Hà Nam phát triển cụm công nghiệp phù hợp với mục tiêu chungĐông Nam bộ phát triển các khu, cụm công nghiệp theo hướng xanh hóaHà Nội: Nhiều bất cập quản lý, đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp |
Xây nền chính sách cho phát triển cụm công nghiệp
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ: “Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ sở hữu trí tuệ và giải quyết các tranh chấp dân sự, khắc phục những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của đất nước...”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó, hỗ trợ phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn thông qua các chương trình khuyến công, phát triển cụm công nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa… đã ghi dấu ấn đáng kể. Thành quả đạt được không chỉ làm thay đổi diện mạo công nghiệp nông thôn mà còn chung sức tạo nên sức tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp khối địa phương.
Chính sách phát triển cụm công nghiệp: Đổi mới, bắt nhịp xu hướng |
Trong đó, sự thay đổi mạnh mẽ về diện mạo của cụm công nghiệp là một điển hình.
Thực tế, sự phát triển nhanh mạnh của cụm công nghiệp ngày nay cũng trải qua nhiều thăng trầm, đặc biệt điểm xuất phát thấp và mang nhiều hạn chế từ yếu tố lịch sử.
Trước khi có Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý cụm công nghiệp (Quyết định 105), chưa có văn bản quy phạm pháp luật cấp Trung ương quy định chung về công tác quản lý đối với cụm công nghiệp. Việc quản lý do các tỉnh/thành phố quy định riêng dẫn đến phát triển cụm công nghiệp mang nặng tính tự phát, thiếu định hướng…
Giai đoạn từ năm 2010 – 2017, sau khi Quyết định số 105 được ban hành, khái niệm cụm công nghiệp đến các quy định về quản lý cụm công nghiệp được thống nhất trên phạm vi cả nước và đã tạo ra khung pháp lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; làm cơ sở cho các cơ quan quản lý, chủ đầu tư hạ tầng và các đơn vị liên quan chấp hành đúng chủ trương, quy định của nhà nước về phát triển cụm công nghiệp.
Sau đó, Bộ Công Thương đã xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý cụm công nghiệp như: Thông tư số 39/2009/TT-BCT hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Quyết định số 105; Thông tư liên tịch số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT hướng dẫn xử lý cụm công nghiệp hình thành trước khi Quyết định số 105 có hiệu lực; Thông tư số 17/2016/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Thông tư số 31/2012/TTLT-BCT-BKHĐT…
Công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động của cụm công nghiệp giai đoạn này được các địa phương nhận thức một cách đúng mức, tổ chức thực hiện theo trình tự, quy định của pháp luật; hạn chế phát triển cụm công nghiệp tự phát, thiếu quy hoạch như trước đây.
Việc phát triển cụm công nghiệp đã góp phần thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở địa phương theo định hướng quy hoạch. Đồng thời, di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư, thuận tiện cho xử lý ô nhiễm môi trường.
Dù đã cải thiện hơn rất nhiều, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, chính sách về cụm công nghiệp vẫn bộc lộ một số bất cập như: Quyết định số 105 không có quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp; các tiêu chí, điều kiện quy hoạch, thành lập, mở rộng cụm công nghiệp chưa chặt chẽ.
Việc xác định mô hình chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, địa bàn không thu hút được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng chưa rõ, chưa có quy định về việc lựa chọn doanh nghiệp/hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; phân công, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị trong hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu quản lý cụm công nghiệp…
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên từ năm 2017 đến nay Bộ Công Thương đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định số 68); Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68 (Nghị định số 66/2020/NĐ-CP) cùng các văn bản hướng dẫn liên quan.
Theo ghi nhận chung, việc ban hành, tổ chức thực hiện hai Nghị định này đã tạo hành lang pháp lý thống nhất thực hiện trong cả nước từ quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư, hoạt động trong cụm công nghiệp. Đồng thời, chấn chỉnh việc phát triển cụm công nghiệp tự phát trước đây, thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng và đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp.
Công tác quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp nhìn chung được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo trình tự, quy định của pháp luật. Nhiều địa phương đã rà soát xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế quản lý, quy hoạch phát triển và chính sách hỗ trợ cụm công nghiệp trên địa bàn. Việc quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp đã tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách về đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình.
Thay đổi để bắt nhịp bối cảnh mới
Nghị định 68 và Nghị định 66 dù được nhận định tạo bước ngoặt cho công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Phát triển cụm công nghiệp gỡ khó về mặt bằng cho sản xuất công nghiệp ở nông thôn. Ảnh Gia Khánh |
Ông Ngô Quang Trung- Cục Trưởng Cục Công Thương địa phương nhìn nhận, việc quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp đã tạo thuận lợi trong tiếp cận chính sách về đất đai, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia đình. Các cụm công nghiệp trên cả nước thu hút được trên 13.300 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 770.000 lao động, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp; các cụm công nghiệp còn góp phần tích cực trong việc di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hộ gia đình ra khỏi khu dân cư, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp tại các địa phương được đánh giá còn chậm, trông chờ vào ngân sách; thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tại nhiều địa phương, nhất là địa phương vùng miền núi, vùng sâu vùng xa khó khăn; vấn đề môi trường chưa được cải thiện rõ rệt ... Cùng đó, một số văn bản chính sách liên quan đã được sửa đổi dẫn đến chồng chéo trong quản lý. Do vậy, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp cần được sửa đổi, bổ sung để bắt nhịp và khắc phục những tồn tại đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Trước thực tế trên, Bộ Công Thương đã xây dựng, lấy ý kiến đóng góp và đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị đinh của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Dự thảo Nghị định). Trong đó, một số nội dung quan trọng được quan tâm như: Chấp thuận chủ trương đầu tư, thành lập/ mở rộng cụm công nghiệp, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp…
Theo ông Phạm Khắc Nam- Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh, trong Dự thảo Nghị định quy định thêm quyết định về điều chỉnh cụm công nghiệp, nội dung này rất quan trọng bởi thường xuyên phải thực hiện trong quá trình phát triển cụm.
Khẳng định Nghị định 66, Nghị định 68 đã và đang tạo rất nhiều thuận lợi cho địa phương trong công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp, nhưng để thuận lợi hơn, ông Nguyễn Ngọc Anh – Phó Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ đề xuất, Sở Công Thương được giao là cơ quan đầu mối, tuy nhiên cần quy định rõ và cụ thể đầu mối nội dung nào và trách nhiệm của từng đơn vị liên quan, trên cơ sở đó, địa phương có căn cứ thực hiện.
Trước những ý kiến đóng góp của địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân từng nhấn mạnh, Dự thảo Nghị định sẽ phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế và tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý và chủ đầu tư, nhà đầu tư có dự án trong cụm công nghiệp. Điều này sẽ được thể hiện qua việc rút gọn thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến chủ trương đầu tư. “Nhiều địa phương đã linh hoạt thực hiện nhưng vẫn cần quy định rõ ràng để tạo sự minh bạch, thuận lợi”, Thứ trưởng chỉ ra.
Theo Thứ trưởng, Dự thảo Nghị định phân cấp phân quyền mạnh cho các địa phương nhưng việc chuyển đổi phải tuân thủ Luật Đất đai, đồng thời khai thác một cách hiệu quả việc sử dụng đất.
Về điều kiện thành lập, quy mô cụm công nghiệp, Dự thảo Nghị định cũng khá thông thoáng và tạo điều kiện cho địa phương. Trong điều kiện cần thiết có thể linh hoạt với chủ đầu tư.