Tham dự Đại hội có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các điển hình tiên tiến đại diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công nghiệp, nông nghiệp, khoa học công nghệ...; các thành phần tôn giáo, dân tộc, nhân sĩ, trí thức, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ nhân, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội |
Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương khẳng định: Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng chưa từng thấy với nhiều nội dung phong phú, sinh động, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tiếng hát át tiếng bom”. Chúng ta thấy nhiều hình ảnh cảm động, nhân văn, những tấm gương đa dạng trong nhiều lĩnh vực…
Có thể nói, các phong trào thi đua đã góp phần quan trọng vào việc động viên sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, khơi dậy được tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hun đúc ý chí mạnh mẽ, khát vọng hùng cường của dân tộc ta. Thi đua giờ đây trở thành điều rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Tinh thần thi đua vượt lên chính mình chính là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển.
Điểm lại những thành tựu nổi bật của đất nước trong 5 năm qua gắn với các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực, ở mọi tầng lớp nhân dân, đoàn thể, doanh nghiệp..., Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Đại hội là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trên cơ sở tiếp nối và phát huy những truyền thống tốt đẹp, những thành quả quý báu mà cha ông ta bao thế hệ đã giành được trong suốt 72 năm qua. Đồng thời, Đại hội còn có ý nghĩa quan trọng động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo khí thế và động lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc thứ XIII, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng, dân chủ, công bằng và văn minh.
Báo cáo của Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương cho thấy, trong 5 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, phong trào thi đua và công tác khen thưởng thực sự có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần tạo ra những kết quả to lớn cho nền kinh tế xã hội một cách toàn diện. Nền kinh tế không những đạt mức tăng trưởng cao, mà cơ cấu kinh tế còn tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển; quốc phòng – an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được củng cố, phát triển. Đời sống của nhân dân được nâng cao.
Các phong trào thi đua yêu nước đã tập trung hướng về cơ sở và người lao động, gắn kết chặt chẽ với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành động lực quan trọng, thực sự đi vào cuộc sống, khơi dậy, động viên, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Tiêu biểu là 4 phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc |
Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” cũng về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều).Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020 đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Tính đến tháng 10/2020, cả nước có 5.358 xã (60,3%) đạt chuẩn nông thôn mới và 162 đơn vị cấp huyện (24,4%) của 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; có 9 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình đã hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 2 năm. Qua phong trào, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn được đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện; tư duy, nhận thức của cán bộ và nhân dân trong xây dựng nông thôn mới ngày càng chuyển biến rõ nét, người dân ý thức được xây dựng nông thôn mới là xây dựng đời sống mới cho chính mình, mình là chủ thể, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tự giác cao trong tổ chức thực hiện.
Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” đã được các cấp, các ngành triển khai tích cực. Đặc biệt, năm 2020, trong điều kiện rất khó khăn do dịch Covid-19 và khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng, nhưng số doanh nghiệp thành lập mới từ năm 2016 đến nay liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tính đến tháng 10/2020, toàn quốc có hơn 799.500 doanh nghiệp đang kinh doanh, tăng 41.967 doanh nghiệp (5,54%) so với thời điểm ngày 31/12/2019.
Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” cũng tạo nên những chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người lao động một cách toàn diện, tạo niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, còn có nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động do ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành phố, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã - hội phát động, triển khai như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, "Lao động giỏi, lao động sáng tạo”…
Đại hội có sự tham dự của 2.300 đại biểu |
Qua các phong trào thi đua yêu nước đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, được các ngành, các cấp khen thưởng, tôn vinh; nhiều mô hình được xây dựng có hiệu quả, ngày càng được nhân rộng, huy động được tiềm năng, sức sáng tạo và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, đóng góp to lớn vào thành tựu 35 năm đổi mới, tô thắm thêm truyền thống yêu nước và vận dụng sáng tạo tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất".
Trong 5 năm qua, đã khen tặng 343.727 Huân, Huy chương; 25.920 danh hiệu vinh dự Nhà nước (trong đó bao gồm cả Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sĩ, Nghệ nhân ưu tú, nhân dân); 28 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 73 Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 308 Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh và 390 Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tại Đại hội này, có 2020 đại biểu là những điển hình tiên tiến xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực và đại diện cho các tổ chức, cá nhân được khen thưởng trong nhiệm kỳ qua. Trong đó 60% là những người trực tiếp đang lao động, học tập trên cá lĩnh vực; 24% đại biểu nữ; 19,5% đại biểu trẻ và 9,5% đại biểu các dân tộc thiểu số.
Phát biểu chỉ đạo đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, những thành quả của đất nước trong 5 năm qua có đóng góp rất lớn của các phong trào thi đua. Với nội dung, phương thức đổi mới, triển khai bài bản, các phong trào thi đua đã động viên toàn dân, toàn quân hưởng ứng, hăng say lao động, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trong thời kỳ kháng chiến, đã có nhiều phong trào thi đua như “Ba sẵn sàng, ba đảm đang”, dũng sĩ diệt Mỹ… và mọi thành quả của cách mạng đều gắn liền với việc tổ chức có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước. Ngày nay chúng ta đang kế thừa phát huy nhân rộng các phong trào thi đua trong tình hình mới để xây dựng, bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh việc đánh giá cao kế quả đã đạt được, đặc biệt gửi lời khen ngợi tới tất cả các gươg điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại của công tác thi đua- khen thưởng cần khắc phục trong thời gian tới.
Nhận định về bối cảnh tình hình thế giới và trong nước trong giai đoạn sắp tới vẫn còn khó khăn, phức tạp vì vậy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng công tác thi đua khen thưởng cần có phương hướng đúng và vững, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, đất nước, dân tộc. Đặc biệt tránh hình thức.
Theo đó công tác thi đua khen thưởng giai đoạn tới cần tiếp tục quán triệt thực hiện đường lối của Đảng, Nhà nước về thi đua khen thưởng, nhất là tư tưởng, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực hiện quả, gắn liền với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Nội dung rõ ràng, hình thức đổi mới, tránh hình thức mang lại lợi ích thực sự cho người lao động; Nâng cao công tác thi đua khen thưởng, động viên khen thưởng kịp thời, đúng, công khai, minh bạch; Tiếp tục nhân rộng các điển hình tiên tiến tạo sự lan toả, tạo động lực cho toàn xã hội. Đặc biệt là tránh hình thức.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thi đua yêu nước là chủ trương chiến lược của Đảng, vì vây trong giai đoạn tới, trên cơ sở những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, tin rằng phong trào thi đua yêu nước sẽ tiếp tục đạt được những thành công, thắng lợi mới.