Xác định rõ nhiệm vụ thi đua phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã phát động và triển khai có hiệu quả nhiều phong trào thi đua lớn, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Nhiều phong trào thi đua được các ngành triển khai hiệu quả, tạo thương hiệu riêng của tỉnh Đồng Tháp |
Đồng Tháp có 18 khối, cụm thi đua (15 khối và 3 cụm) với 184 cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc tham gia. Việc phân chia khối, cụm thi đua phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong cùng một khối, cụm thi đua; hoạt động các khối, cụm thi đua đã từng bước đi vào nề nếp, hiệu quả; việc ký kết giao ước thi đua, đăng ký danh hiệu thi đua ở từng khối, cụm thi đua được thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên; công tác thi đua, khen thưởng dần đi vào nền nếp và có bước phát triển mới.
Xác định rõ việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng thu ngân sách trên địa bàn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ suất sinh, số lao động được giải quyết việc làm... Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã phát động 63 phong trào thi đua chuyên đề lập thành tích chào mừng các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn hằng năm; các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhận được sự hưởng ứng của đảng viên, nhân dân, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội.
Từ việc đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh đã có 98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 83,76% (vượt chỉ tiêu chung 65% của toàn quốc, vượt so với chỉ tiêu 51% của kế hoạch tỉnh). Trong đó có 37 xã điểm giai đoạn 2016 - 2020 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100% kế hoạch của tỉnh). Các phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”… được triển khai rộng rãi, đạt hiệu quả cao, góp phần quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại - dịch vụ, xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính, an sinh xã hội của tỉnh Đồng Tháp.
Trong giai đoạn vừa qua, tình hình kinh tế có bước phát triển khá toàn diện, quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, ước năm 2020 đạt gần 87.300 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với năm 2015, xếp vào hàng khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 05 năm (2016 - 2020) ước đạt 6,44%/năm (theo giá so sánh năm 2010), đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong GRDP khoảng 21,27%.
Đến cuối năm 2020, GRDP bình quân đầu người ước đạt 54,5 triệu đồng (tương đương 2.292 USD), gấp 1,55 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực 2 và khu vực 3. Xã hội tiếp tục được duy trì ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều mô hình sản xuất mới được hình thành, thay đổi cơ bản về phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập của người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng (trong đó, khu vực thành thị là 51 triệu đồng, khu vực nông thôn là 45,6 triệu đồng), hình ảnh địa phương được cải thiện đáng kể.
Các hoạt động văn hóa, y tế, giáo dục, việc làm cũng được triển khai toàn diện và đạt được hiệu quả cao, thiết thực. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,28% (tương đương mức giảm 1,74%/năm).
Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều điển hình cá nhân, tập thể tiên tiến được tuyên dương, khen thưởng. 05 năm qua, UBND tỉnh đã tuyên dương công nhận, khen thưởng 19.529 trường hợp (cụ thể: 2.605 tập thể lao động xuất sắc; 477 Cờ thi đua; 6.280 tập thể và 10.197 cá nhân được tặng Bằng khen; công nhận 633 Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh) và nhiều hình thức tuyên dương, khen thưởng khác cho các tập thể và cá nhân, kể cả người nước ngoài đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt, trong 05 năm qua đã giới thiệu, nhân rộng trên 320 mô hình điển hình tiên tiến cấp tỉnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.