Longform
17/08/2023 11:10
Longform | Bài 1: Trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn

17/08/2023 11:10

Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng, thị trường nội địa đã khẳng định vai trò trụ cột quan trọng trong các thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn.
Longform | Bài 1: Trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn

Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thị trường trong nước đã luôn khẳng định vai trò trụ cột quan trọng trong những thời điểm nền kinh tế gặp khó khăn.

NHỮNG QUYẾT SÁCH MẠNH MẼ CỦA ĐẢNG

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra một số mục tiêu cụ thể đối với phát triển kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025, gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 6,5% - 7%/năm; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.

Là một trong những thành tố quan trọng trong “cỗ xe tam mã” kéo kinh tế tăng trưởng (gồm tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư), để đạt được mục tiêu này, duy trì tăng trưởng ở thị trường trong nước là một trong những yếu tố quan trọng. Để thị trường trong nước đóng góp ngày càng hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế, theo các chuyên gia, một trong những yếu tố vô cùng quan trọng là xây dựng thị trường nội địa phát triển vững mạnh dựa trên sự gia tăng nhóm người có thu nhập trung bình khá, giúp nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định phát triển trước biến động từ bên ngoài. Quá trình phát triển kinh tế vươn lên quốc gia có thu nhập trung bình cao với các ngành sản xuất và dịch vụ hiện đại sẽ thúc đẩy tầng lớp trung lưu liên tục tăng, thậm chí có thể trở thành biểu tượng của sự phát triển nhờ vào sự tận hiến trong lao động và sự hiện đại trong lối sống, văn hóa. Sự kết hợp của hai yếu tố này sẽ thúc đẩy việc mua sắm và tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ hiện đại, cải thiện tiêu chuẩn sống của chính tầng lớp trung lưu và có thể kéo theo các tầng lớp thấp hơn.

Nhà nước cũng cần có chính sách thuế phù hợp để đưa tỷ lệ tầng lớp trung lưu đạt 26% vào năm 2026. Do vậy, cần có giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước đẩy mạnh tự sản xuất và cung ứng (với tỷ lệ nội địa hóa cao) các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, được thiết kế dành riêng, phù hợp với đặc điểm nhu cầu và thu nhập của tầng lớp này. Giải pháp này không chỉ giúp hình thành bệ đỡ cơ sở cho phát triển doanh nghiệp và các ngành, hàng trong nước mà còn giúp giảm sự lệ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.

Thực tế, trong những năm qua, thị trường nội địa được Chính phủ và Bộ Công Thương vô cùng quan tâm và đặt ra những giải pháp rất mạnh mẽ để duy trì sự tăng trưởng. Nghị quyết số 01 ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và Dự toán Ngân sách Nhà nước (Nghị quyết 01) năm 2020 chỉ rõ, nhằm củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững, một trong những giải pháp quan trọng là Ban hành và triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống. Thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị, chú trọng đến các mặt hàng nông sản. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thị trường nội địa: Trụ cột quan trọng trong "cỗ tam mã"

Đến năm 2021, Nghị quyết 01 của Chính phủ tiếp tục chỉ rõ, cần chú trọng phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông và kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam. Nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng; phát triển hệ thống phân phối thông qua các Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phát triển đa dạng, phù hợp các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại hiện đại. Chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế và tạo thuận lợi phát triển mạnh thương mại điện tử, tăng cường quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử.

Năm 2022, vai trò của thị trường nội địa tiếp tục được nhắc đến trong Nghị quyết 01 của Chính phủ: Thúc đẩy tiêu dùng nội địa, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 7-8%. Tập trung theo dõi, phân tích, dự báo thị trường, kịp thời có giải pháp ứng phó, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất. Phát triển mạnh thương mại điện tử; đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, tận dụng cơ hội từ thị trường có FTA, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch. Tăng cường đấu tranh với hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Nâng cao năng lực và thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế. Xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm đối với những mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.

Thị trường nội địa: Trụ cột quan trọng trong "cỗ tam mã"

Sang đến năm 2023, Nghị quyết 01 của Chính phủ tiếp tục nêu rõ: Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 9%.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, những năm vừa qua, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các giải pháp phát triển thị trường trong nước. Trong đó, nổi bật nhất là Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Thị trường nội địa: Trụ cột quan trọng trong "cỗ tam mã"

Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát là phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và của nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.

Căn cứ vào đó, Chiến lược đề ra các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn. Giai đoạn 2021 -2030: Giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9,0 - 9,5%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15,0 - 15,5% vào GDP cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 13,0 - 13,5%/năm.

Đến năm 2030, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 15% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hội viên dạng nhà kho) trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chiếm khoảng 38 - 42% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế.

Giai đoạn 2031 - 2045: Giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân 8,5 - 9,0%/năm; đến năm 2045 đóng góp khoảng 15,5 - 15,7% vào GDP cả nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 12,0 - 12,5%/năm; đến năm 2045, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa của các khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 75%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò chủ đạo trong giao dịch thương mại; đến năm 2045, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 15-16% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 12 - 13%/năm.

ĐIỂM SÁNG TRONG ĐẠI DỊCH

Những năm vừa qua, khẳng định vai trò là một trụ cột trong “cỗ xe tam mã” thúc kinh tế phát triển, thị trường nội địa đã khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn nhất như đại dịch Covid-19.

Giai đoạn 2019 – 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Đại dịch làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại của thị trường nội địa.

Trong bối cảnh đó, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, vượt qua khó khăn gây ra bởi dịch Covid-19, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năm 2020 là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức hai đợt khuyến mại tập trung vào tháng 6, 7 và tháng 11, thay vì chỉ tổ chức vào tháng 11 như mọi năm.

Cùng với đó, các hoạt động kết nối sản xuất - tiêu thụ hàng hóa với 54 tỉnh, thành phố và đặc biệt là sự kiện "Hà Nội đêm không ngủ"... được tổ chức, nhằm khơi thông thị trường nội địa.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thành phố Hà Nội đã tổ chức hàng loạt chương trình: Hội chợ hàng Việt Nam, tuần hàng Việt Nam, đưa hàng Việt Nam về nông thôn, khu công nghiệp... vừa giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vừa giúp người dân có cơ hội mua sắm hàng hóa với mức giá ưu đãi.

Bên cạnh đó, thành phố và các doanh nghiệp bán lẻ lớn, như: Hapro, BRG, Co.opmart, Big C, Aeon Mall, Vinmart…; Các siêu thị điện máy như: MediaMart, Pico, Nguyễn Kim… cũng liên tục triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại lớn thu hút người tiêu dùng, đẩy mạnh mua sắm.

Đặc biệt, hệ thống thương mại Thủ đô đã hỗ trợ tỉnh Hải Dương tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản tồn đọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. “Những con số này cho thấy, ngay trong giai đoạn khó khăn nhất, việc đẩy mạnh khai thác, phát triển thị trường nội địa đã góp phần giúp nhà sản xuất vượt khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô”, bà Trần Thị Phương Lan nhận định.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, trong những ngày khó khăn nhất do đại dịch Covid-19, giãn cách xã hội kéo dài, Bộ Công Thương đã ngay lập tức thành lập Tổ công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố phía Nam và trực tiếp vào TP. Hồ Chí Minh công tác ngay trong những ngày sục sôi dịch bệnh.

Không quản ngại hiểm nguy, các đoàn công tác của Bộ Công Thương, dẫn đầu là Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và các Cục, Vụ thuộc Bộ liên tiếp vào các “điểm nóng” để chỉ đạo đảm bảo sản xuất “3 tại chỗ” và cung ứng nguồn hàng thiết yếu đầy đủ đến người dân.

Tại buổi làm việc với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh về tình hình sản xuất, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp giữa tháng 6 sục sôi của năm 2021, một trong những chỉ đạo của “Tư lệnh ngành Công Thương" là: “Nắm bắt, dự báo đúng tình hình, để tiếp tục điều chỉnh kế hoạch cung ứng hàng hóa cho người dân theo từng cấp độ, nhất là người trong khu cách ly và thật chú ý vấn đề truyền thông để người dân yên tâm".

Longform | Bài 1: Trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đặc biệt nhấn mạnh: "Chú ý việc kết nối giữa nơi sản xuất với nơi cung ứng dịch vụ chứ không dừng lại ở kênh phân phối để chủ động tốt hơn nguồn hàng. Trong quá trình kết nối cố gắng kết nối với các địa phương, đơn vị có nhu cầu tiêu thụ nông sản, thủy sản tới vụ. Bởi đây là nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết, vừa góp phần cung ứng hàng hóa cho người dân, vừa góp phần tiêu thụ nông thủy sản tới vụ cho bà con nông dân”.

Bài 1: Trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp phân phối lớn đều cam kết bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong hệ thống phân phối, trong đó có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố trong mọi tình huống.

Tại các hệ thống phân phối lớn như Sài Gòn Co.op, Vincommerce; BRG Retail, Central Group, Bách Hóa Xanh, MM Mega Market…, công tác chuẩn bị nguồn hàng dự trữ luôn được duy trì trong giai đoạn chống dịch Covid-19 với lượng hàng hóa tăng từ 150-500% so với tháng thường, hàng hóa đa dạng, giá cả ổn định, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tăng lên của người dân khi đại dịch.

Thị trường nội địa: Trụ cột quan trọng trong "cỗ tam mã"

Đặc biệt, với hệ thống bưu cục rộng khắp và hệ thống xe bưu chính được vận chuyển trong giai đoạn Covid-19, hai doanh nghiệp lớn là Viettel Post và Việt Nam Post đã tham gia tích cực vào việc cung ứng hàng hoá đến tận tay người dân thông qua các điểm bán hàng di động. Nhờ đó, người dân đã không bị thiếu hàng hoá phục vụ cho tiêu dùng.

Cùng với 2 thành phố lớn kể trên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo đó, các địa phương có phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo từng cấp độ diễn biến của dịch Covid-19 và sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khác khi cần thiết, với phương châm "4 tại chỗ" (chỉ đạo tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hệ thống phân phối tại chỗ, hàng hóa tại chỗ) và "3 sẵn sàng" (chủ động nguồn hàng, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương).

Thị trường nội địa: Trụ cột quan trọng trong "cỗ tam mã"

Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối lớn tăng lượng dự trữ, bảo đảm cung ứng các hàng hóa thiết yếu trên toàn hệ thống. Đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa, diễn biến dịch bệnh để ổn định tâm lý của người dân, tránh việc đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ...

Trong năm 2020, để phục hồi và phát triển nền kinh tế, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa. Điển hình là chương trình "Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020" được thực hiện trong tháng 7/2020 trên phạm vi toàn quốc; chương trình “Tự hào hàng Việt Nam” cũng trên quy mô toàn quốc. Cùng với đó là các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa đơn vị sản xuất và hệ thống phân phối; kết nối xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc sản vùng miền tại nhiều địa phương...

Nhờ đó, kết quả rõ nhất là lưu thông hàng hóa được đẩy mạnh, thông suốt, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân, từ đó tạo đầu ra tại thị trường nội địa cho các doanh nghiệp.

TRỤ ĐỠ QUAN TRỌNG CHO DOANH NGHIỆP

Nhờ sự nỗ lực của các cơ quan, bộ ngành, sức cầu tiêu dùng trong nước luôn được duy trì tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn, kể cả trong giai đoạn cam go nhất do dịch bệnh. Thị trường trong nước đã trở thành trụ đỡ quan trọng khi nền kinh tế đứt gãy chuỗi cung ứng. Hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng tiêu dùng thiết yếu, lương thực thực phẩm được đưa đến tận cùng các con ngõ nhỏ, góp sức cho người dân chống dịch cũng như tăng trưởng kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 đã đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm trước.

Đến năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2021 đạt 4.789.495 tỷ đồng, giảm 3,76% so với năm 2020. Tuy nhiên, điểm sáng của thị trường nội địa năm này chính là không để thiếu hàng hoá tiêu dùng thiết yếu cho người dân trong đại dịch.

Đặc biệt, tận dụng hiệu quả những giải pháp của Chính phủ để thúc đẩy phục hồi kinh tế khi đại dịch dần được kiểm soát, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 5.679,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm trước, gấp 2,5 lần kế hoạch năm (tăng 8%).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, những năm đại dịch, doanh nghiệp kệt quệ, sức chịu đựng của người dân đã đến giới hạn, thị trường nội địa được doanh nghiệp quan tâm rất lớn. Đăc biệt, trong bối cảnh đặc biệt khó khăn, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được triển khai rộng rãi hơn, quán triệt sâu sắc hơn đến tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đông đảo doanh nghiệp và người dân.

“Theo phản ánh của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp đánh giá rất cao việc trong bối cảnh khó khăn nói chung, thị trường nội địa đã giúp tiêu thụ hàng hoá và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá.

Thị trường nội địa: Trụ cột quan trọng trong "cỗ tam mã"

Theo đó, doanh nghiệp đã đảm bảo cung ứng hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá thiết yếu đến mọi miền đất nước. Bởi vì đồ ăn thức uống, các sản phẩm thiết yếu nhất cho người dân trên khắp đất nước, kể cả vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo đều là hàng Việt Nam. Nếu không có doanh nghiệp sản xuất hàng Việt và không có doanh nghiệp phân phối đưa hàng hoá lưu thông đến các khu vực thì không thể đảm bảo nguồn cung ứng hàng hoá để chống dịch thành công và không thể đảm bảo thực hiện tốt các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Là một trong những doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu, song trong những năm gần đây, đặc biệt khi đại dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi cung ứng, Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean) đã đầu tư hơn cho thị trường nội địa.

"Tôi nhận thấy thị trường nội địa với 100 triệu dân là thị trường rất tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất thời trang như chúng tôi khai thác và chúng tôi đã có kế hoạch khai thác thị trường này cách đây nhiều năm" - ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT VitaJean cho biết.

Thị trường nội địa: Trụ cột quan trọng trong "cỗ tam mã"

Ông Việt đồng thời chia sẻ, những năm vừa qua, VitaJean đã đẩy mạnh phát triển thương hiệu V-Sixtyfour ở thị trường nội địa. Bằng các giải pháp như cải thiện phom dáng, màu sắc để phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam, thương hiệu V-Sixtyfour đã ngày càng được người tiêu dùng nội địa ưa chuộng. Do đó, doanh thu từ thị trường nội địa đã bù đắp một phần trong tổng doanh thu của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Bài 2: Kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng nền kinh tế

Phương Lan - Trang Anh

Giải pháp nào cho doanh nghiệp thuỷ sản chắc chân hơn ở thị trường nội địa? Longform | Đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa, xúc tiến thương mại thị trường nội địa

Phương Lan - Thu Trang

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025, tiếp tục đưa thị trường nội địa trở thành

Năm 2025, tiếp tục đưa thị trường nội địa trở thành 'tuyến phòng ngự' vững chắc

Năm 2025, Bộ Công Thương xác định sẽ tiếp tục nỗ lực để thị trường nội địa giữ đà tăng trưởng, trở thành "tuyến phòng ngự" vững chắc cho kinh tế vĩ mô.
VinFast đạt kỷ lục bàn giao hơn 16.000 ô tô điện trong tháng 11/2024

VinFast đạt kỷ lục bàn giao hơn 16.000 ô tô điện trong tháng 11/2024

VinFast công bố đã bàn giao hơn 16.000 ô tô điện các loại trong tháng 11/2024, nâng tổng số bán ra từ đầu năm đến nay lên hơn 67.000 xe tại thị trường nội địa.
Doanh nghiệp sẵn sàng nguồn cung hàng hoá phục vụ cuối năm và Tết Ất Tỵ

Doanh nghiệp sẵn sàng nguồn cung hàng hoá phục vụ cuối năm và Tết Ất Tỵ

Thời điểm này, các doanh nghiệp đang rục rịch chuẩn bị nguồn hàng cho cuối năm và Tết Ất Tỵ. Việc này được kỳ vọng sẽ giúp tổng mức bán lẻ hàng hoá tăng trưởng.