật chưa cao. Các phong trào thi đua sẽ tập trung hướng về cơ sở, có hiệu quả, không dàn trải vì kinh phí không đủ. Vì vậy, phải lựa chọn, nhất là các công trình trọng điểm có mốc thời gian, tiến độ, có cơ chế khen thưởng nên phải thay đổi cách làm, phối hợp ngay từ đầu. Ví dụ, phong trào thi đua xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu; Huội Quảng - Bản Chát; gắn tụ bù đường dây 500 kV; các công trình nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân; phong trào nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng; phong trào thi đua bảo đảm an toàn lao động, không để xảy ra tai nạn lao động trong sản xuất kinh doanh. Tập trung vào phong trào thi đua thiết thực gắn với gắn với công việc, thu nhập, nâng cao đời sống của người lao động. Các điển hình tiên tiến sẽ được động viên khen thưởng, vinh danh kịp thời.
Trân trọng cảm ơn ông.