Phát triển công nghiệp môi trường: Cần quyết liệt để hoàn thành mục tiêu
Đến năm 2025, ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường trong nước; từng bước tiến tới xuất khẩu các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm bảo vệ môi trường có lợi thế cạnh tranh.
Đó là mục tiêu của “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025”. Như vậy, chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa mục tiêu quan trọng này hết thời hạn nhưng còn nhiều vấn đề đặt ra.
Nhiều hạng mục chưa đáp ứng yêu cầu
Theo Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” đã đưa ra những mục tiêu cụ thể, như: Phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh; năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải, 60 - 70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn, 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải, khoảng 50 - 60% nhu cầu thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải, 40 - 50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường, 60 - 70% nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường, 40 - 50% thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo, 60 - 70% thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, 20 - 30% thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xuất khẩu được 20 - 30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường.
Ngành công nghiệp môi trường được nhìn nhận như một ngành kinh tế gồm sản xuất, kinh doanh và cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực chính là công nghệ, thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường |
Tuy nhiên, đến nay năng lực xử lý cung ứng dịch vụ môi trường nước ta mới đáp ứng được 2 - 3% nhu cầu xử lý nước thải đô thị, 15% nhu cầu xử lý chất thải rắn, khoảng 14% nhu cầu xử lý chất thải nguy hại; nhiều lĩnh vực như tái chế dầu thải, nhựa phế liệu, chất thải điện, điện tử chưa phát triển.
Bên cạnh đó, chưa có chính sách hỗ trợ nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp công nghiệp môi trường tham gia và chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng công nghệ cao. Vì thế, doanh nghiệp công nghiệp môi trường còn hạn chế về số lượng lẫn quy mô, vốn điều lệ.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, bức tranh công nghiệp môi trường sẵn sàng cho thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Mức độ sẵn sàng để doanh nghiệp tham gia công nghiệp môi trường 4.0 mới chỉ đạt 0,14/5. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực và cơ cấu nguồn nhân lực để thực hiện yêu cầu khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa cao, chưa tạo động lực cho thực hiện đổi mới và chuyển sang kinh tế số.
Ngoài ra, công nghiệp môi trường là ngành mới, gần như chưa phát triển ở Việt Nam. Do vậy, để có những sản phẩm công nghiệp môi trường cạnh tranh trên thị trường, đòi hỏi phải nỗ lực hơn nhiều, sản phẩm tạo ra phải cạnh tranh về chất lượng, giá cả, tuổi thọ…
Tập trung vào giải pháp cụ thể
Để hoàn thành mục tiêu “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” khi thời gian không còn nhiều, theo đó, Bộ Công Thương sẽ quyết liệt triển khai những nhiệm vụ được giao tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP, cùng đó tiếp tục tuyên truyền về công nghiệp môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về công nghiệp môi trường. Huy động, tận dụng tối đa nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp môi trường; đào tạo nhân lực, nâng cao nhận thức, năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả các công nghệ mới, sản phẩm mới để phát triển ngành công nghiệp môi trường.
Đồng thời chú trọng xây dựng và phát triển thị trường cho ngành công nghiệp môi trường để thúc đẩy thị trường sản phẩm hàng hóa cho ngành này phát triển, từng bước phát triển ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế không chỉ đáp ứng yêu cầu về xử lý các vấn đề môi trường mà còn đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Bộ Công Thương cũng phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường; Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường. Trên cơ sở đó tiếp tục tuyên truyền về công nghiệp môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về công nghiệp môi trường.
Để thực hiện Đề án này, trước đó Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 1138/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025. Bám sát các đầu mục công việc được Thủ tướng giao thực hiện tại Quyết định số 192/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa thành nhiệm vụ cụ thể, giao các đơn vị thuộc bộ triển khai.
Đến nay, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tăng cường nghiên cứu sản xuất thiết bị quan trắc môi trường, thiết bị xử lý nước thải, lò đốt chất thải, lò hơi phát điện đồng xử lý chất thải, phương tiện thu gom, vận chuyển, phân loại, xử lý chất thải rắn, thiết bị xử lý khí thải...
Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp thông tin thêm, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục cụ thể công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường làm cơ sở đề nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu xử lý các vấn đề môi trường quan trọng, lâu dài, quy mô cấp vùng, quốc gia, quốc tế ảnh hưởng đến phát triển bền vững của đất nước; ngăn ngừa ứng phó sự cố môi trường, thảm họa môi trường.