Thứ bảy 23/11/2024 06:33

Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật: Điểm sáng Công đoàn Công Thương Việt Nam

Cùng với hoạt động chăm lo cho người lao động, Công đoàn Công Thương VN còn có vai trò quan trọng trong các phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật...

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Trước yêu cầu “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ”, “quan tâm tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về công nhân, công đoàn trong tình hình mới” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, các cấp công đoàn ngành Công Thương đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong tình hình mới.

Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” luôn được các cấp công đoàn quan tâm. Ảnh minh họa

Theo đó hàng năm, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị liên tịch về tổ chức phong trào thi đua. Với đặc điểm là ngành kinh tế đa ngành, các đơn vị trong ngành Công Thương luôn duy trì tốt phong trào thi đua đa dạng, đặc biệt là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm”, “Chống lãng phí, tham ô”, “Bảo đảm vệ sinh an toàn lao động”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”... Tập trung hướng dẫn và tổ chức phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo với mục tiêu “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”.

Từ định hướng của Công đoàn Công Thương Việt Nam, các cấp công đoàn đã vận dụng sáng tạo và tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều hội thi mang tính ngành, nghề phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chú trọng tôn vinh, tăng dần tỷ lệ công nhân lao động trực tiếp được khen thưởng, tặng bằng lao động sáng tạo.

Báo cáo của Công đoàn Công Thương Việt Nam cho thấy, giai đoạn vừa qua đã có nhiều tập thể, cá nhân được các cấp ghi nhận thành tích và biểu dương khen thưởng phong trào thi đua. Riêng phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, các đơn vị trong toàn ngành đã có hơn 150.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi trên 9.000 tỷ đồng, số tiền thưởng cho các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trên 90 tỷ đồng. Ngoài ra nhiều sáng kiến giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội.

Đáng chú ý, trong nửa nhiệm kỳ qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tích cực triển khai Chương trình 1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó quyết tâm phòng chống đại dịch Covid-19.

"Được sự động viên, khích lệ của công đoàn ngành, sự đồng lòng, quyết tâm của đông đảo của đoàn viên, công nhân viên chức lao động trong ngành, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã cập nhật gần 192.000 sáng kiến trong Chương trình triển khai “01 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó quyết tâm phòng chống đại dịch Covid-19” lên phần mềm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vượt chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao, mang lại hiệu quả 35,6 tỷ đồng; có 10 công trình sản phẩm được công nhận làm lợi 8 tỷ đồng”, ông Phan Văn Bản – Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam cho biết.

Kết quả Công đoàn Công Thương Việt Nam đứng thứ ba toàn quốc. Nhân dịp này, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã khen thưởng cho 40 tập thể, 90 cá nhân có nhiều thành tích triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, quyết tâm phòng chống dịch Covid -19”.

Tiếp tục khích lệ người lao động

Đã có ý kiến bày tỏ, những kết quả sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương không thể có được nếu không có các phong trào thi đua yêu nước rộng khắp, ngày một đổi mới, lấy năng suất, chất lượng, hiệu quả làm trọng tâm.

Để góp phần động viên, khích lệ người lao động phát huy các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hàng năm, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Lao động giỏi lao động sáng tạo, qua đó tôn vinh những công nhân lao động trực tiếp có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và những yêu cầu của chương trình; vận động đoàn viên, người lao động phát huy thế mạnh, sức sáng tạo ở từng lĩnh vực công tác, ra sức thi đua, nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng từ những công việc cụ thể.

Để góp phần động viên, khích lệ người lao động, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Lao động giỏi lao động sáng tạo, qua đó tôn vinh những công nhân lao động trực tiếp có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất

Bên cạnh đó, xây dựng sự ủng hộ, đồng thuận, phát huy hiệu quả trong công tác phối hợp, tạo điều kiện của lãnh đạo cơ quan, đơn vị và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp cho chương trình.

Đặc biệt, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh nghiên cứu giải pháp sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn và đặc thù của đơn vị, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đặc biệt là khó khăn của đoàn viên, người lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đăng tải sáng kiến.

Là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Công ty Toyota Việt Nam là một trong những đơn vị có nhiều đóng góp thực hiện thành công Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” của ngành Công Thương. Ông Trần Hoài Nam – Chủ tịch Công đoàn Công ty Toyota Việt Nam chia sẻ: Để đạt được mục tiêu đề ra của chương trình, Công đoàn Công ty Toyota đã thực hiện nghiêm túc, quyết liệt; đồng thời cũng nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình từ Ban Lãnh đạo Công ty tới các công đoàn viên.

"Chúng tôi đã tổ chức họp Ban Chấp hành Công đoàn để lập phương án thực hiện như: Lựa chọn 1 đồng chí Phó Chủ tịch Công đoàn làm Trưởng ban dự án; chia sẻ và trao đổi với Ban Giám đốc và các phòng ban chức năng để nhận sự đồng hành, hỗ trợ từ các bên; họp với tổ trưởng công đoàn các xưởng, phòng, ban để phân công nhiệm vụ. Ban Chấp hành và tổ trưởng công đoàn thường xuyên trực tiếp gặp gỡ người lao động để khích lệ tinh thần “Kaizen” – Liên tục cải tiến. Bên cạnh đó, Trưởng ban dự án cũng báo cáo tiến độ, kết quả hàng tuần để kịp thời nắm bắt tình hình và đưa ra các giải pháp phù hợp”, ông Trần Hoài Nam bày tỏ.

Ghi nhận những nỗ lực của người lao động trong thực hiện phong trào thi đua lao động, phát huy sáng kiến sáng tạo, tại Lễ trao Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV năm 2023, các cấp công đoàn ngành Công Thương Việt Nam đã vinh dự có 6 cán bộ, đoàn viên công đoàn được trao giải. Dù khác nhau về lĩnh vực công tác, tuổi đời, tuổi nghề, điều kiện làm việc, hoàn cảnh gia đình... song các cá nhân ngành Công Thương được tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần này đều có điểm chung, đó là ý chí kiên trì, bền bỉ, tinh thần lao động hăng say, sáng tạo, khát vọng cống hiến, say mê nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến trong sản xuất.

Có thể nói, việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hoạt động công đoàn đã góp phần giải quyết có hiệu quả các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra; thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Phát huy thành tích đã đạt được, thời gian tới, các cấp công đoàn ngành Công Thương tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, tập trung vào phong trào “Lao động giỏi – Lao động sáng tạo”. Đây là hoạt động giúp người lao động phát huy thế mạnh, sức sáng tạo và tinh thần liên tục cải tiến trong công việc hàng ngày, từ đó nâng cao năng suất lao động, lan tỏa giá trị tích cực cho toàn xã hội.

Thanh Tâm
Bài viết cùng chủ đề: Công đoàn

Tin cùng chuyên mục

Cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo 2021- 2025: Tạo xung lực cho phát triển kinh tế các địa phương

Bộ Công Thương: Tích cực, chủ động trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Bộ Công Thương: Đảm bảo cao nhất công tác cấp điện năm 2024

Bộ Công Thương: Nỗ lực tạo bệ đỡ cho công nghiệp hỗ trợ “cất cánh”

Tiếp tục hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh theo hướng minh bạch, công bằng

Điểm sáng thương mại điện tử gắn với chuyển đổi số

Bộ Công Thương trình Thủ tướng ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII

Đổi mới trong công tác đào tạo cán bộ công chức, viên chức ngành Công Thương

Bộ Công Thương: Nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong tình hình mới

Chính sách phát triển cụm công nghiệp: Đổi mới, bắt nhịp xu hướng

Hỗ trợ địa phương phát triển thương mại điện tử - Điểm sáng ngành Công Thương

Hoàn thiện chính sách về tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững

Nhìn lại hành trình 10 năm phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam

Thực hiện hiệu quả, bảo đảm đúng lộ trình cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do

Longform | Bài 3: Phát huy hơn nữa vai trò của thị trường nội địa

Longform | Bài 2: Xúc tiến thương mại nội địa: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Longform | Bài 1: Trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn

Bộ Công Thương đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại

3 Quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt: Đường lớn đã mở

Bộ Công Thương triển khai 5 giải pháp đưa thương mại điện tử “bứt tốc”