Phát huy tinh thần doanh nghiệp trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo |
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao - Bùi Thanh Sơn - đã chủ trì và phát biểu khai mạc hội thảo. Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành ở Trung ương, Đại sứ và đại diện Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) với nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị cũ và mô hình kinh doanh cũ, do đó các quốc gia đang phát triển như các nước ASEAN có cơ hội phát triển nhanh, bền vững nếu tạo dựng được môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
Với thị trường hơn 630 triệu người dân, trong đó 260 triệu người thường xuyên truy cập Internet, ASEAN có nền tảng thuận lợi và thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư phát triển nhanh các mô hình kinh doanh mới. Bên cạnh đó, thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo ra cơ hội cho mọi người dân đều có thể khởi nghiệp, đồng thời mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực…
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá, bên cạnh cơ hội phát triển, CMCN 4.0 đặt ra nhiều thách thức cho các nước ASEAN và Việt Nam, theo đó một trong những thách thức lớn là chuyển dịch, thay thế lao động, nhất là trong các ngành sử dụng nhiều lao động do tác động của tự động hóa sâu rộng, tái cơ cấu ngành nghề và thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh.
Thách thức này đặt ra yêu cầu cấp bách đối với giáo dục, đào tạo ở nhiều nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số đòi hỏi đổi mới về tư duy, thể chế và phương thức quản lý nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Tại hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Việt Nam sẽ cùng với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức Hội nghị WEF ASEAN với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” từ ngày 11-13/9/2018 tại Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo nhiều nước trong khu vực cùng đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực.
Hội nghị WEF ASEAN sẽ là một diễn đàn quan trọng cho lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực đánh giá cơ hội, tiềm năng cũng như những vấn đề, thách thức CMCN 4.0 đặt ra đối với các nước ASEAN và các doanh nghiệp trong khu vực, trên cơ sở đó chia sẻ các ý tưởng, tầm nhìn và định hướng chính sách, nhất là chính sách khơi dậy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp ở các nước ASEAN thích ứng với CMCN 4.0. Trong khuôn khổ hội nghị sẽ diễn ra nhiều hoạt động quảng bá kinh tế Việt Nam mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham dự và đóng góp tích cực vào thảo luận như Diễn đàn toàn thể về khởi nghiệp, sáng tạo (ngày 11/9/2018), Hội nghị Thượng đinh kinh doanh (ngày 13/9/2018)…
Phát biểu tại hội thảo, ông Tan Wei Ming, Đại diện lâm thời Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam đã chia sẻ về chủ đề của Năm ASEAN 2018 - “ASEAN tự cường và sáng tạo”. Theo ông Tan, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2018, Singapore mong muốn cùng các nước ASEAN thúc đẩy các hoạt động hợp tác, đối mới để thích ứng với những biến chuyển sâu sắc đang diễn ra trong khu vực và trên thế giới.
Ông Tan đánh giá chủ đề của Hội nghị WEF ASEAN năm nay tại Việt Nam về “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” rất thiết thực, đáp ứng quan tâm chung của các nước ASEAN và nhiều nước trên thế giới, đồng thời gắn kết chặt chẽ với chủ đề của ASEAN năm 2018.
Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia, học giả và doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều đánh giá về cơ hội, thách thức của CMCN 4.0. Hầu hết các ý kiến cho rằng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn xây dựng chính sách, hoàn thiện thể chế, pháp luật, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, phát huy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam và các nước trong khu vực.