Phát triển hạ tầng thương mại khu vực miền núi: Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù!
Phát triển hạ tầng thương mại miền núi là hoạt động được Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ ngành liên quan và các địa phương rất quan tâm. Ông đánh giá gì về hoạt động này thời gian qua?
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú |
Trong giai đoạn vừa qua, ngoài sự nỗ lực cố gắng các địa phương miền núi, sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ, các bộ ngành, việc phát triển hạ tầng thương mại miền núi, trong đó có phát triển hệ thống chợ đã có nhiều cải thiện.
Như Sơn La đã có đại siêu thị, hàng trăm chợ và 5 trung tâm thương mại. Các địa phương như Lạng Sơn, Lào Cai sở hữu hệ thống hạ tầng thương mại đa dạng, phong phú… Nhờ hệ thống hạ tầng thương mại, tình hình mua bán của người dân khu vực này ngày càng văn minh, thúc đẩy sản xuất phát triển. Nhất là các tỉnh vùng biên luôn, thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia có chung đường biên giới rất sôi động, góp phần củng cố mối quan hệ với các nước bạn.
Nhờ sự phát triển của hệ thống hạ tầng thương mại, đời sống của người dân khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa cải thiện khi đầu ra cho sản phẩm như đặc sản, sản phẩm OCOP… được đảm bảo hơn.
Cần chính sách đặc thù để phát triển hạ tầng thương mại khu vực miền núi |
Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại đã có kết quả, song vẫn còn những khó khăn bất cập làm giảm hiệu quả giao thương khi ở nhiều địa phương, khu vực chợ còn quá xa, các loại hình hạ tầng thương mại hiện đại chưa phát triển mạnh. Quan điểm của ông về vấn đề này là gì?
Chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy thương mại miền núi, cũng như đa dạng các mặt khác phục vụ kinh doanh tại khu vực này, song có thể nói là hạ tầng thương mại miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể như giao thông còn khó khăn, thời gian bà con di chuyển từ các bản làng vùng sâu vùng xa đến chợ còn chậm. Hạ tầng giao thông khó khăn cũng làm tăng chi phí logistics, chi phí vận chuyển hàng hoá, khiến giá bán còn cao.
Ở khu vực miền núi, chợ phiên là hình thức phân phối sẽ còn sống mãi, nhưng thực tế phát triển đòi hỏi cũng phải có những kênh thương mại khác phong phú đa dạng hơn. Nếu như Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La… là những điển hình về phát triển hạ tầng thương mại miền núi thì nhiều địa phương khác, nhất là địa phương không có đường biên giới thì hệ thống chợ còn gặp nhiều khó khăn
Thêm nữa là sức mua ở nhiều khu chợ, đặc biệt là chợ vùng sâu vùng xa còn thấp, chủ yếu tự sản tự tiêu, còn lại là bán ra chợ.
Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cũng nhận xét tổ chức thương mại nói chung ở Việt Nam còn thô sơ, lạc hậu, qua rất nhiều khâu trung gian. Không phải người trồng nào cũng mang đồ ra chợ bán trực tiếp mà phải qua thương lái, gây đội giá sản phẩm.
Ngoài ra, chất lượng đầu tư chiều sâu, chất xám, khoa học công nghệ, kể cả công nghệ số chưa phát triển nên hàng hoá khu vực này còn nghèo nàn, chất lượng không đồng đều, manh mún, nhỏ lẻ. Sự liên kết chuỗi, cùng với sự khó khăn trong đầu tư cơ sở hạ tầng là hạn chế của Việt Nam. Cho nên chúng ta phải có chính sách tốt hơn nữa để đầu tư cơ sở hạ tầng. Phải kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng thương mại thì mới phát triển.
Chương trình phát triển thương mại miền núi vùng sâu vùng xa hải đảo giai đoạn 2021-2025 đã đặt ra mục tiêu đưa tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ở khu vực này tăng trưởng đạt 9-11%/năm. Để đạt mục tiêu này cần giải pháp nào, thưa ông?
Những định hướng này là đúng đắn, nhưng quan trọng là giải pháp và tổ chức thực hiện như thế nào.
Theo tôi chúng tôi phải có cơ chế chính sách về vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại riêng cho khu vực này. Khu vực đặc thù cần chính sách đặc thù. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp có thể đầu tư, góp phần phát triển thương mại khu vực.
Thứ hai là xây dựng mô hình phù hợp với sức mua, quy mô dân số của khu vực. Ta không thể làm đại siêu thị hàng nghìn m2 ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa như ở các thành phố lớn mà chỉ nên làm các khu chợ với quy mô nhỏ hơn, như vậy mới tránh được lãng phí và mang lại hiệu quả cao.
Đặc biệt, thương mại phải gắn với sản xuất. Cho nên phát triển hạ tầng thương mại phải gắn với thực tế sản xuất ở địa phương cũng như phù hợp với việc đưa hàng hoá từ miền xuôi lên. Việc phát triển hạ tầng thương mại miền núi cũng phải gắn với trách nhiệm và sự chia sẻ. Trong khi đó, hình thức mua bán ở Việt Nam hiện nay là mua đứt bán đoạn, ít chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, khiến thương mại đôi khi bị mất niềm tin. Đây là điều cần phải được khắc phục.
Đồng thời, phải chú trọng đầu tư vào hạ tầng giao thông vì khu vực miền núi hạ tầng đường xá đi lại rất khó khăn.
Ngoài ra, phải đầu tư nhân lực cho hạ tầng thương mại. Yếu tố con người là quan trọng nhất, phải có văn hoá kinh doanh, văn hoá phục vụ người tiêu dùng và khách du lịch miền núi. Việc phát triển định hướng thương mại và giải pháp thực hiện là rất quan trọng.
Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp thì xã hội hoá đầu tư cho hạ tầng thương mại miền núi là rất quan trọng. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Hạ tầng thương mại không chỉ giúp cho sản xuất và lưu thông mà còn liên quan đến đầu tư, du lịch thương mại miền núi. Cho nên, để giải quyết bài toán hạ tầng thì phải đa dạng nguồn vốn đầu tư bởi nguồn vốn của doanh nghiệp là rất quan trọng. Muốn vốn của doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này thì các địa phương phải chú trọng cải cách hành chính. Các chính sách phải mở cửa để đón nhà đầu tư. Phải có cam kết lâu dài về ưu đãi chính sách
Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển hạ tầng là quan trọng. Đây là khu vực rất khó khăn cho nên các quy hoạch phải hướng đến chất lượng và lâu dài, tránh việc đầu tư rồi bỏ đi là rất lãng phí.
Ngoài ra, phải khuyến khích đầu tư công nghệ cho hạ tầng thương mại, bao gồm hạ tầng mềm về công nghệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá. Phải đầu tư một cách bài bản để việc phát triển hạ tầng thương mại khu vực này được bền vững.
Xin cảm ơn ông!