Thứ năm 14/11/2024 12:18

Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp

Việc phát triển khu công nghiệp sinh thái sẽ huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng.

Nhiều địa phương chuyển đổi sang phát triển khu công nghiệp sinh thái

Sáng 15/9, trong khuôn khổ Dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) tổ chức hội thảo “Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam: Chính sách và giải pháp thực hiện”.

Với 403 khu công nghiệp đang hoạt động, việc thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh

Hội thảo nhằm phổ biến các nội dung mới của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, bao gồm các quy định về chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái. Trên kinh nghiệm thực tiễn triển khai khu công nghiệp sinh thái trên thế giới và tại Việt Nam, các quy định về kinh tế tuần hoàn và cung cấp công cụ hỗ trợ việc chuyển đổi và xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái, bao gồm cả các giải pháp kỹ thuật và các công cụ tài chính.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Với 403 khu công nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, việc thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững đưa ra tại COP 26.

Nhấn mạnh cam kết từ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Tại Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ đồng ý, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8% đến 10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư. Việc quan tâm xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái được thực hiện đồng thời với việc chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái.

Đối với định hướng phát triển các khu công nghiệp trong thời gian tới, theo ông Vũ Văn Hoan - Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các khu chế xuất, khu công nghiệp đang hoạt động cần có những định hướng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tính toán chuyển đổi mô hình theo hướng hiệu quả hơn.

“Thành phố sẽ thí điểm xây dựng mới 1 khu công nghiệp sinh thái ngay từ đầu, gắn với công nghiệp 4.0 trên cơ sở lợi thế, điều kiện và khả năng thực hiện” – ông Vũ Văn Hoan thông tin.

Việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái bước đầu đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường cho nền kinh tế

Vai trò của tư nhân trong phát triển khu công nghiệp sinh thái

Trên thực tế, từ năm 2015 đến 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc thí điểm chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), nhằm phát triển công nghiệp từ chiều ngang sang chiều sâu, và thúc đẩy sự liên kết hợp tác trong sản xuất để sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Sau 4 năm triển khai dự án, 72 doanh nghiệptham gia đã áp dụng hơn 900 giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, tiết kiệm được 76 tỷ đồng/năm thông qua việc cắt giảm năng lượng tiêu thụ, các tài nguyên, vật liệu.

Việc thực hiện chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái bước đầu đã đem lại hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường đồng thời huy động được nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đánh giá về vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam trong giai đoạn tới, Ông Werner Bardill - Tổng lãnh sự, Lãnh sự quán Thụy Sỹ tại thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Ở cấp độ khu công nghiệp và doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong đầu tư và thực hiện các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn.

“Chúng tôi hy vọng, ngày càng có nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam tham gia vào quá trình chuyển đổi này để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới” – ông Werner Bardill thông tin.

Từ góc nhìn của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc, bà Lê Thị Thanh Thảo đánh giá cao định hướng và sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển khu công nghiệp sinh thái theo định hướng phát triển kinh tế và công nghiệp bền vững tại Việt Nam.

“Định hướng của Chính phủ Việt Nam về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, phát triển kinh tế theo chiều sâu, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, trong đó có thể nói mô hình khu công nghiệp sinh thái là một minh chứng cụ thể cho những định hướng chính sách đúng đắn này” – bà Lê Thị Thanh Thảo thông tin.

Tuy nhiên, để chuyển đổi từ khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái và phát triển mới khu công nghiệp sinh thái thành công, các chuyên gia kinh tế cho rằng, khu vực tư nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng, đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần có những cơ chế tạo thuận lợi, thu hút khu vực tư nhân tham gia phát triển mô hình này.

Dự án “Triển khai Khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu” có tổng kinh phí là 1.821.800 USD, được triển khai thực hiện trong 3 năm tại 5 tỉnh, thành phố, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng, cụ thể tại các khu công nghiệp: Hiệp Phước, Trà Nóc 1&2, Amata - Biên Hoà, Hoà Khánh và Đình Vũ (Deep C).

Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp và lồng ghép quy định để phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.

Nguyễn Hòa
Bài viết cùng chủ đề: khu công nghiệp

Tin cùng chuyên mục

Mỹ, Nga, Italy sẽ tham gia triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024

Quân khu 1 thực hành diễn tập bắn đạn thật nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu

Sở Công Thương Bình Định trao đổi kinh nghiệm với ngành công thương Vĩnh Long, Long An, Cần Thơ

Bộ Công Thương và Samsung Electronics Việt Nam tổng kết khóa đào tạo kỹ sư khuôn mẫu tại Hàn Quốc

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 2

Sửa đổi Luật Hóa chất: Đưa ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam phát triển xứng tầm - Bài 1

Nhiều tập đoàn nước ngoài muốn tăng tỷ lệ nội địa hoá tại Việt Nam

Cần giải pháp toàn diện để phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng hiện đại và bền vững

Ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử, linh kiện ô tô đang hút đầu tư

Doanh thu ngành vật liệu xây dựng chiếm khoảng 11% GDP quốc gia

Khuyến công Quảng Ngãi dự kiến hỗ trợ cao nhất đến 1 tỷ đồng/doanh nghiệp

Công nghiệp hỗ trợ điện tử: Làm gì để đẩy mạnh xuất khẩu?

Doanh nghiệp dệt may tăng tốc về đích

Bình Định: Phát triển công nghiệp hỗ trợ theo chiều sâu

Viện Nghiên cứu Cơ khí: Tích cực tham gia công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô

Hải Phòng: Kết nối giao thương giữa Hiệp hội ô tô Berlin - Brandenburg và doanh nghiệp

Cà Mau: Hoạt động kinh tế 10 tháng đầu năm ghi nhận nhiều điểm sáng

Tháng 10, sản xuất công nghiệp tăng ở 59 địa phương trên cả nước

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp

Bộ Công Thương: Phổ biến quy chuẩn sản xuất, kinh doanh hóa chất với cơ quan quản lý, doanh nghiệp