Thứ bảy 19/04/2025 12:06

Đồng Nai: Nhiều doanh nghiệp sắp di dời khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1

Nhiều doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Đồng Nai) sắp phải di dời nhà máy để triển khai dự án phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị Biên Hòa.

Nhiều vi phạm về môi trường

Ngày 10/4/2025, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định về việc xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần DNP Holding (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Doanh nghiệp này bị xử phạt 320 triệu đồng do không có giấy phép môi trường theo quy định đối với cơ sở thuộc đối tượng phải có giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.

Ngoài xử phạt hành chính, UBND tỉnh Đồng Nai còn đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường đối với Công ty Cổ phần DNP Holding trong thời hạn 4,5 tháng. Đồng thời, buộc Công ty Cổ phần DNP Holding di dời địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt do không phù hợp với quy hoạch tỉnh Đồng Nai.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam được thành lập từ năm 1963.

Trước đó, ngày 8/4, một doanh nghiệp khác là Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Thái (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, TP. Biên Hòa) cũng bị xử phạt 65 triệu đồng do không có giấy phép môi trường theo quy định.

Hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở trong thời hạn 4,5 tháng kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc di dời cơ sở đến địa điểm phù hợp với quy hoạch, phân vùng môi trường, khả năng chịu tải của môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Đây chỉ là 2 trong số các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 bị kiểm tra, xử phạt, buộc phải di dời nhà máy sản xuất ra khỏi địa điểm này trong thời gian qua.

Buộc di dời trong năm 2025

Ngày 8/4/2025 vừa qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với khoảng 80 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, thuê kho bãi, nhà xưởng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật, nghị quyết về danh mục dự án thu hồi đất của HĐND tỉnh, quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường của UBND tỉnh, trung tâm đã xây dựng và ban hành kế hoạch thu hồi đất.

Theo kế hoạch, tỉnh Đồng Nai sẽ thu hồi 298/320 hécta đất của Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện hữu (phần diện tích còn lại là đất giao thông, công trình công cộng). Mục đích là giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất, đầu tư xây dựng Trung tâm Chính trị - hành chính của tỉnh và xây dựng khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa 1 phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển đô thị Biên Hòa, góp phần thay đổi diện mạo cảnh quan thành phố và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Lộ trình cụ thể là: Đối với khu đất gần 9 hécta (thuộc khu I có diện tích 75 hécta), thu hồi để đấu giá quyền sử dụng đất sẽ hoàn thành trong tháng 7/2025; đối với khu đất 28 hécta thu hồi để xây dựng trụ sở các cơ quan (thuộc khu vực Trung tâm Chính trị - hành chính tỉnh 105 hécta) sẽ hoàn thành trong tháng 7/2025; các khu vực còn lại sẽ hoàn thành trước tháng 12/2025.

Tỉnh Đồng Nai cũng khẳng định, việc thu hồi đất để chuyển đổi công năng khu công nghiệp này là chủ trương lớn của tỉnh, đã có từ nhiều năm. Thời gian qua, một số doanh nghiệp cũng đã chủ động di dời nhà máy đến địa điểm khác và ổn định sản xuất. Hiện tại, tỉnh xác định đây là dự án cấp bách cần triển khai nhanh.

Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam được thành lập từ năm 1963, nhưng đã bộc lộ hạn chế, lại nằm sát sông Đồng Nai nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Hiện nay, bên trong khu công nghiệp Biên Hòa 1, ngoài các nhà máy còn xen lẫn các khu dân cư sinh sống.

Tháng 2/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã quyết định phê duyệt Đề án chuyển đổi Khu công nghiệp Biên Hoà 1 thành Khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường, kinh phí khoảng 7.500 tỉ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tiến Phòng
Bài viết cùng chủ đề: khu công nghiệp

Tin cùng chuyên mục

Bắc Giang: Triệt phá đường dây sản xuất thuốc chuột quy mô 'khủng' làm từ gạo, vỏ trấu

Hiệp hội Sữa Việt Nam cảnh báo thông tin sai lệch về vụ án sữa giả 500 tỷ đồng

Thành phố Huế: Cháy bùng phát ở chợ An Lỗ

Nợ hơn 20 tỷ đồng, Công ty Hoàng Nhâm tại Lai Châu bị cưỡng chế thuế

Công ty Cổ phần IBS tại Long An bị cưỡng chế thuế

Phát hiện 2 doanh nghiệp sử dụng bằng giả để đấu thầu tại Thanh Hóa

Cưỡng chế thuế Chi nhánh Công ty Thanh Hoa tại Tuyên Quang

Cưỡng chế thuế Công ty TNHH Thạch Anh tại Đắk Lắk

Phú Thọ: Bắt khẩn đối tượng 'làm khống' chứng nhận hợp quy

Cưỡng chế thuế Công ty Giấc Mơ Tây Bắc tại Lai Châu

Thanh Hóa: Phạt nặng doanh nghiệp sản xuất hơn 67 tấn phân bón giả

Quảng Ninh: Thượng úy Nguyễn Đăng Khải anh dũng hy sinh khi truy bắt đối tượng ma túy

Đắk Nông: Cưỡng chế thuế Công ty Highland và Công ty Hưng Thịnh

Thanh Hóa: Chủ mỏ đất 'xẻ thịt' đồi Cánh Chim 'đút túi' hơn 13 tỷ

Tuyên Quang: Cưỡng chế thuế Công ty Xây dựng Phú Tuấn

Quảng Trị: Công ty HT Minh Nhật bị cưỡng chế thuế, ngừng sử dụng hóa đơn

Bắt nhóm giang hồ bảo kê chợ Bình Tây, thủ đoạn như Khánh 'trắng'

Thành phố Huế: Khởi tố đối tượng lừa đảo bằng hình thức ôn thi IELTS

Đồng Nai: Công ty hóa chất Dong Lim Vina Chemical bị phạt nặng

Những loại thuốc nào bị làm giả tại 'ổ' thuốc giả 200 tỷ vừa bị triệt phá?